Dư luận nước ngoài đánh giá lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam
Trong tháng 3 vừa qua, dư luận báo chí nước ngoài cũng như các tổ chức, chuyên gia quốc tế đều đánh giá tích cực, lạc quan về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Việt Nam có nhiều tiềm năng vươn lên thành điểm du lịch y tế của khu vực
Thống kê của Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ VH-TT&DL) cho thấy, trong tháng 3/2025, đã có 489 tin, bài của các hãng thông tấn, báo đài nước ngoài thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam. Nhìn chung, báo chí nước ngoài đều đưa ra những nhận định tích cực, lạc quan về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Các nhận định tập trung chủ yếu vào 8 điểm nổi bật.
Trước tiên là việc Ngân hàng Thế giới (WB) nâng mức dự báo GDP của Việt Nam năm 2025 lên 6,8%, cao hơn kỳ công bố trước đó (6,6%), đồng thời dự báo lạm phát dự kiến sẽ ổn định ở mức 3,5% trong các năm 2025 - 2026, thấp hơn mục tiêu 4,5- 5% cho năm 2025. WB cũng đưa ra gợi ý để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025.
Trang web của Tập đoàn tư vấn kinh doanh quốc tế Kelmer Group (Anh) hôm 17/3 đưa ra nhận định rằng: Kinh tế Việt Nam năm 2025 hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi sản xuất bùng nổ, thương mại mở rộng và đầu tư nước ngoài tăng. Theo trang web này, Việt Nam bước vào năm 2025 với quỹ đạo tăng trưởng bền bỉ, được hỗ trợ bởi nền tảng vững chắc và hoạch định chính sách chủ động. Dù vẫn còn những rủi ro từ bên ngoài, nhưng các khoản đầu tư chiến lược, đa dạng hóa thương mại và những tiến bộ công nghệ của quốc gia sẽ đưa Việt Nam vào vị trí thuận lợi để đạt được nền kinh tế bền vững.
Trong khi đó, trang web của Công ty luật toàn cầu White&Case (Mỹ) ngày 4/3 cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng các ngành kinh tế trọng tâm của Việt Nam đang đạt những kết quả khả quan. Như ngành chế biến và sản xuất thu hút FDI hàng đầu cả nước và chiếm 66,9% tổng vốn đầu tư năm 2024. Lĩnh vực bất động sản cho thấy dấu hiệu phục hồi, được hưởng lợi từ việc Chính phủ cập nhật quy định để thu hút đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng. Phát triển cơ sở hạ tầng vẫn là nền tảng chiến lược tăng trưởng của Việt Nam… Trang này cũng đánh giá cao việc Quốc hội đã thông qua kế hoạch cải cách, theo đó cắt giảm tới 1/5 các cơ quan Chính phủ. Việc này giúp tháo gỡ các “điểm nghẽn” hành chính cản trở hoạt động đầu tư và chứng minh cam kết vững chắc của Chính phủ với nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tờ Phnom Penh Post của Campuchia hôm 24/3 đánh giá cao việc phát triển y tế của Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của du lịch y tế khu vực. Theo tờ này, so với các nước trong khu vực, dịch vụ y tế của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ giá cả hợp lý và hệ thống bệnh viện tư nhân mạnh mẽ. Với nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của khách du lịch nước ngoài, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm du lịch y tế quan trọng trong khu vực.
Trang vietnam-briefing của hãng tư vấn Dezan Shira & Associates (Hồng Kông, Trung Quốc) lại ghi nhận sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam, hứa hẹn mang lại những lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Còn trang Vietnam-briefing.com thuộc hãng tư vấn đầu tư trực tiếp nước ngoài Dezan Shira & Associates (trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc) đưa ra nhận định rằng: Việt Nam đang nhanh chóng trở thành điểm đến quan trọng cho đầu tư công nghệ cao, thu hút các tập đoàn toàn cầu tìm cách tăng cường chuỗi cung ứng và năng lực sản xuất. Trong số đó, tập đoàn SpaceX của Elon Musk và các nhà cung cấp đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào Việt Nam, chú trọng vào hạ tầng internet vệ tinh và sản xuất tiên tiến. Động thái này phù hợp với các sáng kiến chuyển đổi số của Việt Nam, củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho các ngành hàng không vũ trụ, viễn thông và các ngành liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Các trang tin cũng cho rằng, thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế đang từng bước tăng lên. Cụ thể, trang Brand Finance (tổ chức chuyên đánh giá thương hiệu có trụ sở tại Anh) đánh giá: Việt Nam đang khẳng định vị thế ngày càng lớn trên trường quốc tế nhờ sự trỗi dậy mạnh mẽ về văn hóa, kinh tế và đổi mới. Cụ thể, Việt Nam thăng hạng trong trụ cột kinh doanh và thương mại lên vị trí thứ 56 từ vị trí thứ 62. Sức mạnh văn hóa của Việt Nam tiếp tục được tỏa sáng, với vị trí thứ 16 về ẩm thực được thế giới yêu thích, nổi tiếng với nền ẩm thực sôi động và có ý thức về sức khỏe. Trên mặt trận ngoại giao, danh tiếng của Việt Nam là đối tác hữu ích tăng vọt, tăng 12 bậc lên vị trí thứ 87 về hỗ trợ các quốc gia khác, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự cải thiện nổi bật nhất là ở trụ cột media và truyền thông, nơi Việt Nam tăng 23 bậc lên vị trí thứ 78, nhờ các chiến lược truyền thông nâng cao và ảnh hưởng truyền thông ngày càng tăng…
Còn theo tờ Asia new, Việt Nam đã cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc. Cụ thể, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2025 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí trong xếp hạng về chỉ số hạnh phúc và chỉ đứng sau Singapore tại khu vực Đông Nam Á. Báo cáo khảo sát người dân tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, Việt Nam đứng thứ 46, cải thiện tích cực so với vị trí 54 của năm 2024 và vị trí 65 của năm 2023. Việt Nam nằm trong số 19 nước có chỉ số tăng lớn nhất cùng với Trung Quốc, Mông Cổ và Philippines ở châu Á.
Những đánh giá tích cực này là động lực để Việt Nam tiếp tục nỗ lực vươn mình về cả kinh tế, xã hội và văn hóa, từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.