Dự kiến hoàn thành quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam trong quý I.2024
Trả lời chất vấn của các đại biểu về việc đầu tư phân kỳ đối với các tuyến đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang xây dựng quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam và dự kiến quý I.2024 sẽ hoàn thành.
Hệ thống đường cao tốc chỉ đạt hơn 37% nhu cầu đặt ra
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) nêu vấn đề, Nghị quyết 100 của Quốc hội đã đặt ra yêu cầu đánh giá tổng thể và đầu tư nghiên cứu để nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe hoặc 4 làn xe mà không có làn dừng xe khẩn cấp thành đường ô tô phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc theo quy định. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không và giải pháp của Bộ trong thời gian tới?" - đại biểu nêu chất vấn.
Trong thời gian qua, đặc biệt giai đoạn 2021 - 2026, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đến nay, đã dành trên 375 nghìn tỷ đồng để triển khai xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng mà chủ yếu là xây dựng hệ thống đường cao tốc.
Khẳng định điều này, song theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, hiện tại mới chỉ đạt được khoảng hơn 37% nhu cầu đặt ra, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.
Bộ trưởng cũng cho biết, nhiều nước phát triển trên thế giới cũng phải thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Chính vì vậy, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các nước, vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu và báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo những nguyên tắc bảo đảm vừa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi đã có nguồn lực để nâng cấp.
Trong đó, nguyên tắc thứ nhất là ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các đoạn, tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Hiện có rất nhiều đoạn, tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh, như Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu. Nguyên tắc thứ hai, phân kỳ đầu tư đối với các tuyến có nhu cầu vận tải chưa cao trong giai đoạn đầu đưa vào khai thác. Nguyên tắc thứ ba, chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt, còn tất cả các yếu tố kỹ thuật để khi nâng cấp đều phải bảo đảm. Nguyên tắc thứ tư, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch.
Với những nguyên tắc trên, Bộ Giao thông vận tải ngay trong Kỳ họp này đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét quyết định bổ sung danh mục cũng như nguồn vốn tăng thu ngân sách năm 2022 để mở rộng 2 tuyến là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và La Sơn - Hòa Liên.
Thời gian tới, trong khả năng cân đối ngân sách, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương để tham mưu trình Chính phủ và Quốc hội hoàn thiện các đoạn, tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch và ưu tiên đối với những đoạn, tuyến hiện nay mới chỉ có 2 làn xe và có lưu lượng phương tiện lớn để bảo đảm cả nước có một hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại, Bộ trưởng cho biết.
Cố gắng giải phóng mặt bằng 1 lần
Tranh luận về nội dung này, một số đại biểu cho rằng, Bộ trưởng chưa trả lời thẳng vào vấn đề việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không mà chỉ trả lời về tiêu chí để xây dựng đường.
Dẫn lại phát biểu về tuyến đường Cam Lộ - Túy Loan tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội vừa qua, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) khẳng định, đây là sự việc có thực. Chia sẻ với Bộ Giao thông Vận tải và cho rằng trách nhiệm chính trong vấn đề này không phải của Bộ nhưng phải đặt vấn đề đây là tuyến đường cao tốc có 2 làn xe, chưa được giải phóng mặt bằng toàn bộ. Cho nên, chắc chắn trong giai đoạn 2 mở rộng thì việc giải phóng mặt bằng phải thực hiện.
Thêm vào đó, tất cả các công trình phụ trợ hiện nay trên tuyến đường này là làm theo 2 làn đường, nếu sau này mở rộng thêm 2 làn nữa thì toàn bộ cầu vượt, hệ thống đường gom dân sinh, biển báo, rãnh thoát nước... sẽ phải phá bỏ, gây ra lãng phí, tốn kém rất lớn về nguồn lực quốc gia. Vì thế, đại biểu đề nghị, Bộ trưởng kiểm tra lại và tham mưu Chính phủ khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng và nâng cấp tuyến đường này.
Trả lời các chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, về đường cao tốc 2 làn xe và 4 làn xe đối với tiêu chuẩn của Việt Nam hiện đang phù hợp; đối với quy chuẩn hiện nay Bộ cũng đang xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải xây dựng quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam, dự kiến hoàn thành quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam trong quý I.2024.
Liên quan đến tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, Bộ trưởng cho biết, tuyến Cam Lộ - Túy Loan bao gồm 2 dự án thành phần là Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan. Trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn là dự án đầu tư công, có đoạn 4 làn xe, có đoạn 2 làn xe; đoạn La Sơn - Túy Loan là 2 làn và triển khai theo hình thức đầu tư được ký kết giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư để tiến hành xây dựng các dự án, công trình (BT). Nhấn mạnh quan điểm từ nhiệm kì này là cố gắng giải phóng mặt bằng 1 lần, còn đầu tư có thể hoàn chỉnh hoặc phân kỳ, Bộ trưởng cho biết, cả 2 đoạn, tuyến này đều đã giải phóng mặt bằng xong. Thời gian tới, trên cơ sở các nguyên tắc về ngân sách và lưu lượng xe, nhu cầu vận tải, Bộ sẽ có tham mưu đề xuất với Chính phủ và Quốc hội để mở rộng 2 tuyến này, đặc biệt tuyến Cam Lộ - La Sơn là rất cần thiết.