Đừng vung tiền tầm soát ung thư vô tội vạ

Mang tâm lý sợ bị ung thư, nhiều người không tiếc tiền, chi mạnh tay để tầm soát. Với nguồn nhu cầu lớn, hàng loạt cơ sở dịch vụ tầm soát ung thư ra đời.

 Người dân đang chụp nhũ ảnh 3D để kiểm tra ung thư vú ở một bệnh viện tại TP.HCM. Ảnh: Khương Nguyễn.

Người dân đang chụp nhũ ảnh 3D để kiểm tra ung thư vú ở một bệnh viện tại TP.HCM. Ảnh: Khương Nguyễn.

Cuộc sống càng hiện đại, nhu cầu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng ngày một tăng lên, trong đó có xét nghiệm, tầm soát bệnh lý ung thư. Những tiến bộ y học hiện nay cũng giúp việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nhiều người không có dấu hiệu bệnh, không thuộc nhóm nguy cơ cũng vẫn đi tầm soát và chấp nhận chi một khoản tiền lớn.

Chỉ cần nhập dòng chữ "dịch vụ tầm soát ung thư" trên thanh công cụ tìm kiếm, Google sẽ cho ra hơn 15 triệu kết quả trong vòng 0,25 giây, TikTok cũng hiển thị hàng trăm đề xuất. Các video chủ yếu quảng cáo kỹ thuật tầm soát, giảm giá, máy móc và bác sĩ của các cơ sở.

Tầm soát để lo lắng hơn

Trao đổi với Tri thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết trong quá trình làm việc, ông gặp rất nhiều trường hợp đi tầm soát ung thư và có kết quả sai.

Mới đây, một phụ nữ gần 35 tuổi đi tầm soát ung thư vú. Kết quả chụp nhũ ảnh cho thấy ngực cô có một vài nốt mờ nhỏ, người phụ nữ hoảng sợ. Cô đến bệnh viện khám đi khám lại nhiều lần, bác sĩ Vũ phải trấn an và làm các xét nghiệm cho thấy đó là những khối u lành, hẹn bệnh nhân tái khám sau mỗi 6 tháng.

 Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) phát biểu trong một hội thảo khoa học về ung thư. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) phát biểu trong một hội thảo khoa học về ung thư. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Vũ nhận định người dân chỉ nên tầm soát những loại ung thư phổ biến, và những người đi tầm soát thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc các loại ung thư đó. Ví dụ, ung thư vú ở phụ nữ rất phổ biến thì phụ nữ cần tầm soát, hay ung thư phổi có nguy cơ cao ở người hút thuốc lá thì người có thói quen hút thuốc nên đi tầm soát.

Thêm nữa, những loại ung gây tổn hại nặng đến sức khỏe đáng kể với bản thân bệnh nhân thì nên đi tầm soát. Có những loại ung thư thường gặp nhưng không gây ảnh hưởng đáng kể tới người bệnh cũng như xã hội là ung thư tuyến giáp.

Khi siêu âm tuyến giáp thì 60-70% người có nhân giáp là bình thường. Tỷ lệ nhân giáp ác tính là 5-10%, tức là tỷ lệ ung thư giáp khá cao nhưng không gây ảnh hưởng gì nhiều.

Ở nhiều cơ sở, bác sĩ có khuyến cáo người bệnh không nên tầm soát ung thư tuyến giáp để tránh lãng phí nguồn lực, chưa kể việc điều trị quá mức có thể gây biến chứng cho người bệnh.

Hiện nay, người dân rất dễ đi tầm soát ung thư tại bất cứ bệnh viện hoặc phòng khám, mức giá từ vài trăm đến vài chục triệu đồng, cộng với sự cạnh tranh thì các cơ sở y tế cố gắng làm càng nhiều và càng nhanh các xét nghiệm.

Nhiều loại xét nghiệm không có giá trị

Bác sĩ Vũ cho hay tầm soát ung thư hiện nay trên thị trường thường thực hiện theo hình thức lẻ tẻ, ngẫu nhiên, thỉnh thoảng có thể phát hiện được bệnh. Tuy nhiên, việc tầm soát ngẫu nhiên không thay đổi hiện trạng sức khỏe.

Còn tầm soát đúng phải thực hiện theo chương trình, cần có vai trò của nhà nước. Một số quốc gia có chương trình tầm soát ung thư phổi cho người hút thuốc lá nhiều. Tầm soát ung thư cần có chương trình, kế hoạch, chiến lược và theo dõi dài hạn.

Ví dụ, trong tầm soát ung thư phổi, người bệnh cần được chụp CT phổi liều thấp, lặp lại mỗi năm, theo dõi trong vòng 5-10 năm.

"Một số nghiên cứu về tầm soát ung thư vú thì người ta theo dõi 15-20 năm chứ không chỉ tầm soát ngẫu nhiên một lần. Sau khi tầm soát xong, người nào có kết quả bất thường thì đơn vị tầm soát phải có kế hoạch xử trí tiếp theo, chứ không chỉ kiểm tra rồi để đó", bác sĩ Vũ nói.

Bên cạnh đó, có những xét nghiệm sai lầm khi tầm soát ung thư là xét nghiệm máu để thử các chỉ số khối u. Thực tế, chỉ số này hoàn toàn không có vai trò trong việc tầm soát ung thư.

 Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư là một trong những dịch vụ tầm soát ung thư được quảng cáo nhiều nhất. Ảnh minh họa: Unsplash.

Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư là một trong những dịch vụ tầm soát ung thư được quảng cáo nhiều nhất. Ảnh minh họa: Unsplash.

"Việc xét nghiệm tràn lan các chất chỉ điểm khối u trong máu như CEA, CA 125 hoặc CA 153… đều không có cơ sở khoa học, do các chất này có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau, lành tính cũng như ác tính. Trong khi đó, nhiều người thật sự có khối ung thư nhưng xét nghiệm vẫn cho ra kết quả bình thường. Kết quả xét nghiệm có thể gây hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người được xét nghiệm", bác sĩ Vũ phân tích.

Một loại khác là siêu âm bướu cổ hoặc chụp phổi. Nhiều cơ sở lạm dụng các phương tiện hình ảnh như chụp cắt lớp toàn thân để tầm soát ung thư. Việc này cũng không mang lại hiệu quả tốt, chưa được tổ chức nào khuyên dùng.

Thực tế, các gói tầm soát ung thư tổng quát hiện nay chỉ nên được xem là khám bệnh tổng quát, chưa thể gọi là tầm soát ung thư. Để tránh người dân hiểu lầm những khái niệm này, bác sĩ Vũ cho rằng Bộ Y tế nên có hướng dẫn chung cho các cơ sở y tế để có chương trình thống nhất khi thực hiện tầm soát ung thư.

Trong hướng dẫn sẽ nêu cụ thể các loại ung thư nào nên tầm soát, nhóm đối tượng nào, thực hiện các xét nghiệm gì, bao lâu tầm soát một lần… tránh mỗi nơi mỗi kiểu, thậm chí lạm dụng tầm soát.

Điều quan trọng là kết nối, chia sẻ thông tin, hồ sơ bệnh án của người bệnh giữa các cơ sở y tế, để có thể lưu giữ, theo dõi, so sánh kết quả khám (phim chụp CT, các loại chỉ số…) trước, trong và sau điều trị, dù họ điều trị ở bất kỳ bệnh viện nào.

“Tầm soát ung thư tốt nhất là hướng tới cộng đồng, người bệnh ở đâu thì có thể tầm soát và theo dõi lâu dài ở đó”, bác sĩ Vũ nói.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dung-vung-tien-tam-soat-ung-thu-vo-toi-va-post1479509.html