EU lên kế hoạch áp thuế trả đũa hàng loạt mặt hàng Mỹ
Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố danh sách đề xuất áp thuế trả đũa nhiều mặt hàng chủ lực của Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump dọa áp thuế 30% lên toàn bộ hàng xuất khẩu từ EU kể từ tháng 8 nếu không đạt được thỏa thuận thương mại.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp). Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 14/7, danh sách mới do Ủy ban châu Âu soạn thảo nhắm tới các mặt hàng Mỹ trị giá khoảng 72 tỷ euro (khoảng 78 tỷ USD), thấp hơn so với đề xuất ban đầu là 95 tỷ euro (khoảng 103 tỷ USD). Trong số này, nhóm hàng công nghiệp chiếm phần lớn với giá trị ước tính 65,7 tỷ euro (khoảng 71 tỷ USD), còn lại khoảng 6,4 tỷ euro (khoảng 7 tỷ USD) là các sản phẩm nông nghiệp và đồ uống. Máy bay và linh kiện máy bay được xác định là mục tiêu lớn nhất, với thuế suất dự kiến có thể tác động tới gần 11 tỷ euro (khoảng 12 tỷ USD) hàng xuất khẩu của Mỹ, qua đó giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp hàng không, đặc biệt là hãng Boeing.
Đáng chú ý, danh mục còn bao gồm cả rượu whiskey bourbon - một mặt hàng xuất khẩu đặc trưng của Mỹ - bất chấp những nỗ lực vận động hành lang mạnh mẽ từ Pháp và Ireland nhằm tránh để ngành đồ uống rơi vào vòng xoáy trả đũa thuế quan. Ngoài ra, nhiều nhóm hàng khác cũng nằm trong diện bị áp thuế bổ sung như ô tô, phụ tùng xe hơi, máy móc, thiết bị điện, nhựa, hóa chất, thiết bị y tế và các sản phẩm công nghiệp khác.
Trong tài liệu giải trình gửi các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh các tiêu chí lựa chọn mặt hàng bị áp thuế nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng và cân bằng lợi ích trong nội khối. Cụ thể, EC cho biết các sản phẩm bị nhắm đến phải góp phần “cân bằng lại sân chơi” khi Mỹ áp thuế gây thiệt hại cho xuất khẩu của EU. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tính đến khả năng thay thế nguồn cung từ các quốc gia khác ngoài Mỹ hay từ ngay trong nội bộ EU, cũng như nguy cơ các doanh nghiệp Mỹ sẽ tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất sang nơi khác để né tránh thuế.
Tổng mức thuế dự kiến lần này thấp hơn so với phương án ban đầu, phần nào phản ánh nỗ lực của Brussels trong việc tìm kiếm giải pháp thương lượng thay vì đẩy căng thẳng thương mại leo thang mất kiểm soát. Trước đó, ông Trump đã bất ngờ nâng mức đe dọa thuế quan lên 30% áp dụng cho toàn bộ hàng xuất khẩu từ EU, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8 tới nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại. Đây được xem là động thái cứng rắn chưa từng có kể từ khi các tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương nổ ra dưới thời ông Trump.
Một số quốc gia thành viên EU tỏ ra thận trọng với kế hoạch trả đũa, cho rằng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây tác động ngược trở lại nền kinh tế nội khối. Dù vậy, cuộc họp các bộ trưởng thương mại EU ngày 14/7 đã thống nhất ủng hộ chiến lược đàm phán của Ủy ban châu Âu, đồng thời nhất trí rằng khối cần chuẩn bị các phương án phòng ngừa trong trường hợp các cuộc đàm phán với Washington thất bại.
Hiện các biện pháp trả đũa chưa có hiệu lực ngay lập tức, bởi vẫn cần được các nước thành viên thông qua. Theo lộ trình, vòng áp thuế trả đũa đầu tiên dự kiến áp dụng cho khối hàng hóa trị giá khoảng 21 tỷ euro (khoảng 22 tỷ USD) đã được hoãn lại đến ngày 6/8 để hai bên có thêm thời gian đàm phán và tìm kiếm tiếng nói chung. Giới quan sát cho rằng EU đang cố gắng duy trì thế cân bằng giữa cứng rắn và linh hoạt, tránh để xung đột thương mại lan rộng, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu vẫn đang gia tăng.
Trong trường hợp các biện pháp mới được thông qua, đây sẽ là đòn đáp trả thương mại quy mô lớn nhất của EU nhằm vào Mỹ kể từ khi hai bên bắt đầu tranh chấp thuế quan dưới thời chính quyền Trump. Các chuyên gia cảnh báo cuộc đối đầu thuế quan lần này không chỉ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp hai bên, mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng, khi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tăng theo.
Ủy ban châu Âu khẳng định sẽ tiếp tục duy trì kênh đối thoại với Mỹ để tránh kịch bản xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát, song cũng nhấn mạnh rằng khối đã sẵn sàng hành động quyết liệt để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp và người dân EU.