Đừng để mất quyền lợi của học sinh

Thi hay không thi vào lớp 10 THPT là nguyện vọng, quyền lợi của mỗi học sinh, không nên lực học yếu mà ép các em phải từ bỏ quyền lợi của mình.

Hành vi định hướng có tính chất ép buộc để học sinh không thi vào lớp 10 là vi phạm pháp luật (ảnh minh họa)

Hành vi định hướng có tính chất ép buộc để học sinh không thi vào lớp 10 là vi phạm pháp luật (ảnh minh họa)

Mới đây, một phụ huynh có con học lớp 9 một trường THCS ở TP Hải Dương rất bức xúc vì giáo viên chủ nhiệm thông báo qua các kỳ khảo sát của trường, học sinh không vượt ngưỡng điểm trường đưa ra. Giáo viên này gợi ý phụ huynh không cho học sinh thi vào lớp 10 và sẽ gửi giấy có mục đăng ký xét, thi vào lớp 10, đồng thời gợi ý tích vào mục xét.

Phụ huynh này trả lời thẳng thắn với giáo viên là nguyện vọng của gia đình và học sinh vẫn muốn thi vào lớp 10, đỗ hay trượt vẫn muốn con được thử sức. Tuy nhiên, giáo viên vẫn nhắn tin nhiều lần, tư vấn và thông báo nếu phụ huynh không đồng ý thì mời đến trường để hiệu trưởng tư vấn tiếp. Thậm chí, giáo viên còn nói: “Nếu học sinh thi điểm kém, không đỗ sẽ tai tiếng mãi mãi...” càng khiến phụ huynh này rất buồn. Tư vấn, định hướng kiểu này khiến phụ huynh cảm thấy như bị ép buộc.

Một số phụ huynh, giáo viên đồng tình tư vấn, định hướng phân luồng học sinh sau THCS những năm gần đây đã biến thành câu chuyện “ép” các em không thi vào lớp 10 là có thật. Nguyên nhân một phần do bệnh thành tích của các trường. Nếu để nhiều học sinh học lực yếu dự thi sẽ ảnh hưởng đến thứ hạng kết quả thi vào lớp 10 của trường đó. Thậm chí còn có việc giáo viên cố tư vấn cho học sinh không thi vào lớp 10 để gom học bạ chuyển đến các trường THPT tư thục…

Được biết, trong hướng dẫn nhiệm vụ đầu năm học và các cuộc họp hiệu trưởng các trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương đều quán triệt các trường thường xuyên đánh giá học lực của học sinh để thông tin tới phụ huynh, đồng thời tư vấn cho phù hợp. Phòng yêu cầu các trường tuyệt đối không ép buộc học sinh được thi hay không thi, không được giữ học bạ để chuyển đến các đơn vị khác mà phải có trách nhiệm trả học bạ cho các em sau khi hoàn thành khóa học.

Thiết nghĩ, chủ trương phân luồng học sinh sau THCS rất đúng đắn, nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ việc phân luồng học sinh sau THCS vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, các trường cần thực hiện đúng quy trình, không được "núp bóng" chủ trương phân luồng mà tư vấn thái quá trở thành ép buộc, gây bức xúc cho phụ huynh, mất quyền lợi của học sinh. Phụ huynh cũng cần tìm hiểu và lắng nghe tư vấn của nhà trường, nhận thức đúng về học lực của con để phối hợp cùng nhà trường định hướng tốt nhất cho các em.

Điều 16 Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục”. Luật nghiêm cấm các hành vi gây tổn hại đến sự phát triển tinh thần, thể chất và đối xử bất bình đẳng với trẻ em. Điều 13 Luật Giáo dục 2019 cũng quy định: “Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập”.

Những hành vi phân biệt đối xử, định hướng có tính chất ép buộc để học sinh không thi vào lớp 10 là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong giáo dục, cần được phát hiện và xử lý nghiêm minh.

NAM PHƯƠNG (TP Hải Dương)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/dung-de-mat-quyen-loi-cua-hoc-sinh-230212