Dù giá tăng chóng mặt, thực phẩm, rau xanh tại nhiều siêu thị không còn để bán
Tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, giá các mặt hàng rau, củ quả tăng giá chóng mặt; tại nhiều siêu thị, lượng người dân mua sắm tăng đột biến khiến thực phẩm và rau xanh đang bị thiếu hụt...
Thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, rau xanh tại các chợ truyền thống, siêu thị và cửa hàng tiện dụng ở Hà Nội sau bão số 3 (bão Yagi) có biến động tăng giá, có hiện tượng thiếu hụt thực phẩm và rau xanh ở một số nơi do sức mua tăng cao. Cá biệt, các mặt hàng rau, củ quả giá bán tăng rất cao.
Rau xanh vẫn tăng giá từng ngày do thiếu nguồn cung
Khảo sát của phóng viên Báo Điện tử VOV, tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội, ngày 11/9 cho thấy, không có nhiều các loại rau ăn lá và đa phần các mặt hàng rau xanh tăng giá mạnh so với tuần trước (trước bão Yagi), có loại tăng hơn gấp ba lần so với thông thường.
Tại chợ Châu Long (Ba Đình), giá các loại rau củ quả giá tăng mạnh so với những ngày trước. Mặt hàng rau muống giá 20.000-25.000 đồng/mớ, tăng từ 12.000 - 15.000 đồng/mớ; cải bắp tăng từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/kg; rau cải ngọt tăng từ 25.000/kg lên 50.000 - 55.000 đồng/kg; cải thìa tăng từ 20.000 đồng lên 45.000 đồng/kg; xà lách tăng từ 25.000 đồng lên 45.000-50.000 đồng/kg; rau mồng tơi tăng 7.000 - 8.000 đồng/mớ lên 15.000 đồng/mớ; rau dền cũng tăng 6.000 - 7.000 đồng/bó lên 17.000 - 20.000 đồng/bó; mướp 30.000 - 35.000 đồng/kg, dưa chuột tăng 5.000 - 8.000 đồng/kg lên 30.000 - 35.000 đồng/kg.
Các tiểu thương tại chợ cho biết, giá rau, củ quả tăng do nguồn cung hạn chế, các vườn trồng rau đang bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão, nên việc thu hoạch lại càng khó khăn. Bên cạnh đó, việc vận chuyển rau xanh cũng bị ảnh hưởng của thời tiết và đường xá nhiều nơi bị chia cắt do lũ lụt và mưa lớn…
“Thường theo quy luật, sau mưa bão các mặt hàng rau ăn lá sẽ đắt lên, vì nhiều hộ trồng rau đang bị mất trắng nên việc cung ứng thiếu hụt. Mấy hôm nay tôi đi chợ đầu mối chỉ lấy được các loại củ quả, còn rau ăn lá rất hạn chế nên phải mua gom ở nhiều nơi, có nơi ở xa còn phải thuê người vận chuyển riêng nên giá rau có phần bị đội lên so với trước”, chị Hà, tiểu thương bán buôn lâu năm tại chợ Châu Long cho hay.
Tại khu vực chợ Vĩnh Tuy, chợ 8/3 (quận Hai Bà Trưng), nhiều hàng rau xanh, thực phẩm chiều 10/9 “cháy hàng” do có nhiều người mua tích trữ. “Tôi ra chợ mà hầu như chả còn gì để mua. Cảm giác mọi người tích trữ đồ ăn còn hơn đợt bão vừa rồi”, chị Trần Thanh Huyền, ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết.
Anh Nguyễn Văn Thuận, ở Minh Khai, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, nghe tin mưa giông nên anh xin nghỉ làm sớm về định mua đồ ăn cho 1-2 ngày tới, nhưng tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị trong khu đều hết rau xanh, thịt, cá. “Tôi đi cả siêu thị lớn cũng như cửa hàng tiện lợi quanh khu nhà tôi nhưng không mua nổi 1 mớ rau xanh nguyên vẹn. Thịt cũng hết, may mắn có hàng còn 1-2 khay thịt bò nên tôi đành mua tạm”, anh Thuận nói.
Hiện, giá các loại thực phẩm ở chợ truyền thống hôm nay không có nhiều biến động. Thịt lợn nạc vai 150.000 đồng/kg; mông sấn 110.000/kg; sườn 135.000 đồng/kg; cá trắm 80.000 đồng/kg; mực tươi 150.000 đồng/kg; trứng gà 35.000 đồng/chục…không thay đổi nhiều so với những ngày trước.
Các tiểu thương bán thịt tại chợ Thành Công cho biết, nguồn cung thịt những ngày này vẫn ổn định, các lò mổ vẫn duy trì được việc nhập hàng từ nhiều hộ chăn nuôi nên giá bán không ảnh hưởng nhiều bởi bão và thời tiết. Trong khi đó, từ trước khi bão về, người dân đã mua tích trữ nhiều thực phẩm nên lượng tiêu thụ các mặt hàng này cũng chậm hơn trước.
“Thịt lợn vẫn có đầy ở chợ giá không thay đổi, chỉ có tăng nhẹ hôm trước bão nhưng nay giá bán bình thường như cũ. Nguồn cung tại các lò mổ vẫn dồi dào nên lượng thịt ở chợ liên tục cung cấp đầy đủ cho người dân, không có hiện tượng tăng giá hay khan hiếm hàng. Mấy hôm nay trời lại có mưa nên người mua cũng ít hơn, thường phải đến tối muộn mọi người mới bán hết hàng”, anh Định bán thịt lợn ở chợ Thành Công cho biết.
Các mặt hàng lương thực tại Hà Nội trong ngày hôm nay không có thay đổi về lượng cung cầu và giá cả. Một số chủ cửa hàng bán gạo cho biết, lượng khách mua gạo lẻ vẫn bình thường, giá gạo giữ ổn định, mặc dù nguồn cung có ảnh hưởng chút ít bởi khâu vận chuyển khi mưa bão nhưng giá bán không đổi. Hiện giá gạo Bắc Hương đang là 20.000 đồng/kg; gạo tám Thái 19.000 - 20.000 đồng/kg; khang dân 17.000 đồng/kg; ST 25 giá 38.000 – 50.000 đồng/kg (tùy loại).
Khuyến cáo không mua trữ quá nhiều rau xanh
Tại các siêu thị lớn ở Hà Nội như WinMart, WinMart+, WIN, Big C Thăng Long... những ngày qua do chủ động sớm dự trữ nguồn hàng và có phương án cung ứng bổ sung kịp thời, nên nguồn cung hàng hóa cơ bản ổn định, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá, rau xanh...
Mặc dù vậy, chiều 10/9, lượng người mua sắm đồ dùng, lương thực, thực phẩm để tích trữ lại gia tăng đột biến. Tại các siêu thị ở khu vực Mỹ Đình, các quầy thực phẩm, thịt, rau sạch và các đồ khô như mỳ tôm, phở, gia vị, giấy… đều tập chung lượng đông người mua hàng. Đáng chú ý là tại các quầy thực phẩm tươi sống như thịt, rau xanh đang hết hàng không đủ bán. Mặt hàng mỳ tôm, bún, miến và phở… vẫn luôn được bổ sung hàng do lượng người mua nhiều và số lượng lớn.
Theo đại diện siêu thị Winmart ở Mỹ Đình, từ ngày 7/9 đến nay lượng khách tăng đột biến vì mọi người lo mưa bão không thể ra đường và lo hết hàng, do đó các mặt hàng thịt luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung, siêu thị đã lên phương án bổ sung hàng liên tục và tăng số lượng hơn so với bình thường.
Hiện các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết tại siêu thị vẫn được giữ mức giá bình ổn như trước: Mỳ tôm có giá từ 240.000 – 260.000 đồng/thùng; Nấm tùy loại có giá từ 15.000 - 70.000 đồng/gói; Nước lọc đóng chai có giá từ 80.000 – 130.000 đồng/thùng; giá thịt lợn từ 120.000 – 250.000 đồng/kg tùy loại… Bên cạnh đó, nhiều siêu thị hiện tại còn bố trí nhận đơn hàng qua điện thoại và hỗ trợ các khách không thể trực tiếp đến cửa hàng.
Chị Nguyễn Thị Lan, đại diện cửa hàng DK Minimart tại Cầu Diễn, Hà Nội cho biết, mấy ngày gần đây nhu cầu mua thực phẩm của người dân tăng cao, nên cửa hàng cũng đã tăng lượng nhân viên để đảm bảo phục vụ. Ngoài ra, cửa hàng cũng sẵn sàng hỗ trợ giao hàng tận nhà cho khách, nếu khách có nhu cầu nhưng bận việc không đến mua được.
“Đối với các mặt hàng khô mọi người có thể mua nhiều để tích trữ, còn với rau xanh chỉ nên mua vừa đủ hoặc dư một chút, vì nếu mua quá nhiều và không bảo quản được để hỏng rất phí. Hiện tại rau xanh chưa tăng giá, nhưng một vài ngày tới chắc sẽ biến động chút ít do nguồn cung hạn chế bởi ảnh hưởng mưa bão, không đủ nguồn hàng. Bên cạnh đó, việc vẫn chuyển cũng khó khan do đường xá bị chia cắt, sạt lở…”, chị Lan lưu ý.
Theo thông tin từ các HTX sản xuất rau quả ngoại thành Hà Nội, đợt mưa bão vừa qua khiến sản lượng rau, củ quả của các HTX sắp đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại nặng. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến nguồn cung rau củ quả cho Hà Nội trong những ngày tới. Dự kiến, phải hết tháng 9 nguồn cung rau, củ quả mới có thể được đảm bảo như bình thường.