Ghé làng nghề 'tỏa hương' dịp Tết
Trải qua bao thăng trầm, người se nhang ở xã Lê Minh Xuân vẫn bám trụ với nghề. Tết cổ truyền là thời điểm làng nghề hoạt động nhộn nhịp nhất.
Nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) cách trung tâm TP HCM khoảng 30 km về phía Tây Nam đã có từ lâu đời. Năm 2012, niềm vui đến với người dân khi làng làm nhang ở xã Lê Minh Xuân được công nhận là làng nghề truyền thống.
Chạy dọc con đường Mai Bá Hương, Thích Thiện Hòa, những đóa "hoa nhang" rực rỡ hai bên đường báo hiệu Tết cổ truyền đang đến gần.
Làng nghề có thời điểm nuôi sống hơn trăm gia đình, trong đó nhiều gia đình thoát nghèo và góp phần duy trì nét văn hóa của người Việt qua bao thế hệ.
Những ngày cuối năm, từ làng mai Bình Lợi (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh), qua bến đò là tới "thủ phủ" nhang ở Lê Minh Xuân. Men theo đường dọc con kênh, chúng tôi ra đường Mai Bá Hương đã nghe tiếng máy se nhang xình xịch.
Gia đình anh Phong, chị Thanh (ấp 2) đang miệt mài se nhang kịp giao theo hẹn. Chị Thanh làm nghề se nhang cũng được mười mấy năm. Anh Phong phụ vợ làm nhang được 6-7 năm nay.
Hai vợ chồng mua 2 máy se nhang, nhận hàng làm gia công cho cơ sở gần đó với tiền công 4.500 đồng cho mỗi thiên nhang (1.000 cây nhang).
Theo chị Thanh, so với trước đây thì bây giờ lượng hàng đã giảm đi rất nhiều, hai vợ chồng mỗi ngày thu nhập khoảng hơn 300.000 đồng. Tuy vậy, không phải tháng nào trong năm cũng có đơn hàng để gia công. Nếu trước 1 năm làm 10 tháng thì bây giờ chỉ còn 6-7 tháng.
"Bây giờ người ta nghỉ nhiều. Trước đi là thấy người ta phơi nhang 2 bên lộ đầy nhóc. Hồi đó cả trăm hộ gia công giờ chỉ còn khoảng 20 hộ" - chị Thanh nói.
Thật vậy, chạy dọc đường Mai Bá Hương bây giờ chỉ còn 5-6 hộ phơi nhang 2 bên đường.
Tìm đến xưởng nhang Minh Phước gần đó, bà Nguyễn Thị Út (quê Bến Tre) cho biết công việc hằng ngày là bó nhang, mỗi bó là 500 đồng. Thu nhập cũng hơn 200.000 đồng mỗi ngày. "Tôi làm việc này cũng 4-5 năm rồi, thu nhập ổn định. Thường ngày đưa cháu đi học, thời gian còn lại thì làm nhang. Việc cũng khỏe" – bà Út chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hội (quê Cà Mau) lên TP HCM từ năm 2003, làm nghề se nhang cũng hơn 10 năm và mới qua xưởng Minh Phước được 2 năm. Công việc se nhang giúp duy trì thu nhập mười mấy năm qua.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (61 tuổi, quê Vĩnh Long) cũng đến xã Lê Minh Xuân làm nhang được 6 năm. Công việc này phù hợp với lứa tuổi và giúp duy trì thu nhập, ổn định cuộc sống với mức từ 200-300 ngàn mỗi ngày. Cũng như nhiều người khác, bà Út ở trong khu trọ của chủ xưởng.
Chị Nguyễn Cát Bụi Thúy (48 tuổi), chủ cơ sở sản xuất nhang Minh Phước (ấp 3, xã Lê Minh Xuân) cho biết cơ sở làm nhang này đã hình thành và phát triển hơn 30 năm qua.
"Xưởng nhang lúc trước cả trăm công nhân. Một số lên tay nghề mở nhỏ, lẻ làm riêng. Trước đây se nhang tay, bây giờ có máy móc nên việc đỡ cực và cũng năng suất hơn. Công việc này không nhiều tiền nhưng ổn định. Việc làm quanh năm, nhiều gia đình trong xã thoát nghèo nhờ nghề truyền thống này" – chị Thúy chia sẻ.
Theo chị Thúy, trước đây nguồn hàng ổn định nhưng sau dịch thì nguồn hàng không đều, bấp bênh, công nhân nghỉ việc nhiều. Nguyên liệu đầu vào tăng giá nhưng giá bán nhang không tăng. Xưởng nay chỉ còn 40 công nhân và người nhà.
"Từ dịch đến giờ làm ăn khó khăn. Mọi năm chuẩn bị hàng tháng Giêng, tháng Bảy, từ tháng 10-12 là mấy tháng vô vụ nhang. Bây giờ hàng rất chậm. Năm trước tôi dự trữ hàng để bán Tết mà không đi được nên phải ôm lại. Năm nay, cuối tháng 12 thì có đơn nên lại thiếu hàng, không có hàng giao. Bây giờ rất khó đoán, không ổn định" – chị Thúy nói.
Làng nghề truyền thống làm nhang Lê Minh Xuân được Sở Du lịch TP HCM công bố là 1 trong 10 điểm check-in thú vị nhất thành phố dịp Tết Dương lịch 2024. Theo chị Thúy, xưởng nhang có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, ngày Tết thì mỗi ngày có 5-6 đoàn.
Do đây là xưởng nhang quy mô lớn ở phía Nam nên sản phẩm đi khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ. Hiện xưởng có hơn 30 máy se nhang và hơn 10 máy sấy.
Để duy trì xưởng nhang, cũng như hỗ trợ người lao động, chị Thúy cho công nhân ở trọ miễn phí và chỉ tính tiền điện, nước theo giá nhà nước.
"Hiện tại giá cả chưa ổn định, chúng tôi cố gắng duy trì sản xuất. Mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hỗ trợ để duy trì làng nghề lâu dài, đời mình, đời con mình" - chị Thúy trải lòng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ghe-lang-nghe-toa-huong-dip-tet-196250125180030855.htm