Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không chỉ là bước tiến hạ tầng, mà còn là cú hích chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tại kỳ họp thứ 8, ngày 30/11/2024. (Nguồn: VGP)
Ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 172/2024/QH15, về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển lớn trong tư duy phát triển hạ tầng của đất nước, không chỉ dừng lại ở tầm nhìn chiến lược mà còn là cam kết mạnh mẽ về hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo nội dung nghị quyết, tuyến đường sắt cao tốc sẽ có tổng chiều dài khoảng 1.541 km, kết nối Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vận hành với tốc độ thiết kế lên tới 350km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến lên đến hơn 67 tỷ USD, một con số thể hiện rõ quy mô và tầm quan trọng đặc biệt của dự án trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Không chỉ đơn thuần là một công trình giao thông lớn, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam còn là biểu tượng cho quyết tâm đột phá của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, kết nối hiệu quả với các hành lang Đông - Tây, các nước trong khu vực, từ đó tạo ra xung lực mới cho hội nhập quốc tế, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Bài học từ những quốc gia tiên phong

Pháp là quốc gia đầu tiên tại châu Âu triển khai mô hình PPP (hợp tác công tư) trong đầu tư đường sắt cao tốc. (Nguồn: Franceinfo)
Trên thế giới, đường sắt cao tốc đã chứng minh là một công cụ quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhiều nước tiên tiến như Đức, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc đều chọn đường sắt cao tốc làm xương sống cho hệ thống hạ tầng hiện đại.
Tại Đức, mạng lưới Intercity-Express (ICE) là một trong những hệ thống tàu cao tốc đầu tiên ở châu Âu, với chiều dài hơn 1.650 km. Điều đáng chú ý là thay vì đẩy mạnh tốc độ, Đức tập trung tối ưu hóa biểu đồ chạy tàu và giảm thời gian chờ chuyển tuyến. Việc đầu tư chủ yếu được thực hiện bằng nguồn vốn công từ ngân sách liên bang, địa phương và hỗ trợ của Ủy ban châu Âu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải tự đầu tư phương tiện khai thác. Mô hình này giúp hệ thống vận hành hiệu quả, đồng thời thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế dọc tuyến, kết nối giữa đô thị và nông thôn, và nâng cao giá trị bất động sản cũng như hạ tầng thương mại.
Trung Quốc, dù đi sau nhưng đã bứt phá ngoạn mục và hiện sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới với hơn 42.000 km. Thành công của nước này đến từ việc kết hợp giữa nhập khẩu công nghệ có chọn lọc và tự lực phát triển công nghệ nội địa.
Trung Quốc đã bắt buộc chuyển giao công nghệ trong các hợp đồng quốc tế, xây dựng tiêu chuẩn riêng, đồng thời đầu tư mạnh cho nghiên cứu, sản xuất trong nước. Họ tích hợp các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, IoT, dữ liệu lớn, AI, mô hình thông tin số (BIM) và hệ thống định vị Bắc Đẩu để thiết lập một hệ sinh thái đường sắt thông minh.
Pháp là quốc gia đầu tiên tại châu Âu triển khai mô hình PPP (hợp tác công tư) trong đầu tư đường sắt cao tốc. Từ năm 2010 đến 2012, Pháp thực hiện 4 dự án với tổng chiều dài hơn 620 km, vốn đầu tư 15 tỷ Euro, trong đó khu vực tư nhân đóng góp phần lớn.
Khung pháp lý minh bạch về PPP giúp các doanh nghiệp đánh giá đúng rủi ro và thúc đẩy hợp tác bền vững. Với hai mô hình PPP chính là đối tác và nhượng quyền, Pháp đã mở rộng mạng lưới đường sắt, cải thiện kết nối vùng và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách.

Tàu cao tốc Shinkansen tại Nhật Bản. (Nguồn: Nippon)
Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới vận hành hệ thống đường sắt cao tốc. Kể từ khi tuyến Shinkansen đầu tiên đi vào hoạt động năm 1964, Nhật Bản đã phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc dài gần 3.000 km, kết nối các đô thị lớn và trung tâm dân cư trên khắp cả nước.
Điểm đặc biệt của Shinkansen là sự chính xác gần như tuyệt đối trong vận hành và mức độ an toàn cao hàng đầu thế giới. Tất cả các tuyến đều không có giao cắt đường ngang, sử dụng hệ thống điều khiển hiện đại để kiểm soát khoảng cách giữa các đoàn tàu. Nhờ vậy, không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển mà còn thúc đẩy mạnh mẽ du lịch, dịch vụ và phục hồi kinh tế tại các vùng kém phát triển.
Nhìn xa hơn một tuyến đường
Từ kinh nghiệm quốc tế có thể khẳng định, đường sắt cao tốc là lựa chọn chiến lược giúp các quốc gia đang phát triển nâng cấp hạ tầng, cải thiện năng lực vận tải và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với áp lực đô thị hóa nhanh, nhu cầu kết nối vùng miền gia tăng, và chi phí logistics còn cao, việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt hiện đại là bước đi mang tính cấp bách và lâu dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo, ngày 9/7. (Nguồn: VGP)
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với tổng chiều dài hơn 1.500 km, chính là lời giải cho bài toán phát triển bền vững. Không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm phát thải và bảo vệ môi trường, tuyến đường sắt này còn có thể tạo ra hàng triệu việc làm, kích thích công nghiệp nội địa, định hình lại không gian phát triển và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Nghị quyết số 172/2024/QH15 được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2024 đã đặt nền móng pháp lý vững chắc để triển khai dự án. Mục tiêu là xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát huy lợi thế hành lang kinh tế Bắc - Nam, đồng thời kết nối hiệu quả với các tuyến hành lang Đông - Tây và mạng lưới khu vực.
Cùng lúc đó, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá khoa học - công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những định hướng chiến lược nhằm tháo gỡ các rào cản thể chế, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân, phục vụ trực tiếp cho các dự án hạ tầng quy mô lớn như đường sắt cao tốc.
Những giải pháp đồng bộ để hiện thực hóa tầm nhìn
Để tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi vào vận hành hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, cần một hệ thống giải pháp toàn diện và đồng bộ.
Thứ nhất, xây dựng một chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia dài hạn, có tính đến sự tương thích với hệ thống đường sắt hiện có. Việc này không chỉ giúp đảm bảo hiệu quả khai thác, mà còn giảm thiểu chi phí đầu tư trùng lặp.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, đoạn qua Hà Nội. (Nguồn: Tuổi trẻ)
Thứ hai, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thông qua hình thức đấu thầu minh bạch, có tiêu chí ràng buộc chuyển giao công nghệ. Đồng thời, xây dựng lộ trình nội địa hóa từng phần chuỗi cung ứng như toa tàu, ray, hệ thống điều khiển, đào tạo kỹ sư, từ đó nâng cao năng lực tự chủ công nghệ.
Thứ ba, phát huy vai trò của khu vực tư nhân không chỉ ở khâu tài chính mà còn trong thiết kế, thi công, quản lý vận hành. Kết hợp hiệu quả giữa đầu tư công và đối tác tư nhân sẽ giảm áp lực ngân sách và tăng tính linh hoạt của dự án.
Thứ tư, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần có chính sách khuyến khích hợp tác đào tạo giữa các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và các đối tác quốc tế để hình thành đội ngũ kỹ sư, quản lý có năng lực phù hợp với đặc thù công nghệ cao của ngành đường sắt.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng các công nghệ số hiện đại trong quy hoạch, xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống đường sắt. AI, dữ liệu lớn, cảm biến thông minh và GIS sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực để tăng độ chính xác, tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn hệ thống.
Thứ sáu, đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa đường sắt cao tốc và các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường thủy, hàng không, đồng thời tích hợp với quy hoạch đô thị, khu công nghiệp và cảng biển nhằm tối ưu hóa dòng hàng hóa, hành khách.
Đường sắt cao tốc không chỉ là một công trình hạ tầng giao thông lớn. Nó là đòn bẩy để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng sống, cân bằng phát triển giữa các vùng miền và từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển.
Thành công của dự án không chỉ phụ thuộc vào vốn đầu tư, mà còn ở tư duy chiến lược, cách tổ chức thực hiện và khả năng huy động tổng lực các nguồn lực xã hội. Việt Nam đang đứng trước một thời điểm vàng để bứt phá, và đường sắt cao tốc Bắc - Nam chính là tuyến trục khơi thông năng lượng phát triển mới của quốc gia trong thế kỷ XXI.