Dự báo lạm phát nửa cuối năm, gió ngược tỷ giá và tín dụng tăng tốc sẽ gây áp lực

Nửa cuối năm 2025, các chuyên gia dự báo áp lực lạm phát được dự báo cũng sẽ không lớn do các yếu tố tác động trái chiều đến giá cả. Tuy nhiên, loạt áp lực từ tỷ giá biến động bất thường, chính sách thuế quan mới của Mỹ cùng tăng trưởng tín dụng cao là những yếu tố cần lưu tâm khi kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm.

Đánh giá về những yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong nửa đầu năm 2025 hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025” do Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa tổ chức, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính đánh giá, áp lực lạm phát nửa đầu năm 2025 chủ yếu đến từ nhóm dịch vụ y tế, với mức tăng 18,07%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,73%. Cùng với đó, trước sức ép từ chính sách thuế quan của Mỹ, tỷ giá USD/VND bình quân tăng 3,3% cùng kỳ, gây áp lực lên giá cả.

Áp lực nửa đầu năm không quá lớn

Dù vậy, theo TS. Nguyễn Đức Độ, trong bức tranh tổng quan chung, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới lại có xu hướng giảm nên về tổng thể, chỉ số giá hàng hóa nhập khẩu giảm 1,57 %, chủ yếu do giá nhiên liệu giảm 7,29% và giúp giảm áp lực lạm phát. "Có thể nhận định rằng áp lực lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2025 không quá lớn, mặc dù cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2015 - 2024" - ông Độ đánh giá.

Các chuyên gia kinh tế đưa ra những phân tích sâu sắc và dự báo về xu hướng giá cả, lạm phát nửa cuối năm 2025. Ảnh: T.L.

Các chuyên gia kinh tế đưa ra những phân tích sâu sắc và dự báo về xu hướng giá cả, lạm phát nửa cuối năm 2025. Ảnh: T.L.

Giá cả trong nước đang tuân theo quy luật mùa vụ, song theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, cũng cần lưu ý những áp lực mới trong nửa cuối năm, đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén trong điều hành để vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, đặc biệt trong lộ trình điều chỉnh giá các dịch vụ công như điện, y tế, giáo dục.

Cũng theo TS. Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, trong 6 tháng đầu năm 2025 ở Việt Nam, cơ bản giá cả thị trường diễn biến theo quy luật hàng năm, giá cả tăng vào tháng Tết do nhu cầu mua sắm của người dân tăng, sau đó hoạt động mua bán, giá cả dần trở lại bình thường sau Tết. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, CPI bình quân tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,16%.

Mặc dù lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 3,27%, thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng áp lực kiểm soát giá cả trong bối cảnh phục hồi kinh tế vẫn hiện hữu, với những thách thức trong 6 tháng cuối năm là không nhỏ.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và sức ép lạm phát ngày càng gia tăng, nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành đưa ra những phân tích sâu sắc và dự báo quan trọng về xu hướng giá cả, lạm phát và chính sách điều hành tại Việt Nam trong năm 2025.

Nửa cuối năm còn nhiều ẩn số

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính Giám đốc Học viện Tài chính chỉ ra hai nhóm yếu tố chính có thể tác động mạnh đến mặt bằng giá cả Việt Nam trong nửa cuối năm 2025.

Theo đó, thứ nhất, bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian tới được dự báo không thuận lợi. Cùng với những căng thẳng về thương mại do chính sách thuế quan của Mỹ, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, tạo ra những thách thức to lớn đối với xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam. Thứ hai, ở trong nước, việc cung tiền, tỷ giá tăng tương đối nhanh trong nửa đầu năm 2025 có thể gây sức ép lên giá cả trong thời gian tới.

"Điểm thuận lợi là giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới được dự báo sẽ khó tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan" - ông Tùng nhận định.

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Độ, áp lực lạm phát được dự báo cũng sẽ không lớn do các yếu tố tác động khiến giá cả tăng, giảm sẽ đan xen nhau. Về các yếu tố khiến giá cả tăng, trước tiên phải kể đến tỷ giá. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỷ giá USD/VND tăng tương đối mạnh, bất chấp đồng USD có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế.

"Điều này trái với quy luật thông thường, chẳng hạn như trong 6 tháng cuối năm 2024 chỉ số DXY và tỷ giá USD/VND biến động cùng chiều" - ông Độ nêu rõ.

Nguồn: TS. Nguyễn Đức Độ tổng hợp.

Nguồn: TS. Nguyễn Đức Độ tổng hợp.

Tín dụng dâng cao, sức ép lạm phát tăng nhiệt cuối năm

"Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,09% so với cuối năm 2024, còn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt mức 8,3% trong cùng giai đoạn. Với định hướng tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2025 là 16%, đồng thời Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt 8% năm 2025, nhiều khả năng cung tiền sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa và gây sức ép lên giá cả" - TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá.

Nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND biến động ngược chiều với chỉ số DXY trong năm 2025 là do chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ dẫn đến lo ngại xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng, nguồn cung USD sụt giảm. Đồng thời, lạm phát Mỹ hạ nhiệt chậm khiến lãi suất duy trì cao, làm chênh lệch lãi suất USD - VND lớn hơn, tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát.

Một yếu tố khác cũng gây sức ép lên giá cả trong 6 tháng cuối năm 2025 là việc cung tiền và tín dụng tăng mạnh.

Ở chiều ngược lại, nửa cuối năm 2025 cũng có nhiều yếu tố giúp kiềm chế lạm phát.

TS. Nguyễn Đức Độ phân tích, trước tiên, việc xuất khẩu gặp nhiều thách thức tại thị trường Mỹ do thuế quan, cũng như tại các thị trường khác do tăng trưởng kinh tế thấp sẽ khiến nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào hơn, giúp giảm áp lực lạm phát.

Một yếu tố thuận lợi khác là giá các hàng hóa cơ bản đang có xu hướng giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại đáng kể do thuế quan. Nói cách khác, những thách thức đối với tăng trưởng của Việt Nam và thế giới cũng sẽ đồng thời là các yếu tố giúp cản đà tăng của giá cả trong nửa cuối năm 2025.

“Với giả định CPI trong 6 tháng cuối năm 2025 sẽ tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức tăng trung bình trong 6 tháng cuối năm của giai đoạn 2015 - 2024, lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo ở mức 3,4%. Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các hàng hóa cơ bản giảm mạnh, lạm phát trung bình cả năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%” - ông Độ đánh giá./.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-bao-lam-phat-nua-cuoi-nam-gio-nguoc-ty-gia-va-tin-dung-tang-toc-se-gay-ap-luc-179799.html