Dự thảo Luật Nhà giáo: Bỏ đề xuất tăng 1 bậc lương với giáo viên xếp lương lần đầu
Tiếp tục Phiên họp thứ 42, sáng 7-2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ tám. Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đã thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung chung, mang tính nguyên tắc, những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; nội dung hướng dẫn chi tiết được cụ thể hóa trong các dự thảo nghị định, thông tư gửi kèm trong hồ sơ dự án Luật Nhà giáo.
![Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành cuộc họp. Ảnh: VĂN QUỐC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_16_51418629/ec1d9be4a2aa4bf412bb.jpg)
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành cuộc họp. Ảnh: VĂN QUỐC
Giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục là cần thiết
Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng với chính sách quan trọng gồm: Định danh; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Liên quan tới thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo, báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến tán thành quy định giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục; có ý kiến đề nghị làm rõ cơ quan được phân cấp, ủy quyền tuyển dụng; có ý kiến đề nghị rà soát kỹ quy định để bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với các luật liên quan.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục là cần thiết, vừa bảo đảm tính sát thực của việc tuyển dụng, vừa nâng cao trách nhiệm và tạo điều kiện để ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật được điều chỉnh theo hướng, đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng. Cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện hoặc chủ trì tham mưu việc phân cấp tuyển dụng; cơ sở giáo dục ngoài công lập tự chủ thực hiện tuyển dụng theo quy chế tổ chức hoạt động của mình (Khoản 2 Điều 14).
Việc chỉnh lý như trên khẳng định vai trò, trách nhiệm chủ trì tham mưu của cơ quan quản lý giáo dục; bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động.
![Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VĂN QUỐC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_16_51418629/4f7b398200cce992b0dd.jpg)
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VĂN QUỐC
Bỏ quy định tăng 1 bậc lương với giáo viên xếp lương lần đầu
Về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo, một số ý kiến tán thành quy định tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu; một số ý kiến còn băn khoăn, chưa đồng thuận với quy định này và đề nghị cần đánh giá tác động của chính sách này trong mối tương quan chung với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điểm d Khoản 1 Điều 25 dự thảo luật chỉnh lý theo hướng bỏ quy định cụ thể về tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu. Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp; việc cải thiện chính sách tiền lương cho công chức, viên chức cần được nghiên cứu, tính toán đồng bộ trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương theo vị trí việc làm.
Giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 tuổi và không bị trừ lương hưu
Về chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với giáo viên mầm non, nhiều ý kiến tán thành chính sách được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của pháp luật đối với giáo viên mầm non; đề nghị bổ sung tiêu chí nhà giáo phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới được nghỉ hưu trước tuổi và không bị trừ tỷ lệ tiền lương hưu được hưởng; có ý kiến băn khoăn về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách này và cho rằng phải bảo đảm nguyên tắc có đóng - có hưởng theo Luật Bảo hiểm xã hội.
![Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải góp ý dự thảo luật. Ảnh: VĂN QUỐC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_16_51418629/44b2cd4af4041d5a4415.jpg)
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải góp ý dự thảo luật. Ảnh: VĂN QUỐC
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm so với độ tuổi quy định của pháp luật là chính sách được xây dựng dựa trên đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của đối tượng này và phù hợp với đặc thù người học là trẻ mầm non.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh lý và bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên. Đồng thời, dự thảo luật chỉnh lý sửa đổi, bổ sung Khoản 3a sau Khoản 3 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội tại điều khoản chuyển tiếp.
Kết luận nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, gửi Chính phủ có ý kiến chính thức về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; rà soát các quy định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Nhà giáo với các luật liên quan; bảo đảm chất lượng dự án luật, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín.