Dự án nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Bài 2: Động thái 'lạ' từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt

Sai phạm tại dự án nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Dư luận đặc biệt quan tâm đến hướng xử lý dứt điểm vụ việc để dự án tiếp tục triển khai, hoàn thành cũng như làm rõ và xử lý vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước TP.HCM, nhà đầu tư, kể cả ngân hàng tham gia tài trợ, cấp tín dụng cho dự án.

Tại dự án này, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là đơn vị tài trợ, cấp tín dụng cho doanh nghiệp thực hiện dự án và đã giải ngân hơn 435 tỷ đồng. Trước việc dự án ngừng thi công, doanh nghiệp thực hiện dự án vi phạm hợp đồng tín dụng, để “cứu vãn” tình thế, ngày 8/1/2021 Ngân hàng Bưu điện Liên Việt có Văn bản số 90 gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, đề xuất được chỉ định thay nhà đầu tư mới.

Do ngừng thi công, nhiều khu đất đã được đền bù bị bỏ hoang, có nguy cơ bị xâm lấn.

Do ngừng thi công, nhiều khu đất đã được đền bù bị bỏ hoang, có nguy cơ bị xâm lấn.

Theo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương) đã vay vốn tại ngân hàng theo Hợp đồng tín dụng số 002-17/HĐTD-NSG ngày 17/1/2017 với hạn mức hơn 1.438 tỷ đồng. Đến nay nhà đầu tư không thực hiện đúng yêu cầu hợp đồng BOT về tiến độ dự án, ngừng thi công từ tháng 6/2018. Công ty TNHH đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương đã vi phạm hợp đồng tín dụng 002-17/HĐTD-NSG, không trả nợ vay đúng hạn cho ngân hàng, khoản nợ đã chuyển thành nợ xấu.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đề xuất Sở GTVT TP.HCM cho Công ty Cổ phần Him Lam (chuyên lĩnh vực bất động sản) là nhà đầu tư mới được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chỉ định tiếp nhận, tham gia tiếp dự án BOT.

Vì sao Công ty Cổ phần Him Lam lại được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đề xuất thay nhà đầu tư cũ và liệu rằng có đủ năng lực để thi công, làm tiếp dự án giao thông nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương hay không khi mà Công ty Cổ phần Him Lam chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản?

Trong khi các cơ quan ban ngành của TP.HCM còn chưa biết xử lý thế nào trước đề xuất này thì lạ thay, ngày 14/5/2021, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt có Văn bản số 4771 nội dung thể hiện việc không tiếp tục tài trợ vốn cho Công ty TNHH đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương, không tiếp tục đề xuất chỉ định nhà đầu tư mới tiếp nhận toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án như trong Văn bản số 90 trước đó. Đồng thời không đề xuất hay chỉ định nhà đầu tư mới khác, không thực hiện quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay nêu tại hợp đồng BOT đã ký kết.

Đoạn cuối đường Võ Văn Kiệt đang bịt kín, chưa triển khai các hạng mục do dự án ngừng thi công.

Đoạn cuối đường Võ Văn Kiệt đang bịt kín, chưa triển khai các hạng mục do dự án ngừng thi công.

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng: Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (gọi tắt là Công ty Yên Khánh) do ông Đinh Ngọc Hệ thành lập, đã lập khống báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán để được chỉ định thầu và ký hợp đồng đầu tư dự án nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hình thức BOT; thực hiện các thủ tục để được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt giải ngân số tiền hơn 435 tỷ đồng.

Sau đó ông Đinh Ngọc Hệ thành lập Công ty TNHH đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương để thực hiện dự án và chỉ đạo giám đốc điều hành công ty này ký các hợp đồng nguyên tắc với các nhà thầu thi công, làm các thủ tục để Ngân hàng Bưu điện Liên Việt ứng tiền giải ngân 50% giá trị hợp đồng cho các nhà thầu. Đồng thời yêu cầu các nhà thầu thi công khi nhận được tiền tạm ứng thi công dự án thì chuyển một phần lại cho Công ty Yên Khánh, Công ty Khánh An, Công ty Thái Sơn bằng cách làm hợp đồng vay vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư để chiếm đoạt số tiền hơn 200 tỷ đồng. Theo cơ quan chức năng, đến nay ngân hàng khó có khả năng thu hồi số tiền 200 tỷ đồng nói trên.

Hiện dự án đã dừng thi công, Công ty TNHH đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương không có khả năng tiếp tục thực hiện; việc các đơn vị thi công không đảm bảo tiến độ, không đảm bảo chất lượng có khả năng gây thiệt hại cho việc thực hiện dự án.

Theo cơ quan chức năng: "Đây là vụ việc có dấu hiệu sai phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm, được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an theo dõi tiến độ và kết quả điều tra, xử lý".

Việc điều tra xử lý sai phạm là của cơ quan chức năng. Việc đòi tiền đơn vị đã vay thực hiện dự án như "mò kim đáy bể" là của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Nhưng, với việc dự án đã "đắp chiếu" 6 năm thì các cơ quan ban ngành có trách nhiệm của TP.HCM không thể cứ "ngồi họp tìm phương án" mãi được. Vậy phương án nào "có khả thi nhất" để "hồi sinh" dự án? Báo Lao động Thủ đô sẽ thông tin ở bài sau.

Nhằm làm rõ trách nhiệm cũng như hướng xử lý liên quan đến vai trò của đơn vị tài trợ, cấp tín dụng dự án, ngày 10/4/2024, phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã liên lạc với bộ phận truyền thông của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để được cung cấp thông tin về quy trình thẩm định năng lực, xét duyệt hồ sơ và giải ngân cho doanh nghiệp thực hiện dự án…cũng như hướng giải quyết hiện nay từ phía ngân hàng để có thể thu hồi 200 tỷ đồng và bảo toàn vốn đã giải ngân cho dự án, tránh thất thoát...

Thế nhưng đã hơn 1 tháng trôi qua, Báo Lao động Thủ đô vẫn chưa nhận được phản hồi từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (!?).

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/du-an-noi-duong-vo-van-kiet-voi-cao-toc-tphcm-trung-luong-bai-2-dong-thai-la-tu-ngan-hang-buu-dien-lien-viet-171021.html