Đưa nhân tài công nghệ Việt 'hồi hương'
Từ những 'đế chế' công nghệ hàng đầu như Google, Microsoft đến các startup tỷ đô tại thung lũng Silicon, không khó để tìm thấy những chuyên gia người Việt đang làm nên những đột phá công nghệ. Làm thế nào để đưa dòng chảy tri thức này trở về vẫn còn là 'phương trình' mà Việt Nam còn loay hoay tìm đáp án...

Thực tế không phải đợi đến khi Nghị quyết 57 (Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia) ra đời, đánh dấu bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học công nghệ, Việt Nam mới đặt vấn đề cần có những chính sách đặc biệt để thu hút và trọng dụng nhân tài công nghệ trong và ngoài nước.
"Dù rất tâm huyết nhưng thu nhập bất cân xứng giữa công việc tại nước ngoài và trở về Việt Nam cũng khó để họ (chuyên gia) bỏ lại tất cả. Chưa kể, cơ sở hạ tầng nghiên cứu của Việt Nam còn nhiều hạn chế, hay môi trường sống còn nhiều vấn đề như ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông. Ít nhất chúng ta phải đáp ứng 80% kỳ vọng của chuyên gia để họ cân nhắc quay về, thì 20% còn lại sẽ đến từ tình yêu quê hương”
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)
Bởi từ hơn một thập kỷ trước, Luật Khoa học và công nghệ 2013 đã sớm đề ra cơ chế thu hút chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế phục vụ phát triển công nghệ trong nước, với các chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, lương và thuế, được cụ thể hóa trong Nghị định 87/2014/NĐ-CP. Song, dù cơ chế đã ra đời cả chục năm, thực tế lại cho thấy kết quả chưa như kỳ vọng.
“Tôi có rất nhiều bạn bè làm việc ở nước ngoài, cũng không ít lần thuyết phục họ trở về Việt Nam. Nhưng thành thật mà nói, nếu về Việt Nam, họ sẽ gặp thiệt thòi về mặt tài chính. Không phải Việt Nam không có cơ chế lương hay giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, tài năng nước ngoài, mà vấn đề là những con số này chưa thể đạt kỳ vọng của họ”, TS.Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy.
XÂY DỰNG CƠ CHẾ THU HÚT NHÂN TÀI
Theo Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ, thu nhập trung bình của một nhân sự IT tại Mỹ là khoảng 120.000 USD/năm (hơn 3 tỷ đồng). Nếu là chuyên gia đầu ngành hoặc lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn công nghệ, con số này dĩ nhiên còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, giả sử một tổ chức của Việt Nam sẵn sàng trả mức lương 200 triệu đồng/tháng (khoảng 2,4 tỷ đồng/năm), tức gấp hơn 20 lần thu nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện nay, khoảng cách thu nhập của chuyên gia trong nước và quốc tế vẫn còn rất lớn.
Chưa kể, không chỉ vấn đề tài chính, những yếu tố khác như điều kiện sống ổn định cho gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định của các chuyên gia. Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cũng nhìn nhận: “Dù rất tâm huyết nhưng thu nhập bất cân xứng giữa công việc tại nước ngoài và trở về Việt Nam cũng khó để họ (chuyên gia) bỏ lại tất cả. Chưa kể, cơ sở hạ tầng nghiên cứu của Việt Nam còn nhiều hạn chế, hay môi trường sống còn nhiều vấn đề như ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông. Ít nhất chúng ta phải đáp ứng 80% kỳ vọng của chuyên gia để họ cân nhắc quay về, thì 20% còn lại sẽ đến từ tình yêu quê hương”.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho rằng: “Chỉ cần các chuyên gia dành vài tuần, vài tháng, hoặc thậm chí hỗ trợ trực tuyến đã là vô cùng quý giá".
TS.Lê Quang Đạm cũng đồng tình rằng lòng yêu nước là động lực lớn, nhưng không thể là lý do duy nhất để một chuyên gia từ bỏ mức thu nhập cao và môi trường làm việc lý tưởng ở nước ngoài. Họ không chỉ khao khát cống hiến mà còn có trách nhiệm với gia đình, cần sự đảm bảo về tài chính và điều kiện sống ổn định. Nếu việc trở về đồng nghĩa với quá nhiều đánh đổi, dù mong muốn đóng góp đến đâu, họ vẫn phải cân nhắc thật kỹ.
Bên cạnh đó, TS.Lê Quang Đạm cho rằng nếu Việt Nam muốn hút người tài trở về, phải tạo ra môi trường để họ có cơ hội đóng góp thực sự. Nếu là những chuyên gia đầu ngành, những người đã có 20-30 năm kinh nghiệm, tên tuổi đã được khẳng định trên thế giới, họ sẽ kỳ vọng một vị trí tương xứng để phát huy năng lực và tạo ảnh hưởng. Tuy nhiên, hệ sinh thái công nghệ trong nước hiện vẫn thiếu những vị trí đủ tầm để đáp ứng kỳ vọng này.
Trong khi đó, đối với các kỹ sư trẻ, những sinh viên mới ra trường, điều kiện tiên quyết đối với họ là tài chính ổn định và cơ hội học hỏi, phát triển. Bài toán đặt ra là làm thế nào để họ thấy giá trị trong những đóng góp của mình, làm thế nào để họ có cơ hội khẳng định bản thân trong một môi trường cởi mở, thúc đẩy sáng tạo.

TS.Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, cho rằng các chuyên gia người Việt tại nước ngoài không chỉ khao khát cống hiến mà còn có trách nhiệm với gia đình, cần sự đảm bảo về tài chính và điều kiện sống ổn định - Ảnh: Forbes.
Trung Quốc, Đài Loan hay Singapore, những “con rồng” công nghệ hàng đầu châu Á hàng chục năm nay, vẫn luôn thực hiện nhiều chính sách đột phá để thu hút những tài năng công nghệ của họ về nước. Thực tế, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu tại đây đều được sáng lập bởi các chuyên gia từng làm việc ở nước ngoài. Điển hình như Colin Huang, nhà sáng lập Pinduoduo (Trung Quốc), từng làm việc tại Google Mỹ trước khi trở về khởi nghiệp; Morris Chang, người sáng lập TSMC (Đài Loan), từng giữ vị trí lãnh đạo tại Texas Instruments trước khi về Đài Loan gây dựng ngành công nghiệp bán dẫn.
Điều đáng nói là không chỉ trả mức lương gấp đôi, gấp ba so với thị trường khác, chính phủ các nước này còn thiết lập các quỹ đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ nghiên cứu, áp dụng chính sách thuế ưu đãi, thậm chí tạo điều kiện đặc biệt về nhà ở, giáo dục cho gia đình chuyên gia. Những chính sách toàn diện này không chỉ giúp họ yên tâm quay về mà còn tạo động lực để họ cống hiến lâu dài.
Song, dù thiếu tiềm lực tài chính để gỡ những nút thắt như Trung Quốc hay Đài Loan, Việt Nam cũng đang từng bước xây dựng cơ chế thu hút nhân tài với những chính sách ưu đãi đáng chú ý. Trong đó, Nghị quyết 57 của Chính phủ đặt trọng tâm vào phát triển công nghệ cao, chấp nhận rủi ro để thúc đẩy đổi mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ của người Việt phát triển.
Đặc biệt, Nghị quyết 193 (Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia) cho phép các nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu của họ, một cơ chế mà ngay cả nhiều quốc gia phát triển cũng chưa áp dụng rộng rãi. Điều này được kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng thu hút những nhà khoa học có ý định kinh doanh nghiên cứu trở về Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, cấp visa, thẻ thường trú. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất miễn giấy phép lao động và đơn giản hóa các thủ tục lưu trú cho chuyên gia nước ngoài thực hiện nhiệm vụ khoa học. Sắp tới, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân dành cho chuyên gia công nghệ cao dự kiến sẽ được triển khai. “Dù các chính sách này chưa đi vào thực tế, nhưng nếu thực hiện bài bản, đây có thể là bước tiến quan trọng để thu hút nhân tài về nước”, TS.Lê Quang Đạm kỳ vọng.
ĐÓNG GÓP CHO VIỆT NAM, CÓ NHẤT THIẾT PHẢI TRỞ VỀ?
Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho rằng trong một thế giới kết nối như hiện nay, đóng góp cho đất nước không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc trở về hoàn toàn. “Chỉ cần các chuyên gia dành vài tuần, vài tháng, hoặc thậm chí hỗ trợ trực tuyến đã là vô cùng quý giá”, ông nhấn mạnh...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2025 phát hành ngày 31/3/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1308

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dua-nhan-tai-cong-nghe-viet-hoi-huong.htm