Giá trị từ bảo tàng ngoài công lập

Sự góp mặt ngày càng nhiều bảo tàng ngoài công lập không chỉ làm thay đổi nhận thức mà còn góp phần quan trọng trong việc lưu trữ, bảo vệ và phát huy giá trị các hiện vật, cổ vật.

Tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nội dung được giới chuyên gia quan tâm là khuyến khích hoạt động bảo tàng ngoài công lập. Điều này thể hiện rõ chủ trương giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phát huy giá trị bảo tàng luôn là vấn đề được cơ quan quản lý nhà nước dành sự quan tâm. Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa được đặt mục tiêu trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra với phát triển du lịch văn hóa có gắn với các bảo tàng.

Du lịch bảo tàng được xem như con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc. Việt Nam cũng đã hình thành nhiều thương hiệu, điểm đến bảo tàng thu hút, được một số trang web nổi tiếng của thế giới xếp vào danh sách bảo tàng hấp dẫn nhất của khu vực châu Á.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thu hút học sinh, sinh viên đến học tập, tìm hiểu. Ảnh: THU HÀ

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thu hút học sinh, sinh viên đến học tập, tìm hiểu. Ảnh: THU HÀ

Tại Hà Nội, các nhà chuyên môn cũng không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự tấp nập du khách đến với các di tích, bảo tàng thời gian gần đây. Những chuyển biến về diện mạo, hình thức hoạt động cũng như cách thức đến gần hơn với công chúng ngày càng rõ nét, xóa đi hình dung về cảnh tượng bảo tàng đìu hiu, thưa khách.

Cùng với hệ thống bảo tàng công lập, thực tế cho thấy, hoạt động của bảo tàng ngoài công lập ngày càng góp phần lưu trữ, bảo tồn, lan tỏa khối lượng lớn hiện vật, cổ vật. Sự góp mặt của bảo tàng ngoài công lập đang mở ra xu thế mới, tạo nên sự đa dạng cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa.

Điểm tên những địa chỉ bảo tàng ngoài công lập nhiều sức hút tại Việt Nam có thể nhắc đến: Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, Ký ức chiến tranh Hà Nội, Bảo tàng Tiền tệ Việt Nam, Gốm sứ Hà Nội, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, Bảo tàng Thế giới cà phê, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, Không gian văn hóa Mường, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh...

Hạn chế thất thoát cổ vật

Phần lớn bảo tàng ngoài công lập mới ra đời trong khoảng trên dưới 10 năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều địa chỉ đã trở thành điểm lựa chọn được ưu tiên của không ít du khách. Nhiều điểm đến văn hóa thu hút khách du lịch cũng đã được hình thành từ các địa chỉ này.

Theo dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), bảo tàng ngoài công lập được quy định do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác. Nhiệm vụ của các bảo tàng tại dự luật cũng được quy định cho cả các bảo tàng công lập và ngoài công lập.

Đồng thời, để khuyến khích hoạt động bảo tàng ngoài công lập, dự luật sửa đổi cũng quy định về điều kiện cấp phép. Theo đó, bảo tàng ngoài công lập để được cấp phép hoạt động cần có sưu tập theo một hoặc nhiều chủ đề; có trưng bày phục vụ khách tham quan; có đề án tổ chức và hoạt động...

Sự tồn tại của bảo tàng ngoài công lập là một nhu cầu thực tế, hướng đến các đối tượng đa dạng, với quy mô, cách thức hoạt động và sức hút công chúng riêng. PGS, TS Đặng Văn Bài từng nhận định cách đây nhiều năm, trong tương lai, số lượng bảo tàng tư nhân ở Việt Nam sẽ dần tăng, có thể nhiều hơn so với bảo tàng công lập.

Đó không chỉ là xu thế phát triển trên thế giới mà còn là điều kiện tốt để công chúng tiếp cận với giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Để có được điều này cần sự phối hợp nhiều hơn nữa giữa các cơ quan quản lý nhà nước với bảo tàng tư nhân.

Phương án lý tưởng là nên kết hợp đưa những sự kiện văn hóa lớn đến với bảo tàng tư nhân, đồng thời tổ chức các cuộc vận động hiến tặng cổ vật để huy động nguồn lực từ cộng đồng. Cùng với đó, có thể xem xét việc tập hợp các bộ sưu tập của nhiều bảo tàng tư nhân tổ chức trưng bày luân phiên theo chuyên đề để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Theo nhận định từ các chuyên gia, hệ thống bảo tàng ngoài công lập không hề khiêm tốn trong việc lưu giữ những sưu tập hiện vật phong phú, hấp dẫn, góp phần phản ánh sự đa dạng của lịch sử, văn hóa dân tộc. Bằng niềm đam mê, tiềm lực tài chính, nhiều bảo tàng tư nhân đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động nguồn lực xã hội để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/gia-tri-tu-bao-tang-ngoai-cong-lap-5008653.html