G7 khẳng định nỗ lực duy trì tầm ảnh hưởng

Trong bối cảnh diễn ra nhiều thách thức mang tính lịch sử, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang nỗ lực duy trì và gia tăng tầm ảnh hưởng. Vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua bao hàm nhiều ý nghĩa quan trọng.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 2024. Ảnh: G7 ITALIA

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 2024. Ảnh: G7 ITALIA

Muôn vàn khó khăn

Vừa qua, các nhà lãnh đạo hàng đầu của G7 đã cùng nhóm họp tại Italia để giải quyết hàng loạt “bài toán” cấp bách, vốn chưa định hình “lời giải” hữu hiệu. Hội nghị thượng đỉnh của 2 quốc gia đứng đầu thế giới còn có sự hiện diện của đại diện Liên minh châu Âu (EU) là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Cũng như các diễn đàn G7 trước đây, ngoài các thành viên G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada, Nhật Bản, còn có lãnh đạo một số quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia hội nghị, theo lời mời của quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 năm 2024 là Italia. Đặc biệt, năm nay được đánh giá là có nhiều đại biểu, khách mời hơn so với các hội nghị thượng đỉnh trước.

Bình luận về hội nghị năm nay, một quan chức Italia cho biết, G7 hội tụ và gắn kết những quốc gia có cùng chí hướng về các nguyên tắc cơ bản. Thượng đỉnh G7 2024 không phải là một cuộc họp khép kín mà là một sự kiện rộng mở, nhất là trong bối cảnh mỗi quốc gia đều đương đầu với những thách thức, khó khăn.

Theo bình luận của giới chuyên gia chính trị quốc tế, các quốc gia G7 hiện nay đang đối mặt với hàng loạt bất an và bối cảnh chung nhiều bất trắc. Điển hình như liên minh cầm quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều đang suy giảm vị thế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua. Chính trường ở nhiều quốc gia khác cùng chung tình trạng có xu hướng ngả sang phía cực hữu.

Riêng với siêu cường Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp không ít khó khăn trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới đây. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đang đối diện với cuộc tổng tuyển cử sớm vào tháng 7.

Đối với Canada và Nhật Bản, các cuộc khảo sát trong nước cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với Thủ tướng Justin Trudeau và Thủ tướng Kishida Fumio tiếp tục giảm. Trong 7 quốc gia thành viên G7, duy chỉ có bà Giorgia Meloni “vững” ghế Thủ tướng Italia sau chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Một trong những vấn đề bức bách nhất của G7 hiện nay là sự suy yếu vai trò dẫn dắt, chi phối kinh tế thế giới của nhóm 7 quốc gia này. Thống kê hết năm 2023, GDP theo phương pháp ngang giá sức mua của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) chiếm hơn 32% thế giới, trong khi của G7 là 29,9%.

Giới chuyên gia bình luận, thống kê này cho thấy, 2 chỗ dựa cơ bản của G7 đã không còn chắc chắn. Trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm công bằng, dân chủ hơn đang từng bước hình thành, thay thế trật tự đơn cực. Cùng với đó, đồng USD dần mất vị thế không chỉ với BRICS, mà còn ở một số quốc gia khác.

Những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay gồm: Bất ổn an ninh ở châu Âu và Trung Đông ngày càng diễn biến phức tạp, nằm ngoài các dự báo; biến đổi khí hậu, di cư, tị nạn; an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... Mọi nỗ lực đối phó với tất cả các vấn đề này của G7 đều chưa đạt được nhiều hiệu quả so với cam kết từ các kỳ thượng đỉnh trước. Đây là những yếu tố để minh chứng cho sự suy giảm vị thế của G7, cũng như là mầm mống phát triển những chia rẽ không chỉ trong nội bộ, mà còn giữa các thành viên G7 với các quốc gia phương Tây khác.

Âu lo phủ bóng

Theo giới chuyên gia, không chỉ hiện hữu chuỗi thách thức chung, bản thân mỗi quốc gia G7 cũng đang đương đầu với nhiều vấn đề nội bộ. Dễ thấy nhất là kết quả bầu cử có thể tạo ra biến động mạnh trên chính trường Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada trong những tháng tới. Từ đó, dư luận quốc tế hoài nghi rằng, những nhà lãnh đạo góp mặt trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua có thể sẽ không tiếp tục hiện diện trong kỳ tiếp theo. Trong trường hợp đó, những cam kết được đưa ra tại hội nghị vừa qua cũng có khả năng sẽ bị gác lại hoặc thay thế.

Giới chuyên gia nhấn mạnh rằng, dù suy yếu là “gam màu” bao trùm, song thực tế, vai trò của G7 đối với vận mệnh toàn cầu vẫn rất lớn nên cộng đồng quốc tế vẫn dành sự chú ý rất lớn tới từng bước đi của những quốc gia giàu có nhất thế giới này. Thực tế tại hội nghị vừa qua, nhiều quốc gia khách mời là thành viên hoặc dự kiến trở thành thành viên của đối thủ BRICS. Điều này cho thấy rõ mong muốn lôi kéo, gia tăng ảnh hưởng của G7 với các đối tác lớn.

Vấn đề “nóng” hàng đầu trong chương trình nghị sự vừa qua là an ninh châu Âu. Tuy các bên cùng cho thấy sự đồng thuận về ý chí chung, nhưng các bước triển khai lại vướng mắc, chưa định hình cụ thể, hoặc chỉ mang tính chất đơn lẻ từ một số thành viên, thay vì là những hành động chung của toàn khối.

Cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn cũng là chủ đề nóng tại thượng đỉnh. G7 cùng nhấn mạnh quan ngại về sự chênh lệch cán cân thương mại, dư thừa năng lực công nghiệp và sự gia tăng ảnh hưởng của các cường quốc đối thủ. Dù lợi ích bị đụng chạm mạnh mẽ, nhưng thực tế cũng cần phải né tránh những cuộc chiến thương mại với hậu quả khó lường. Điều này đặt ra bài toán nan giải cho G7.

Tựu chung, giới chuyên gia nhận định, G7 đang đối mặt với thách thức lớn nhất là sự phát triển mạnh mẽ tầm ảnh hưởng của các quốc gia, tổ chức đối thủ. Thượng đỉnh G7 vừa qua đưa ra được tuyên bố chung đã phần nào cho thấy ý chí khá thống nhất ở góc độ tổng thể. Song việc triển khai cụ thể lại ít đồng thuận, việc giải quyết các vấn đề ít tính khả thi, khó có được giải pháp mang tính đột phá. Hội nghị cũng đạt được một số kết quả tích cực ở mức độ chủ trương và biện pháp nhưng không hoàn toàn đạt được các kỳ vọng và mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cho biết: “Chúng tôi gánh trên vai một trách nhiệm lớn lao và sẽ thực hiện trách nhiệm đó bằng hết khả năng của mình. G7 tái khẳng định sự đoàn kết để cùng hiện thực hóa những cam kết đối với sự phát triển toàn cầu”.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/g7-khang-dinh-no-luc-duy-tri-tam-anh-huong-post477151.html