Gia Thủy: Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa

Những năm qua, xã Gia Thủy (Nho Quan) luôn chú trọng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Học sinh Trường THCS Gia Thủy trải nghiệm tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia Đình Mỹ Hạ.

Học sinh Trường THCS Gia Thủy trải nghiệm tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia Đình Mỹ Hạ.

Đình Mỹ Hạ, thuộc thôn Chùa, xã Gia Thủy được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia năm 1998. Ông Trần Văn Tảo, thủ từ Đình Mỹ Hạ tự hào cho biết: Đình Mỹ Hạ thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Thái hậu Dương Vân Nga. Đình được xây dựng theo kiểu theo kiểu chuôi vồ. Tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Phía trong gồm 4 vì kèo, mỗi vì kèo có 4 cột đỡ. Toàn bộ hệ thống vì kèo, cột đỡ bằng gỗ lim, bằng đá. Đình còn giữ được những mảng chạm khắc hoa văn, rồng tinh xảo; lưu giữ được một số hiện vật cổ, quý hiếm như chuông đồng, bộ ngai, sắc phong...

Hiện nay, Đình là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong xã và du khách thập phương, là nơi diễn ra những lễ tiết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Đình Mỹ Hạ còn giữ được được sắc phong cổ, quý hiếm.

Đình Mỹ Hạ còn giữ được được sắc phong cổ, quý hiếm.

Cùng với Đình Mỹ Hạ, người dân xã Gia Thủy cũng tự hào có di tích Đình Ngọc Nhị, ở thôn Ngọc Nhị, nhiều năm vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của Nhân dân địa phương nói riêng và cư dân trong vùng nói chung.

Không chỉ là nơi tiến hành nghi lễ thờ cúng các vị thần, Đình còn là nơi hội họp thường xuyên của Nhân dân. Trong năm, ngoài các tuần tiết phụng tự thường xuyên, các ngày kỵ như đức Lý Thái Tổ (3/3), lễ Thượng Điền (24/6), lễ kỵ đức Đinh Tiên Hoàng Đế (12/8)… tại Đình diễn ra hai lễ lớn là lễ Thượng Nguyên (diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng) và việc làng (ngày 15/11 âm lịch). Ngoài phần lễ còn có phần hội với việc rước kiệu, tổ chức các trò chơi dân gian như đấu vật, cầu ngô, chọi gà, cờ tướng...

Đình Mỹ Hạ còn giữ được được một số hiện vật cổ, quý hiếm như chuông đồng, bộ ngai, sắc phong, long bào...

Đình Mỹ Hạ còn giữ được được một số hiện vật cổ, quý hiếm như chuông đồng, bộ ngai, sắc phong, long bào...

Bà Đinh Thị Thanh, Trưởng thôn Ngọc Nhị cho biết: Đình Ngọc Nhị được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2015. Đây là di tích có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng, góp phần làm rõ tín ngưỡng thờ cúng các vị danh nhân, anh hùng dân tộc là người Ninh Bình và gắn bó với vùng đất Ninh Bình như Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga, Lý Thái Tổ, Đức Thánh Nguyễn, Hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân.

Đồng thời, thông qua Di tích, có thể tìm hiểu về một vùng căn cứ địa của vua Đinh Tiên Hoàng buổi đầu dấy binh dẹp loạn, tìm hiểu về văn hóa thờ cúng thủy thần của cư dân ven sông Bôi. Ngoài ra, Di tích còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị, đặc biệt là 15 đạo sắc phong cổ.

Thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân địa phương nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không lấn chiếm, xâm phạm đến đất Di tích, đảm bảo nguyên vẹn giá trị lịch sử, văn hóa các di tích lịch sử.

Đình Ngọc Nhị được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh từ năm 2015.

Đình Ngọc Nhị được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh từ năm 2015.

Xã Gia Thủy có 21 di tích lịch sử-văn hóa và các điểm thờ tự, trong đó có 1 di tích Quốc gia và 1 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh việc quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa, xã Gia Thủy xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa gắn với phát triển du lịch là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di tích bằng nhiều hình thức nhằm phát huy giá trị các di tích trong sự phát triển của địa phương và của tỉnh.

Hằng năm, tại các điểm di tích, địa phương đã tổ chức các hoạt động văn hóa dịp lễ, Tết... để vừa lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa quảng bá di tích tới du khách, thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển trên địa bàn xã.

Đây cũng là dịp để Nhân dân hiến kế, hiến công tu sửa, tôn tạo, xây dựng khu di tích lịch sử ngày càng khang trang, để lễ hội ngày càng phong phú, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.

Cùng với đó, hàng năm, Ban văn hóa xã và thủ từ các di tích phối hợp với các nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa nhằm giáo dục truyền thống lịch sử quê hương cho học sinh, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hóa.

Với nhận thức sâu sắc về giá trị và tầm quan trọng của các di tích lịch sử, văn hóa đối với sự phát triển của quê hương, thời gian tới, xã Gia Thủy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa địa phương. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gia-thuy-chu-trong-cong-tac-bao-ton-phat-huy-gia-tri-cac-di-819492.htm