Giá dầu phản ứng thế nào với các khủng hoảng?

Sự sụp đổ của những ngân hàng thương mại Mỹ như Silvergate Bank, Signature Bank, Silicon Valley Bank, sau đó là vụ giải cứu Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, khiến nhiều người lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự năm 2008.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay xảy ra chỉ 3 năm sau khi đại dịch Covid-19 gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Thật không may, năng lượng là một trong những lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Vậy thị trường năng lượng nói chung, giá dầu nói riêng, đã phản ứng như thế nào với các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính trong quá khứ?

Đại suy thoái năm 1930

Việc đưa vào hoạt động các mỏ dầu khổng lồ ở Mỹ trong những năm sắp bước vào cuộc đại suy thoái năm 1930 đã dẫn đến tình trạng dư thừa dầu và khiến giá dầu giảm chỉ còn 13 cent/thùng.

Tháng 10-1929, dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đạt mức đáng kinh ngạc 545 triệu thùng, nhờ việc phát hiện một số mỏ dầu lớn ở Oklahoma, Texas và California.

Giếng đầu tiên hoạt động vào năm 1926 tại mỏ Seminole của Oklahoma cho sản lượng 136 triệu thùng/năm, tương đương 10% tổng sản lượng dầu của Mỹ. Một loạt các phát hiện mới ở Oklahoma, mỏ Yates (Tây Texas), Van (Đông Texas), đồi Signal ở California và mỏ dầu Long Beach siêu khổng lồ ở Greater Los Angeles đã nhanh chóng chấm dứt nỗi lo về dầu những năm 20 của thế kỷ trước.

Mùa hè năm 1931, chỉ riêng mỏ dầu ở Đông Texas đã bơm 900.000 thùng/ngày từ khoảng 1.200 giếng. Thật không may, quá nhiều dầu tràn ngập thị trường cộng với nhu cầu thấp trong thời kỳ suy thoái đã gây ra sự sụp đổ giá dầu nghiêm trọng. Giá dầu giảm từ 1,88 USD/thùng năm 1926 xuống còn 1,19 USD/thùng năm 1930 và chỉ còn 13 cent/thùng vào tháng 7-1931.

Cú sốc năm 1973-1974

Cú sốc năm 1973-1974 được coi là một trong những cuộc khủng hoảng dầu mỏ nghiêm trọng nhất sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ của các nhà khai thác Arập đối với Mỹ đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng tài chính đầu những năm 70. Đặc biệt, chính giá dầu cao đã thực sự gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Ngày 19-10-1973, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ Arập (OAPEC) tuyên bố áp đặt lệnh cấm vận dầu đối với Mỹ để đáp trả việc Tổng thống Nixon yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp 2,2 tỉ USD viện trợ khẩn cấp cho Israel trong cuộc chiến Yom Kippur. Các quốc gia OAPEC đã ngừng tất cả hoạt động xuất khẩu dầu sang Mỹ và bắt đầu cắt giảm sản lượng làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu.

Động thái đó dẫn đến khủng hoảng nguồn cung và làm giá dầu tăng gấp 4 lần, lên 11,65 USD/thùng vào tháng 1-1974 từ mức 2,90 USD/thùng trước khi có lệnh cấm vận. Lệnh cấm cuối cùng đã được dỡ bỏ vào tháng 3-1974 khi các thành viên OAPEC bất đồng.

Chủ tịch Fed khi đó là Arthur Burns đã nhận xét, lệnh cấm vận và thao túng giá dầu đã đến vào thời điểm không thích hợp nhất đối với Mỹ. Đến giữa năm 1973, giá các mặt hàng công nghiệp đã tăng hơn 10%. Các nhà máy công nghiệp hoạt động gần như hết công suất dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu. Trong khi đó, ngành dầu mỏ Mỹ thiếu năng lực khai thác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dầu trên diện rộng và khan hiếm nhiên liệu ở khắp mọi nơi. Thời điểm này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giành được thị phần đáng kể trong khi các nguồn cung ngoài OPEC suy giảm sâu, cho phép liên minh xuất khẩu dầu gia tăng quyền lực và tầm ảnh hưởng đối với cơ chế định giá trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Sau sự mất giá của đồng USD, các quốc gia OPEC đã định giá dầu mỏ bằng vàng, dẫn đến một đợt tăng giá mạnh của vàng từ 35 USD/ounce lên 455 USD/ounce vào cuối những năm 1970.

Giá dầu có dấu hiệu giảm khi các nhà đầu tư bắt đầu chú trọng vào những rủi ro đối với hệ thống tài chính

Giá dầu có dấu hiệu giảm khi các nhà đầu tư bắt đầu chú trọng vào những rủi ro đối với hệ thống tài chính

Khủng hoảng giá dầu năm 1998-1999

Cuộc khủng hoảng giá dầu năm 1998-1999 là một thái cực đối lập với những gì mà những người Mỹ từng trải qua thời kỳ giá dầu tăng “nóng” trong những năm 70, với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng về giá.

Đồng Baht Thái Lan sụp đổ vào mùa hè năm 1997 đánh dấu sự lao dốc của giá dầu, kéo theo thị trường chứng khoán mất giá 60%. Do đó, nhu cầu dầu ở châu Á hay các khu vực khác trên thế giới chịu sự sụt giảm mạnh. Thêm vào đó, sản lượng dầu của OPEC tiếp tục không bị hạn chế vào thời điểm dầu mỏ Iraq lần đầu tiên quay trở lại thị trường kể từ thời điểm xảy ra chiến tranh vùng Vịnh. Iraq khi đó đã tăng gần gấp 4 lần sản lượng, từ 600.000 thùng/ngày vào năm 1996 lên 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 1998.

Ngay khi giá dầu bắt đầu giảm hồi tháng 11-1997, các bộ trưởng của OPEC đã đồng ý tăng hạn ngạch khai thác thêm 2 triệu thùng/ngày với giả định sai lầm rằng nhu cầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng với tốc độ như vài năm trước năm 1997 vào thời kỳ đỉnh cao của “phép màu” kinh tế châu Á. Không lâu sau đó, OPEC nhận thấy họ đã tính toán sai thời điểm và hạ hạn ngạch khai thác nhiều lần vào năm 1998.

Tuy nhiên, một số thành viên OPEC, nổi bật là Venezuela, không muốn mất thị phần và từ chối hợp tác với Arập Xêút. Không có gì đáng ngạc nhiên, dầu đã rớt giá 40% trong khoảng thời gian từ tháng 10-1997 đến tháng 3-1998 xuống còn 10 USD/thùng, trong đó một số loại dầu chỉ còn 6 USD/thùng vào cuối năm 1998.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất xảy ra trên toàn cầu trong thế kỷ XXI. Cuộc khủng hoảng bắt đầu trên thị trường bất động sản vào năm 2006 và được đánh dấu bằng sự gia tăng mạnh các vụ vỡ nợ đối với các khoản thế chấp dưới chuẩn.

Mặc dù làn sóng đầu tiên của cuộc khủng hoảng đã được ngăn chặn, nhưng nó đã làm hạn chế nghiêm trọng hoạt động kinh tế khi lan rộng. Giá hàng hóa tăng mạnh ngay cả khi thị trường bất động sản sụp đổ.

Cuộc khủng hoảng cuối cùng đã gây ra một làn sóng giảm phát và thanh lý khiến giá trị của tất cả các tài sản, bao gồm dầu mỏ và khí đốt giảm mạnh. Giá dầu đã giảm từ 133,88 USD/thùng vào tháng 6-2008 xuống còn 39,09 USD vào tháng 2-2009, trong khi giá khí đốt tự nhiên giảm từ 12,69 USD/MMBtu xuống còn 4,52 USD/MMBtu trong cùng khoảng thời gian này.

Rất may, cuộc khủng hoảng đã kết thúc một năm sau đó nhờ các biện pháp kích thích tích cực của các chính phủ.

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 khiến giá dầu giảm từ 133,88 USD/thùng vào tháng 6-2008 xuống còn 39,09 USD vào tháng 2-2009, trong khi giá khí đốt tự nhiên giảm từ 12,69 USD/MMBtu xuống còn 4,52 USD/MMBtu trong cùng khoảng thời gian này.

Minh Quân

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gia-dau-phan-ung-the-nao-voi-cac-khung-hoang-682656.html