Dùng UAV phủ xanh đồi trọc tại Ấn Độ
Với sự hỗ trợ từ Trung tâm IIT BHU, ba nhà sáng tạo trẻ Hemant Singh, Rajeev Singh và Ashesh Chaudhary đã sử dụng UAV thả hạt giống, phủ xanh những sườn dốc cằn cỗi của dãy núi Vindhya.
Trong nỗ lực phục hồi hệ sinh thái, sáng kiến này đạt thành công cao tại khu vực bị khai khoáng hay biến đổi khí hậu và được cơ quan nhà nước, tổ chức môi trường quan tâm.
Hạt giống cây bản địa như neem, mahua được bọc trong đất sét, phân hữu cơ, phân bón sinh học cùng đất tạo thành viên hạt giống. UAV nặng gần 19kg đem 500 - 700 viên mỗi chuyến (mỗi viên đường kính 2 - 3cm) rải xuống khu vực địa hình đá khó tiếp cận. Thiết bị thực hiện nhiều chuyến bay nên đạt độ phủ và độ chính xác cao hơn phương pháp trồng thủ công.

UAV đem 500 - 700 viên hạt giống rải xuống địa hình đá khó tiếp cận - Ảnh: Organiser
Loạt thử nghiệm do các nhà sáng tạo thực hiện cho thấy viên hạt giống gieo bằng UAV đạt tỷ lệ nảy mầm 60 - 80%, khả thi về mặt kỹ thuật.
Năm 2022, họ gieo 30.000 viên - tỷ lệ sống sót 60%, sang năm 2023 tỷ lệ sống sót tăng lên 70%. Nhờ IIT BHU hỗ trợ, hệ thống định vị và cảm biến trên UAV giúp tối ưu hóa mô hình phát tán và thu thập dữ liệu mọi nơi.
Từ 2023 - 2024, tổng cộng 250.000 viên được rải tại nhiều nông thôn, vùng xa và đạt kết quả khả quan. Khu vực rừng bị tàn phá bởi hoạt động khai khoáng phi pháp trên địa bàn quận Sonbhadra cùng thành phố Singrauli đã tái sinh, giảm xói mòn đất đồng thời cải thiện nguồn nước ngầm.
Theo ông Singh, mỗi viên hạt giống chỉ có giá khoảng 8 rupee (0,093 USD) nên tiết kiệm chi phí. Dự án tạo ra thu nhập cho phụ nữ nông thôn, giúp nâng cao ý thức môi trường lẫn kỹ năng cho học sinh.
Khi mùa gió mùa 2025 sắp đến, bộ ba nhà sáng tạo lên kế hoạch thực hiện một chương trình rải hơn 200.000 viên hạt giống tại Sonbhadra và Singrauli. Họ đặt mục tiêu xây dựng nên hình mẫu có thể ứng dụng trên khắp các vùng đất khô cằn và suy thoái vì hoạt động khai khoáng, khu vực dễ bị hạn hán, vùng đệm rừng. Nhóm cũng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và hình ảnh vệ tinh GPS để theo dõi cây giống, tăng cường quản lý công tác khôi phục hệ sinh thái.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dung-uav-phu-xanh-doi-troc-tai-an-do-234981.html