Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo ra thị trường hàng chục tỷ USD và hàng triệu việc làm
Việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD và hàng triệu việc làm.
Theo tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường này có chiều dài khoảng 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh) và thuộc danh mục các dự án quan trọng quốc gia cần ưu tiên đầu tư trước năm 2030.
Tuyến mới này đã được nghiên cứu trong thời gian dài, tại thời điểm năm 2010 do còn có ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế thấp, nợ công ở mức cao (56,6% GDP) nên chưa được cấp có thẩm quyền thông qua. Song hiện nay, với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD (gấp gần 3 lần so với năm 2010), nợ công ở mức thấp (khoảng 37% GDP) nên dự kiến thời điểm triển khai xây dựng dự án vào năm 2027 (khi quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD) thì nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị, Chính phủ thống nhất, trong đó yêu cầu huy động mọi nguồn lực để triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện. Vì vậy, theo Chính phủ, việc sớm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là rất cần thiết để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch.
Trong nhiều văn kiện, Đảng và nhà nước đã xác định mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như nhiều quốc gia trên thế giới.
Cụ thể hơn, hành lang kinh tế Bắc - Nam có vai trò quan trọng bậc nhất của cả nước, có tính chất kết nối các hành lang Đông - Tây, các cực tăng trưởng để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội. Với ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, tin cậy, thuận tiện, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến đường sắt này còn giúp tái cấu trúc, phân bố lại đô thị, dân cư, mở ra không gian phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất; thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch; góp phần giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...
Theo điều tra của tư vấn nghiên cứu dự án, đến năm 2050, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam khoảng 1,4 - 1,7 tỷ tấn hàng hóa, 1,1 - 1,3 tỷ lượt hành khách. Trên cơ sở số liệu điều tra vận tải, lợi thế, chi phí vận tải của từng phương thức vận tải, cập nhật các quy hoạch và sử dụng mô hình dự báo tiên tiến để tính toán, kết quả cho thấy, với nhu cầu vận tải lớn như trên, hành lang Bắc - Nam đoạn Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch có đầy đủ 5 phương thức vận tải.
Trong đó, vận tải hàng hóa cơ bản do đường biển, đường sông đảm nhận, đường bộ đảm nhận cự ly ngắn, đường sắt đảm nhận cự ly trung bình và dài đối với một số loại hàng hóa, thị phần cơ bản hợp lý; vận tải hành khách chủ yếu do đường bộ, đường sắt và hàng không đảm nhận, nhưng đang mất cân đối về thị phần vận tải.
Dự báo nhu cầu vận tải bằng đường sắt trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2050 cần đảm nhận khoảng 18,2 triệu tấn hàng và khoảng 122,7 triệu lượt khách. Với nhu cầu vận tải này, tuyến đường sắt hiện hữu sau khi cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa; tuy nhiên, nhu cầu vận tải hành khách sẽ thiếu hụt lớn. Theo kinh nghiệm quốc tế, để giải quyết nhu cầu vận tải lớn về hành khách việc lựa chọn đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là thích hợp, hiệu quả.
Cũng theo nội dung tờ trình, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD và hàng triệu việc làm.
Nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp đường sắt, trong đó: Làm chủ công nghiệp xây dựng; từng bước làm chủ và nội địa hóa về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện động lực, hệ thống thông tin - tín hiệu; tự chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế cho đường sắt tốc độ cao. Do đó, việc phát triển đường sắt tốc độ cao là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội đường sắt quốc tế, đường sắt tốc độ cao là phương thức vận tải bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên; đồng thời, do tuyến đường sắt tốc độ cao phần lớn đi trên cao nên góp phần hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế chia cắt cộng đồng. Do đó, đây cũng là yếu tố cho thấy sự cần thiết để đầu tư đường sắt tốc độ cao để phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Yếu tố khác cho thấy sự cần thiết đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hệ thống này sử dụng năng lượng điện là giải pháp tối ưu để chuyển đổi phương thức vận tải, góp phần đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Ngoài ra, do tuyến đường sắt hiện hữu bị hạn chế khổ giới hạn, tải trọng trục nên việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao mới đáp ứng được yêu cầu vận chuyển các loại hàng hóa đặc chủng phục vụ quốc phòng, an ninh, hình thành thêm trục dọc cơ động khi có tình huống khẩn cấp.
Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có thể làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP
Chia sẻ tại Tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 29/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn đánh giá tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng mới có dữ liệu sơ bộ để đánh giá hiệu quả của dự án đối với phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, có thể chia dự án làm 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là đang trong quá trình xây dựng; giai đoạn thứ hai là đưa vào vận hành. Cả 2 giai đoạn đều tác động đến tăng trưởng kinh tế. Trong đó, giai đoạn 2 có tác động đến tăng trưởng kinh tế-xã hội sau khi dự án đưa vào khai thác, vận hành. Khi dự án đi vào khai thác sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistics, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này.
"Chi tiêu cho đầu tư cũng là một động lực tác động đến tăng trưởng kinh tế. Trong lịch sử đầu tư công của đất nước ta, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD. Đây là con số khái toán ở mức tiền khả thi. Mức chi đầu tư này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dự án thi công. Qua đánh giá sơ bộ, nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt cao tốc độ cao này làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP. Đây là con số hết sức đáng kể, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.