Đứng trước lợi ích thương mại khổng lồ với phương Tây, Trung Quốc có 'rời xa' Nga?
Trung Quốc đang đứng trước hai lựa chọn, một bên là lợi ích thương mại khổng lồ với Phương Tây, một bên là đối tác chiến lược Nga và cơ hội để phân cực thế giới.
Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc gặp nhau tại Bắc Kinh, ngày 4/2/2022. (Ảnh: Reuters).
Theo Reuters, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa bắt Trung Quốc chịu "hậu quả" nếu giúp đỡ Nga có thể sẽ khiến Chủ tịch Tập Cận Bình phải đưa ra lựa chọn.
Một bên là mối quan hệ thương mại béo bở và lâu đời với Phương Tây, bên kia là quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc cùng Moscow.
Chỉ xét về dòng chảy thương mại, Trung Quốc chịu nhiều nguy cơ sau cuộc điện đàm kéo dài gần hai giờ giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhà Trắng đã xác nhận rằng có thể sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nước này.
Nga và Phương Tây
Dữ liệu mà Reuters có được cho thấy, Trung Quốc trong thập kỷ qua đã có hoạt động thương mại ngày càng tăng với Đông Nam Á, đồng thời ít phụ thuộc hơn vào xuất nhập khẩu. Tuy vây, lợi ích kinh tế của Bắc Kinh vẫn nghiêng nhiều về Phương Tây.
Theo các nhà phân tích, đứng về phía đồng minh chính trị Nga sẽ không có ý nghĩa kinh tế đối với Trung Quốc vì Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn tiêu thụ hơn 1/3 xuất khẩu của nước này.
Ông Chad Bown, một học giả cấp cao tại Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson và là người theo dõi chặt chẽ thương mại Trung Quốc, bình luận: "Về câu hỏi kinh tế thuần túy, nếu Trung Quốc phải đưa ra sự lựa chọn giữa Nga và phần còn lại của thế giới, đó là điều không cần bàn cãi vì nền kinh tế Trung Quốc đã hội nhập rất sâu với Phương Tây".
Hôm 20/3, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Tần Cương đã nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Nga.
Trong chương trình "Face the Nation" của đài CBS, khi được hỏi liệu Bắc Kinh có hỗ trợ tài chính cho Moscow hay không, ông Tần đã phát biểu: "Trung Quốc có quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế, tài chính, năng lượng bình thường với Nga".
"Đây là hoạt động kinh doanh bình thường giữa hai quốc gia có chủ quyền, dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, Đại sứ nói thêm.
Việc sử dụng các lệnh trừng phạt sâu rộng tương tự như tại Nga với Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà xuất khẩu lớn nhất.
Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển đến con số 16.000 tỷ USD sau 20 năm, sự phụ thuộc vào thương mại quốc tế đã giảm bớt. Công dân Trung Quốc trở nên giàu có hơn, tiêu dùng nội địa và dịch vụ đang đóng một vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, thương mại vẫn chiếm tới 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, so với Mỹ là 23% hay Nhật Bản là 31%.
Tỷ trọng xuất khẩu với Nga chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng xuất khẩu của Trung Quốc.
Các nước G7 giàu có tham gia liên minh chống Nga vẫn tiêu thụ 1/3 sản lượng hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc.
Tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau khi ký kết các hiệp định thương mại mới, đã tăng gấp đôi lên khoảng 15%, làm lu mờ tầm quan trọng của Nhật Bản.
Tuy nhiên, dữ liệu thương mại tháng 1 - 2/2022 của Trung Quốc cho thấy xuất khẩu sang Liên minh châu Âu tăng trưởng mạnh nhất ở mức 24%.
Đổi dầu lấy điện thoại
Tổng kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng lên kể từ khi Phương Tây lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow để đáp trả việc sáp nhập Crimea năm 2014.
Nhưng trong hai thập kỷ qua, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga chỉ ở trong khoảng 1-2%.
Các sản phẩm Nga nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tương tự đa số quốc gia khác, với hàng điện tử, hàng tiêu dùng bao gồm điện thoại di động, máy tính, quần áo, đồ chơi và giày dép.
Theo dữ liệu của UN Comtrade, giá trị xuất khẩu điện thoại của Mỹ sang Trung Quốc lớn gấp 10 lần sang Nga, đạt 32,4 tỷ USD vào năm 2020.
Nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga chủ yếu là dầu mỏ với giá trị 27,3 tỷ USD vào năm 2020. Dầu thô và các sản phẩm từ dầu lấn át tất cả mặt hàng nhập khẩu khác. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhập khẩu nhiều đồng, gỗ xẻ mềm, khí tự nhiên hóa lỏng, than đá, kim loại và quặng.
Mặc dù Mỹ đã cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, nhưng các lệnh trừng phạt của các nước Phương Tây khác không nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga.