Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có vận tốc 250 hay 350km/h?
Theo luật hiện hành, nếu làm đường sắt tốc độ cao thì vận tốc phải đạt 350km/h, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nên theo phương án 250km/h kết hợp cả chở hành khách và hàng hóa.
Theo kế hoạch, tháng 11/2023, Bộ GTVT sẽ trình cấp có thẩm quyền đề án chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam, phấn đấu trình Quốc hội thông qua vào năm 2025.
Đề án đang được Bộ GTVT lấy ý kiến các bộ ngành với 2 phương án:
Phương án 1: Xây dựng đường sắt Bắc - Nam với đường đôi, khổ ray 1.435mm, chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác 320km/h, chỉ chạy tàu khách; kết hợp cải tạo đường sắt hiện hữu để chuyên chở hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến cho phương án này khoảng 58,71 tỷ USD.
Phương án 2: Xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam mới, đường đôi, khổ ray 1.435mm, kết hợp khai thác cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180km/h, chạy tàu hàng tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 64,9 tỷ USD.
Trao đổi với PV VietNamNet, TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông, cho biết ông ủng hộ phương án 2, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao vừa chở hàng vừa chở khách.
“Tôi biết, có nhiều người cho rằng phải làm ngay đường sắt tốc độ cao với vận tốc đạt 300-400km/h. Nhưng tất cả dự án đều phải dựa trên căn cứ khoa học, thực tiễn, hiệu quả, trên cơ sở đời sống của nhân dân.
Không ai muốn đất nước mình lạc hậu nhưng phải tiến lên chắc chắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn và phải đảm bảo các mục tiêu khác của nền kinh tế”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Vừa chở người vừa chở hàng là phù hợp
Lý giải quan điểm ủng hộ phương án làm đường sắt tốc độ cao với vận tốc dưới 250km/h, TS.Nguyễn Xuân Thủy nêu 5 lý do.
Thứ nhất, phương án vừa chở hàng vừa chở hành khách sẽ hiệu quả nhất, vì chi phí vận tải bằng ô tô đắt gấp 2-3 lần so với đường sắt. Trong khi đó, hiện khoảng 80-90% hàng hóa vận chuyển bằng ô tô đi từ Bắc vào Nam, điều này làm hư hỏng đường xá, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do đó, nếu chở hàng bằng đường sắt tốc độ cao sẽ rất hiệu quả.
Thứ hai, tốc độ như vậy sẽ vừa túi tiền của người dân. Nếu đi với tốc độ 300-400km/h, giá vé sẽ bằng 70-80% so với giá vé máy bay. Người dân sẽ rất ít đi, hiệu quả thấp.
Thứ ba, nếu tàu vận hành với tốc độ 300-400km/h, phải 50km mới có một ga. Như vậy, lượng hành khách đi sẽ rất ít. Theo GS. Lã Ngọc Khuê tính toán, nếu đưa vào khai thác tuyến đường sắt có tốc độ 300–400km/h, chỉ khai thác được 40-50% công suất.
Thứ tư, nếu tiến hành xây dựng đường sắt vận tốc dưới 250km/h, phù hợp với năng lực khoa học của đất nước. Theo GS. Lã Ngọc Khuê tính toán, nếu tàu chạy với tốc độ đó thì 70% chi tiết của con tàu, Việt Nam có thể tự sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa. Trong khi làm với tốc độ 300-400km/h, gần như 100% phải nhập khẩu.
Thứ năm, nếu chạy với tốc độ 300-400 km/h,cần gần 70 tỷ USD và phải đầu tư phân kỳ trong nhiều năm.
Trong khi làm dưới 250km/h, có thể thực hiện cuốn chiếu, phương tiện vẫn có thể hoạt động, khai thác được. Như thế sẽ hiệu quả hơn, chi phí vận tải sẽ thấp hơn và đặc biệt phù hợp với đời sống của người dân.
“Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 4.000 USD, khi đường sắt tốc độ cao hoàn thành (dự kiến đến năm 2050), lúc đó ước chừng cũng chỉ đạt 10.000- 15.000 USD.
Thế giới hiện nay có những nước đạt 40.000-50.000 USD/đầu người. Thậm chí có những quốc gia như Na Uy mức thu nhập lên tới 60.000 USD/đầu người. Vậy mà họ vẫn chưa chạy tàu tốc độ cao. Ngay cả Mỹ cũng chưa xây dựng hệ thống đường sắt với vận tốc 300-400 km/h. Vậy thì tại sao mình phải vươn lên, mang tính chất chạy đua như vậy. Chúng ta không nên đòi hỏi quá mức sức chịu đựng của nền kinh tế”, TS. Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Ở góc nhìn khác, GS.TS. Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam cho biết: Tại Chương 8, Luật Đường sắt quy định: Đường sắt đường sắt cao tốc (hay tốc độ cao- PV) phải có vận tốc 350km/h.
Đây chính là lý do vì sao có phương án làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với tốc độ 350km/h. Do đó, nếu theo luật thì làm đường sắt tốc độ cao phải là 350km/h. Nếu chạy với tốc độ 250km/h thì không đúng với Luật.
“Trên thế giới, với những đoàn tàu tốc độ 350km/h, một số nước chạy riêng tàu khách, có nước chạy cả tàu hàng. Ở Việt Nam, Bộ GTVT đưa ra phương án chạy riêng tàu khách với mục tiêu cạnh tranh với hàng không”, GS. Bùi Xuân Phong bày tỏ.
Về việc lựa chọn phương án nào, GS.Bùi Xuân Phong cho rằng, cấp có thẩm quyền sẽ quyết định căn cứ vào điều kiện vốn và mục đích: Muốn chỉ chạy tàu khách hay vừa chở khách vừa chở hàng?. Nếu chạy riêng tàu khách, tốc độ phải đạt 350km/h, nếu kết hợp với chở hàng thì vận tốc 250km/h là hợp lý.
Kết luận trong tháng 5/2023 của Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ ra rằng, dự án chỉ bảo đảm tính khả thi, hiệu quả về kinh tế và không lệ thuộc vào công nghệ của một nước nào đó khi được xây dựng với tốc độ thiết kế 250km/h, tốc độ khai thác 225km/h, khai thác hỗn hợp chở khách và chở hàng.
Theo Hội đồng thẩm định Nhà nước, với các phương án đang được Bộ GTVT đề xuất, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dù được đầu tư theo phương án nào cũng có tổng vốn đầu tư rất lớn, từ 61 - 64,6 tỷ USD. Con số này tương đương 15,2% - 16,1% quy mô GDP hiện nay của nền kinh tế, khoảng 400 tỷ USD.