Dự tính sẽ tuyển dụng 7.200 giáo viên phổ thông có trình độ cao đẳng
Dự kiến trong 4 năm (từ 2026-2029), có khoảng 7.200 giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi được tuyển dụng sẽ tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn với tổng kinh phí dự tính cần khoảng 145 tỷ đồng…
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_3_51455607/a558e446d2083b566219.jpg)
Ảnh minh họa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bao gồm: Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi triển khai thực hiện quy định về chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục năm 2019.
CÁCH THỨC TUYỂN DỤNG
Theo dự thảo Nghị quyết, các cơ sở giáo dục công lập cấp tiểu học và trung học cơ sở được phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể:
Tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về Tiếng Anh hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp với môn Tiếng Anh để dạy môn Tiếng Anh cấp tiểu học. Trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tương ứng với cấp học đăng ký tuyển dụng theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về Tin học hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp với môn Tin học để dạy môn Tin học và Công nghệ cấp tiểu học và dạy môn Tin học cấp trung học cơ sở. Trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tương ứng với cấp học đăng ký tuyển dụng theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về Nghệ thuật hoặc Âm nhạc hoặc Mỹ thuật hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp với môn Nghệ thuật hoặc Âm nhạc hoặc Mỹ thuật để dạy môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tương ứng với cấp học đăng ký tuyển dụng theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
TỔ CHỨC TUYỂN DỤNG VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
Việc tổ chức tuyển dụng đối với giáo viên tại Nghị quyết này thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ, trong đó phần thi môn nghiệp vụ chuyên ngành thực hiện theo hình thức thực hành.
Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự với thời gian tập sự áp dụng như trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học theo quy định của Chính phủ. Sau khi hoàn thành chế độ tập sự theo quy định thì được giữ mã số, xếp lương như trường hợp giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với từng cấp học.
Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải tham gia lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên theo quy định và hoàn thành việc nâng chuẩn trình độ đào tạo trước ngày 31/12/2030.
Giáo viên được tuyển dụng theo quy định tại Nghị quyết này được hưởng các chế độ, chính sách khác đối với giáo viên theo quy định hiện hành của pháp luật.
DỰ TÍNH TUYỂN DỤNG KHOẢNG 7.200 GIÁO VÊN
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết số liệu thống kê của các địa phương (58 tỉnh, thành phố), dự tính số lượng người có trình độ cao đẳng chuyên ngành để dạy các môn học đề xuất tại dự thảo Nghị quyết khoảng 7.200 người.
Theo quy định của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: mức học phí đào tạo trình độ đại học trong giai đoạn từ năm 2024-2030 được dự tính 15.900.000 đồng/sinh viên đối với năm học 2025-2026, 17.900.000 đồng/sinh viên đối với năm học 2026-2027; 20.138.000 đồng/sinh viên đối với năm học 2027-2028, 22.655.000 đồng/sinh viên đối với năm học 2028-2029 và 25.486.000 đồng/sinh viên đối với năm học 2029-2030.
Dự kiến trong 4 năm (từ 2026-2029), có khoảng 7.200 giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi được tuyển dụng theo Nghị quyết này sẽ tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn với tổng kinh phí dự tính cần khoảng 145 tỷ đồng trong 4 năm (từ năm 2026-2029) theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Kinh phí này do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương khi chưa cân đối được ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.