Du khách Hà Nội vây kín xem 'robot nấu phở', chờ hàng giờ để thưởng thức

Không gian 'Phở số Hà thành', gian hàng làng nghề giò chả Ước Lễ gây chú ý lớn tại Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội.

Hai ngày cuối tuần, hàng ngàn người dân và du khách đã tới tham gia Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội diễn ra tại Công viên Thống Nhất. Lễ hội quy tụ hơn 80 gian hàng với rất nhiều món đặc sản của Hà Nội, 8 tỉnh thành khác trong nước (Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hưng Yên, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Bình) và 16 đại sứ quán như Ấn Độ, Nhật Bản, Mông Cổ, Lào, Pháp...

Khu vực gây chú ý nhất trong lễ hội lần này là không gian "Phở số Hà thành", nơi robot thông minh tham gia phục vụ phở cho thực khách. Tối 29/11 và chiều tối 30/11, thực khách vây kín khu vực này để xem "robot nấu phở", có người chờ cả tiếng để tới lượt thưởng thức.

Robot này thực chất là một cánh tay máy được lập trình để thực hiện các thao tác như chần phở, đổ nguyên liệu vào bát, chan nước phở.

Robot này thực chất là một cánh tay máy được lập trình để thực hiện các thao tác như chần phở, đổ nguyên liệu vào bát, chan nước phở.

Sự xuất hiện của robot khiến thực khách tò mò theo dõi. Theo quan sát, robot chan nước dùng vào bát phở với tốc độ khoảng 5 giây/lần. Các công đoạn như chần phở, đưa nguyên liệu vào bát, chan nước dùng tốn 2-4 phút.

Các nguyên liệu ăn kèm được đặt trong khay tại vị trí cố định. Cánh tay robot sẽ vươn ra, kẹp lấy chiếc khay rồi đổ vào bát. Một vài thời điểm, robot cũng trả tín hiệu về máy để nhân viên hỗ trợ khắc phục.

Robot chan nước dùng vào bát phở với tốc độ khoảng 5 giây/lần.

Robot chan nước dùng vào bát phở với tốc độ khoảng 5 giây/lần.

Trên thực tế, để hoàn thiện một bát phở, tại gian hàng vẫn cần tới sự hỗ trợ của nhân viên trong nhiều công đoạn như cân, chia nguyên liệu, hay bê bát phở đặt vào con robot vận chuyển.

Đại diện ban tổ chức cho biết, robot không thể thay thế hoàn toàn con người để nấu và phục vụ phở. Thiết bị hiện tại là bản thử nghiệm để mang tới trải nghiệm mới lạ cho thực khách.

Chị Bùi Thị Bích Thủy (Hà Đông) khá thích thú khi được trải nghiệm món phở do robot thực hiện. Tuy nhiên, theo chị, tốc độ thực hiện của robot còn chậm và không thể thiếu sự hỗ trợ từ con người.

Chị Bùi Thị Bích Thủy (Hà Đông) khá thích thú khi được trải nghiệm món phở do robot thực hiện. Tuy nhiên, theo chị, tốc độ thực hiện của robot còn chậm và không thể thiếu sự hỗ trợ từ con người.

Tại gian hàng này, thực khách quét QR để gọi món trước khi vào bàn. Một số thời điểm, quầy phải dừng nhận đơn mới do lượng khách quá đông.

Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội tự hào là địa phương có số lượng di sản lớn của cả nước, phong phú cả bề rộng, chiều sâu với sự hòa nhập của văn hóa Thăng Long với các vùng văn hóa xứ Đoài, xứ Đông, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng.

"Cùng với nghề cốm Mễ Trì, nghề làm xôi Phú Thượng, nghề ướp trà sen Quảng An, năm 2024, Phở Hà Nội đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của cộng đồng chủ thể và những người yêu thích ẩm thực. Sự ghi danh di sản cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để góp phần triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Phở Hà Nội”, bà Vũ Thu Hà cho biết.

Các gian hàng đặc sản của Hà Nội như bánh tôm Hồ Tây, bánh Phú Đô, cốm làng Vòng, nem Phùng, cháo se Hạ Mỗ, giò chả Ước Lễ... cũng thu hút rất đông người dân và du khách.

Tại lễ khai mạc ngày 29/11, làng nghề giò chả Ước Lễ gây chú ý với cây chả nặng 150kg, do 10 nghệ nhân thực hiện. Ngày 30/11, rất đông người dân vẫn thích thú bao quanh gian hàng này để xem các nghệ nhân trình diễn giã giò, chả thủ công.

Các nghệ nhân của làng dùng chày giã thịt rất điêu luyện, đúng nhịp, thỉnh thoảng hô đồng thanh, đem đến khung cảnh như trong ngày hội làng náo nhiệt, thu hút người xem.

Các nghệ nhân của làng dùng chày giã thịt rất điêu luyện, đúng nhịp, thỉnh thoảng hô đồng thanh, đem đến khung cảnh như trong ngày hội làng náo nhiệt, thu hút người xem.

Nghệ nhân Lê Tiến Ưng cho biết, từ xưa tới nay, giò chả Ước Lễ đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Thịt lợn làm giò chả phải tươi, có độ dẻo, dính tay, màu đậm. Công đoạn giã thịt rất quan trọng, đòi hỏi người nghệ nhân phải đều tay, làm liên tục để giữ độ dẻo, dai. Nếu thiếu kinh nghiệm thì thịt bị nát, không thể tạo ra giò, chả ngon.

Lá dùng gói giò phải là lá chuối tây, đủ độ non để giò có màu trắng, mùi thơm. Giò được luộc ngay tại lễ hội để phục vụ thực khách.

Lá dùng gói giò phải là lá chuối tây, đủ độ non để giò có màu trắng, mùi thơm. Giò được luộc ngay tại lễ hội để phục vụ thực khách.

Theo các nghệ nhân, hiện nay, nhiều công đoạn làm giò, chả đã được thay thế bằng máy móc. Tuy nhiên, các khâu như chọn thịt, gói giò vẫn do người dân tự thực hiện.

Bà Tạ Minh Châu (Hoàn Kiếm) sau khi xem các nghệ nhân làm giò, chả thủ công đã mua về để cả gia đình thưởng thức. Bà cho biết, lễ hội ẩm thực năm nay rất đông đúc, nhộn nhịp với nhiều gian hàng hấp dẫn.

Bà Tạ Minh Châu (Hoàn Kiếm) sau khi xem các nghệ nhân làm giò, chả thủ công đã mua về để cả gia đình thưởng thức. Bà cho biết, lễ hội ẩm thực năm nay rất đông đúc, nhộn nhịp với nhiều gian hàng hấp dẫn.

Lễ hội không chỉ thu hút người dân Hà Nội, du khách trong nước mà còn đón nhiều du khách quốc tế. Gia đình anh Itay Klir đến từ Iceland đặc biệt thích thú với món kem tạo hình danh lam thắng cảnh của Hà Nội.

"Không khí tại lễ hội vô cùng náo nhiệt. Chúng tôi đã trải nghiệm rất nhiều món ăn ngon của Hà Nội. Thành phố này xứng đáng được vinh danh là thành phố ẩm thực hàng đầu thế giới", nam du khách chia sẻ.

Gia đình anh Itay Klir thưởng thức kem tạo hình danh lam thắng cảnh của Hà Nội.

Gia đình anh Itay Klir thưởng thức kem tạo hình danh lam thắng cảnh của Hà Nội.

Linh Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/du-khach-ha-noi-vay-kin-xem-robot-nau-pho-cho-hang-gio-de-thuong-thuc-2347320.html