Giá trị vô hình đằng sau mỗi tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon không chỉ bao hàm giá trị giảm phát thải khí nhà kính, mà còn đi kèm những giá trị về lịch sử, văn hóa, nhân văn, tâm linh và sinh kế.

Nhận quản lý hàng trăm ha rừng đầu nguồn sông Ngàn Phố trong tình trạng hoang tàn, là hang ổ của buôn lậu, ma túy, nạn chặt phá cây, giết hại thú rừng, TS. Trần Thị Lành dành hơn 20 năm để phục dựng lại hệ sinh thái, hồi sinh cánh rừng, con sông và “gọi” muông thú quay trở lại sinh sống.

Tuy nhiên, bà Lành không nhận mình là người trồng rừng. “Rừng không trồng được. Rừng không phải chỉ là cây. Rừng là cả một kho tàng về trí tuệ, minh triết, về phong tục tập quán”, bà Lành nói với TheLEADER.

Chính vì vậy, dù hào hứng với tín chỉ carbon nhưng bà Lành tin rằng, giá trị của rừng không chỉ đến từ tín chỉ carbon. Thay vào đó, tín chỉ carbon là công cụ để ghi nhận những giá trị của rừng, những giá trị gần gũi, mộc mạc nhưng cũng chứa đựng nhiều bí mật.

Bí mật của rừng

Hào hứng kể về mối duyên với rừng, bà Lành kể lại giai đoạn đầu những năm 1990, tình cờ gặp hai người phụ nữ dân tộc thiểu số, có đời sống gắn liền với rừng. Nụ cười của họ đầy lạc quan, sáng bừng lên giữa khung cảnh nghèo nàn, nheo nhóc, khiến bà Lành, khi đó là còn là cô gái người Kinh da trắng tóc dài, vô cùng cảm phục.

Cũng hình ảnh hai nụ cười đó khiến bà Lành đi sâu vào tìm hiểu và tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ, kết nối cộng đồng phụ nữ dân tộc thiểu số. Bà nhận ra, nhiều giá trị tích cực của đồng bào dân tộc đến từ những cánh rừng.

TS. Trần Thị Lành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách sinh thái xã hội.

TS. Trần Thị Lành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách sinh thái xã hội.

Rừng là “bệnh viện”, bà Lành cho biết, là nơi người dân tộc tìm ra loài cây, cỏ dùng làm thuốc an thai, làm nước tắm cho trẻ sơ sinh hay chữa chảy máu, đau bụng.

Rừng cũng là “siêu thị” là nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu cho cái quần, cái áo, cái gùi, cái váy được bà con sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Rừng cũng là một “trường đại học”, bởi kho tàng kiến thức đồ sộ về rừng được người bà, người mẹ truyền cho con cháu, được lưu giữ mãi về sau.

“Tôi thấy rừng tuyệt vời quá, nên tôi phải gắn bó với rừng thôi”, bà Lành nói.

Trong văn hóa của đồng bào dân tộc Việt Nam, rừng rất đỗi thiêng liêng. Một số cộng đồng Hmong định sẵn khu vực rừng tâm linh, gọi là “rừng Nào lòng”. Trong rừng Nào lòng, những hành động được coi là không sạch sẽ, cho dù là đi tiểu tiện, cũng là điều không thể vì bất kính với thần rừng.

Hay đối với cộng đồng người Cơ Tu, rừng được gọi là mẹ còn những cây cổ thụ được coi như những vị thần. Họ đặt quy định rõ ràng rằng chỉ được khai thác, săn bắn hay làm nương rẫy ở những khu vực rừng được cho phép.

Còn nhiều những quan niệm kỳ bí về rừng của các cộng đồng dân tộc thiểu số nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm: Rừng là của chung, của cả cộng đồng. Hành vi xâm phạm rừng là sai trái và bị cấm vì có thể gây ra tai họa cho cả buôn làng.

Những minh triết về rừng sau này được bà Lành áp dụng tại khu vực rừng đầu nguồn sông Ngàn Phố.

Với tâm thế phục dựng những giá trị của rừng, thuyết phục chính những người đã từng tham gia tàn phá khu rừng quay trở lại ươm mầm cây, bảo vệ và phụng dưỡng rừng. Ngoài ra, các hộ gia đình trong khu vực cũng được hỗ trợ sinh kế thông qua khai thác dược liệu dưới tán rừng hay canh tác ở phần ruộng được cho phép trồng cây sản xuất.

Nhờ vậy, rừng được hồi sinh không chỉ qua những cái cây được mọc lên, mà còn hồi sinh trong tâm thức của cộng đồng, khi tình yêu rừng quay trở lại.

Hệ sinh thái Rừng - Rẫy - Ruộng tại khu rừng đầu nguồn sông Ngàn Phố.

Hệ sinh thái Rừng - Rẫy - Ruộng tại khu rừng đầu nguồn sông Ngàn Phố.

Kế đó, bà Lành xây dựng triết lý theo dõi và chăm sóc rừng đầu nguồn dựa trên hệ sinh thái tuần hoàn sinh – địa – hóa, quản trị các dòng năng lượng mặt trời, gió và nước, trên nguyên tắc tôn trọng đặc thù địa hình và tính đa dạng hệ sinh thái.

Ngoài ra, với các mạng lưới kết nối các cộng đồng dân cư rừng, bà Lành phát triển chương trình đào tạo phát triển nông nghiệp sinh thái rừng dựa trên phương thức canh tác truyền thống và phong tục cúng rừng của các tộc người dọc lưu vực sông Mekong. Qua đó, tri thức bản địa về rừng được lưu giữ và giàu lên nhờ sự giao thoa và học hỏi lẫn nhau.

Khu rừng đầu nguồn sông Ngàn Phố với hệ sinh thái đa dạng động thực vật mở ra cơ hội lớn để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Hào hứng với tín chỉ carbon, bà Lành tin rằng đây không chỉ là công cụ giúp tăng thu nhập cho chủ rừng, mà còn là động lực để nhiều hơn nữa các cá nhân, tổ chức quan tâm tới rừng, tới công tác phụng dưỡng rừng.

Giảm phát thải hay triết lý sinh tồn vùng sông nước?

Anh hùng lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ giống gạo ST25 ngon nhất thế giới, lại nhìn ra cơ hội tạo tín chỉ carbon từ thực hành nông nghiệp bền vững, điển hình là mô hình lúa – tôm tại bán đảo Cà Mau, được ông Cua giới thiệu tại Diễn đàn Net Zero 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, do Viện Tư vấn phát triển (CODE) và Tạp chí điện tử Nhà quản trị (TheLEADER) phối hợp tổ chức.

Anh hùng lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua tại Diễn đàn Net Zero 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Hoàng Anh

Anh hùng lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua tại Diễn đàn Net Zero 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Hoàng Anh

Thực chất, mô hình lúa – tôm không mới. Đó là mô hình đã tồn tại nhiều năm ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi người dân phải loay hoay tìm cách duy trì sinh kế trước những đợt những đợt hạn mặn.

Mô hình lúa – tôm đơn giản là việc bà con nông dân tận dụng nước nhiễm mặn vào mùa khô để nuôi tôm, đợi mùa nước về để trồng lúa. Canh tác luân phiên như vậy đem lại hiệu quả kinh tế cao, tránh được thiệt hại do hạn mặn.

Cũng chính lúa – tôm là minh chứng sống cho triết lý “thuận thiên”, sau này được Chính phủ khái quát trong Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Thuận thiên” tiếp tục được cụ thể hóa tại quy hoạch tổng thể vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2050, với quan điểm coi nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên và chia miền Tây thành ba tiểu vùng sinh thái rõ ràng, có định hướng riêng để phát triển từng loại hình nông nghiệp.

Tại bán đảo Cà Mau, mô hình của ông Cua và các cộng sự triển khai dựa trên sáng kiến luân canh lúa – tôm, kết hợp với “công cụ” là gạo ST25 ngon nhất thế giới và những kiến thức canh tác dựa vào thien nhiên của vị kỹ sư gắn bó với nông nghiệp miền Tây suốt nửa thế kỷ.

Phối hợp với các cơ quan liên quan và bà con nông dân, ông Cua triển khai canh tác trên nguyên lý “cây khỏe” nhờ “đất khỏe” và “không gian sống hài hòa”.

Các giải pháp như rút khô (rút cạn nước trên ruộng vào giữa mùa và cuối mùa) ông Cua được áp dụng để đẩy mạnh vòng tuần hoàn vi sinh, bổ sung dưỡng chất cho đất, hay bảo vệ loài thiên địch để diệt sâu hại, bảo vệ cây lúa một cách tự nhiên.

Nhờ đó, hàng ngàn ha lúa được canh tác theo tiêu chí xanh của Bộ Nông nghiệp và môi trường, bao gồm giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm nước tưới và giảm thuốc trừ sâu.

Giảm vật tư đầu vào hiển nhiên là làm giảm chi phí. Cộng thêm lúa ngon, tôm khỏe vì không nhiễm hóa chất, bán được giá cao, ông Cua và các cộng sự giúp bà con nông dân tăng gấp đôi thu nhập.

Đó là chưa kể đến nguồn lợi từ tín chỉ carbon, có thể sắp trở thành hiện thực khi Chính phủ đang gấp rút thực hiện các giải pháp thí điểm thị trường carbon trong thời gian sớm nhất.

“Thương hiệu” cho tín chỉ carbon

Bà Betty Pallard tại Diễn đàn Net Zero 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Hoàng Anh.

Bà Betty Pallard tại Diễn đàn Net Zero 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Hoàng Anh.

Lượng giảm phát thải trong mô hình của bà Lành, ông Cua có thể được tính toán theo các công cụ có sẵn trên thế giới. Ngoài ra, nhiều tổ chức, như Viện CODE, cũng đang nghiên cứu phương pháp tính toán tín chỉ carbon phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Tuy nhiên, khó lòng đo đếm được những giá trị đi kèm. Đó là giá trị tâm linh, văn hóa cộng đồng tôn trọng rừng tại khu rừng bà Lành quản lý, giá trị văn minh nông nghiệp và nhân văn nơi cánh đồng lúa – tôm của ông Cua.

Đó còn là hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện truyền cảm hứng của những rặng san hô, những cánh rừng ngập mặn, hay những chương trình giảm phát thải trên cơ sở hỗ trợ bà con vùng cao nâng cao hiệu quả sinh kế và chất lượng cuộc sống.

“Tín chỉ carbon cần thương hiệu”, bà Betty Pallard, CEO ESG Climate Consulting, nhấn mạnh tại Diễn đàn Net Zero 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới.

Thương hiệu đó có thể được xây dựng thông qua kể lại những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa, con người Việt Nam gắn với những dự án giảm phát thải, tôn tạo tự nhiên. Theo bà Betty Pallard, có nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới đang quan tâm đến những giá trị này, thay vì chỉ tập trung vào khía cạnh kỹ thuật.

Đây cũng là cách Việt Nam có thể bán được tín chỉ carbon với giá cao, đem lại lợi nhuận tương xứng với những giá trị đằng sau mỗi tín chỉ carbon.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/gia-tri-vo-hinh-dang-sau-moi-tin-chi-carbon-d41233.html