Du lịch làng quê, đâu cần quá cầu kỳ

Tỉnh Tây Ninh có lợi thế rất lớn là thuần nông, phần lớn diện tích đất đai thuộc nông thôn, gắn với nông nghiệp. Chính nét quê ấy một phần giúp cho Tây Ninh nổi lên trên bản đồ về du lịch của cả nước.

Thu rơm trên cánh đồng quê.

Thu rơm trên cánh đồng quê.

Những ngày đại dịch Covid-19 xảy ra khắp nơi, mọi hoạt động xã hội “bất động” suốt nhiều tháng trời, người ta mới thấy yêu cái cảm giác được sống ở một vùng quê xanh mát, hạnh phúc với luống rau hay chăm một đàn gà.

Chủ nhật một ngày đầu tháng 12.2022, gia đình chị Trần Thị Bích Ngọc (41 tuổi, ngụ quận 8, TP. Hồ Chí Minh) trở về căn nhà nhỏ của mẹ ruột ở vùng quê huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh “đổi gió”. Sau những ngày bộn bề mưu sinh giữa nhịp sống hối hả của Sài Gòn, gia đình chị quyết định trở về quê thay vì chọn chuyến đi du lịch ở những địa điểm nổi tiếng.

“Trong những tháng ngày cả gia đình phải sống trong căn nhà nhỏ ở Sài Gòn để cách ly vì đại dịch Covid-19 tôi mới cảm thấy yêu quê hương mình hơn. TRở về vùng quê mình lúc này bỗng thấy đẹp đến lạ thường. Tôi mới thật sự thấm thía câu ‘không đâu bằng nhà mình’”- chị Bích Ngọc nói.

Những luống rau được chăm sóc

Những luống rau được chăm sóc

Hoàng hôn cùng những cánh chim trời

Hoàng hôn cùng những cánh chim trời

Làng quê mộc mạc trên dòng kênh buổi sáng sớm

Làng quê mộc mạc trên dòng kênh buổi sáng sớm

Sau cách ly, gia đình chị Ngọc về quê “trốn” dịch, hơn 3 tháng, gia đình chị Bích Ngọc- đặc biệt là 2 đứa con nhỏ lần đầu cảm nhận được đầy đủ mùi vị của làng quê. Chị Bích Ngọc nhớ lại: “Lúc mới về quê, 2 đứa con mình rối rít hỏi về mọi thứ xung quanh vì ở Sài Gòn không có….Lúc đó, mình mới có dịp dạy cho chúng nhiều thứ hơn về cuộc sống”.

Từ câu chuyện tưởng chừng như bình thường ấy có lẽ sẽ khiến nhiều người chợt nhận ra giá trị của làng quê. Và sự thật, nét mộc mạc, bình yên của làng quê ở Tây Ninh vốn rất quý giá càng dần bị thu hẹp bởi xã hội hiện đại. Thế nên, du lịch làng quê, tại sao không?

Tỉnh Tây Ninh có lợi thế rất lớn là thuần nông, phần lớn diện tích đất đai thuộc nông thôn, gắn với nông nghiệp. Chính nét quê ấy một phần giúp cho Tây Ninh nổi lên trên bản đồ về du lịch của cả nước. Nắm được xu hướng ấy, một số nông dân “thời 4.0” ở Tây Ninh tận dụng ngay vùng đất của mình để tạo ra một sản phẩm du lịch vùng quê. Việc đơn giản hóa như chính cuộc sống hằng ngày của người dân quê càng khiến người ta tò mò muốn đến trải nghiệm. Nhưng chưa đủ!

Được nhìn, được trải nghiệm các hoạt động liên quan đến đời sống nông nghiệp (trồng rau, hái ớt, nuôi gà…) và giao lưu với người dân, tìm hiểu văn hóa địa phương… không có gì quá khó. Một số nơi như: Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng), Thành Long, Biên Giới (huyện Châu Thành), xung quanh hồ Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu)… đều có thể làm được.

Bò kéo lúa về nhà

Bò kéo lúa về nhà

Đàn trâu thong dong trong hồ Dầu Tiếng yên bình

Đàn trâu thong dong trong hồ Dầu Tiếng yên bình

Phút nghỉ ngơi của người dân đi đánh cá.

Phút nghỉ ngơi của người dân đi đánh cá.

Những ngày này, nước vẫn dâng ngập trắng các cánh đồng ven sông Vàm Cỏ Đông, có nhiều người dân mỗi ngày men theo con nước mưu sinh. Sáng sớm, dọc hai bên con đường Bến Đình nối liền huyện Gò Dầu với Bến Cầu qua cầu Bến Đình lại đông vui cảnh người dân mưu sinh theo con nước. Ở đây, nước sông Vàm Cỏ Đông từ mấy tháng nay dâng tràn lên các con rạch băng qua giữa cánh đồng bưng Trao Trảo, thuộc xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu khiến cánh đồng lớn ngập trắng xóa. Nhờ đó, người thì thả lưới, người thì đặt lợp, người thì bì bõm bắt ốc, hái rau hẹ, bông súng, chuối nước… khiến không khí buổi sáng rộn ràng hơn hẳn.

Ngồi trên xuồng cùng anh Nguyễn Thanh Tâm, 42 tuổi, ngụ ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu có cảm giác trải nghiệm thật thú vị. Vừa thăm xong đoạn lưới dài hơn 100m, anh Tâm thu được hơn 1kg cá đồng, nào là cá rô, cá mè, cá lúi… Hơn chục năm gắn bó với nghề cá, anh giăng lưới, thả câu cho đến đặt lờ, giở chà mé… để có thu nhập nuôi sống cả gia đình. Mỗi ngày anh Tâm kiếm được khoảng 10 - 15kg cá các loại.

Vùng quê yên bình ngày nắng sớm.

Vùng quê yên bình ngày nắng sớm.

Ở khu vực đối diện gần đó, trước miếu Gò Trao Trảo, cánh đồng hoa súng rực rỡ giữa cánh đồng. Mùa bông súng nở cũng đồng nghĩa với việc nhiều người dân quê có thêm nguồn thu nhập nhờ hái bông súng bán. Bông súng ở miền quê bán rất chạy bởi có thể chế biến nhiều món ăn dân dã mà rất ngon như: nấu canh chua với cá rô đồng, bông súng chấm mắm cá linh kho… trở thành một thứ đặc sản của vùng quê khiến những khách thị thành phải trầm trồ khen ngợi.

Hay ở hồ Dầu Tiếng, trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên những chiếc ghe lưới cá của ngư dân. Từng con cá mè, cá rô mắc lưới lúc rạng sáng cũng thú vị không kém. Chiều chiều, cái cảm giác ngồi trên bờ đê ngắm đàn cò bay lượn dưới mặt trời hoàng hôn yên bình. Hay có dịp ghé những đồng ruộng đúng vào mùa trồng đậu phộng cũng đẹp khó tả… từng hạt đậu phộng nhỏ xíu được tỉa xuống mặt đất. Rồi ghé vào ăn những món ăn nổi tiếng của người dân Dương Minh Châu như món cá lăng nấu chua ngon nức tiếng.

Thế nên, du lịch làng quê, đâu cần quá cầu kỳ!

Phan Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/du-lich-lang-que-dau-can-qua-cau-ky-a152465.html