Giải mã sức mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam

Bài 3:
NGHỆ THUẬT NGHI BINH ĐỘC ĐÁO

BPO - Nghi binh là hành động tác chiến giống như thật, khiến đối phương không nhận ra ý đồ, dẫn đến mất chủ động trong đối phó và thất bại. Trong quân sự, nghi binh là một biện pháp của tạo thế, tạo ra thời để đánh bại địch nhanh, hiệu quả. Nghi binh độc đáo là nghệ thuật quân sự đặc sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Ngay sau khi ra đời, đội đã nhanh chóng củng cố tổ chức, xây dựng quyết tâm, luyện tập chiến đấu và dựa vào nhân dân để thực hành đánh trận đầu tiên. Mục tiêu được chọn là 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngần của địch thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ngày 25-12-1944, toàn đội chia thành 2 tiểu đội, cải trang làm lính dõng đi tuần dùng mưu tập kích chiếm trọn đồn Phai Khắt. Tiếp đó, ngày 26-12, đội đóng giả toán lính tuần tra, bất ngờ tập kích diệt gọn đồn Nà Ngần của địch. Kết quả trận đầu, ta đã hạ 2 đồn địch, diệt 5 tên, bắt sống 34 tên, thu 34 súng cùng đạn dược và một số đồ quân dụng.

Chiến thắng của lần xuất trận đầu tiên (Phai Khắt, Nà Ngần) tuy quy mô không lớn nhưng ý nghĩa của thắng lợi đó lại rất to lớn cả về chính trị và quân sự, mở đầu truyền thống đánh thắng ngay từ trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong chiến khu Cao - Bắc - Lạng và cả nước.

Ngoài vận dụng chiến thuật phù hợp, thắng lợi của 2 trận đầu ra quân thể hiện một số nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam, đó là nghệ thuật nghi binh, lừa địch.

Nghệ thuật nghi binh, lừa địch cũng đã được quân, dân tỉnh Bình Phước sử dụng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Quân giải phóng trước giờ xuất quân tiến công cứ điểm Lộc Ninh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 - Ảnh tư liệu

Quân giải phóng trước giờ xuất quân tiến công cứ điểm Lộc Ninh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 - Ảnh tư liệu

Trước khi ta mở Chiến dịch Nguyễn Huệ (năm 1972), địch phán đoán, trên toàn miền, quân ta mở hoạt động trên 3 hướng chính là tuyến biên giới, Bắc Tây Nguyên và Bắc Tây Ninh. Lúc đó, thế bố trí chiến lược của địch ở miền Đông Nam Bộ được điều chỉnh theo hướng phòng ngự từ xa, lấy đường số 22 làm hướng phòng ngự chủ yếu với 10 trung đoàn bộ binh và 4 thiết đoàn. Trên hướng đường số 13, địch bố trí lực lượng ít hơn với 2 trung đoàn bộ binh. Trên hướng Đông Nam Sài Gòn, chỉ còn Chiến đoàn 48 của Sư đoàn 18.

Từ những nhận định sai lầm và thế bố trí của địch, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng lực lượng tiến công trước trên hướng thứ yếu là đường số 22 ở khu vực Xa Mát - Thiện Ngôn, thu hút lực lượng, nghi binh đánh lạc hướng địch, tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu của chiến dịch bí mật hành quân chiếm lĩnh, hình thành thế bao vây chia cắt địch ngay từ đầu trên hướng chủ yếu đường số 13. Sau đó, tập trung binh hỏa lực bất ngờ tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh; tổ chức diệt viện và phát triển tiến công theo đường số 13 về phía Nam.

Trước giờ ta nổ súng mở màn chiến dịch, tình báo địch vẫn báo về “phát hiện thấy có xe bọc thép của đối phương ở khu vực Bắc Tây Ninh dọc lộ 22” nên quân ngụy tập trung sự chú ý vào hướng Xa Mát, chuyển từ báo động “vàng” sang báo động “đỏ”.

Ngày 1-4-1972, Chiến dịch Nguyễn Huệ mở màn. Lực lượng chủ lực miền từ biên giới bí mật di chuyển về phía Nam, hình thành thế bao vây chia cắt, bất ngờ mở màn bằng trận then chốt trên hướng nghi binh tại khu vực Xa Mát nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ đường số 22, thu hút địch về hướng thứ yếu, tạo điều kiện tập trung lực lượng cho trận quyết chiến tiêu diệt Chi khu Lộc Ninh, giải phóng huyện, phát triển thế tiến công về Bình Long. Ta đã làm cho địch nhận định sai lầm về quy mô, địa bàn tác chiến, thu hút sự tập trung của địch trên hướng thứ yếu, tạo sơ hở trên hướng chủ yếu. Từ đó, buộc địch phải phân tán một số lực lượng nhất định ra hướng đường số 22, tạo sơ hở trên hướng chính đường số 13. Nghệ thuật nghi binh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ có sự tham gia của lực lượng vũ trang Bình Phước đã làm cho đối phương không chỉ bất ngờ và bị động lúc đầu mà trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, binh hỏa lực của địch không tập trung được do bị ta bao vây, chia cắt, buộc chúng phải phân tán đối phó ở nhiều khu vực. Nghệ thuật nghi binh, giành quyền chủ động chiến dịch còn tạo thế cho ta kìm giữ, uy hiếp được một lực lượng địch quan trọng và phối hợp hiệu quả với các chiến trường khác.

Chiến dịch Đường 14 - Phước Long diễn ra trong thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1974-1975), là trận đụng độ quân sự giữa quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân lực Việt Nam cộng hòa diễn ra trên địa bàn tỉnh Phước Long (nay là Bình Phước). Để giữ bí mật ý định hành động của ta trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch cũng như kế hoạch chiến lược trong năm 1975, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương đẩy mạnh hoạt động nghi binh của Sư đoàn 9, một bộ phận của Sư đoàn 7 và lực lượng vũ trang địa phương trên đường số 7, đường số 16 nhằm thu hút sự chú ý của Quân đoàn 3 ngụy. Tận dụng sơ hở của địch, các lực lượng chiến dịch bí mật triển khai hình thành thế trận hiểm hóc, vững chắc trên các hướng. Trong khi địch bị thu hút về hướng Bù Đốp và tập trung lo phòng giữ Tây Ninh, với thế trận được triển khai từ trước, ta nhanh chóng bao vây, tiến công Chi khu quân sự Đồng Xoài.

Một trong những đỉnh cao của nghệ thuật nghi binh là Chiến dịch Tây Nguyên đầu năm 1975. 14 giờ ngày 28-2-1975, trận đánh nghi binh lừa địch mở màn Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Các loại hỏa lực của Sư đoàn 968 đồng loạt bắn phá các mục tiêu: Thị xã Pleiku, sân bay Cù Hanh, Căn cứ Hàm Rồng, thị xã Kon Tum, sau đó bộ binh tiến công địch trên cả 2 hướng Kon Tum và Pleiku. Trên phía Tây đường 19, hỏa lực ta, đặc biệt là pháo 85 bắn thẳng nhằm vào từng lô cốt, nhà ở của địch ở Đồn Tầm nổ súng, sau đó pháo, cối, ĐKZ đánh phá các mục tiêu còn lại… Kết quả là sáng 3-3-1975, địch vội vã điều Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 từ Ea H’leo tức tốc về lại thị xã Pleiku. Thế là toàn bộ chủ lực Quân đoàn 2 địch đã bị giữ chắc ở Bắc Tây Nguyên. Điều đáng nói là, mãi đến ngày 8 và 9-3, khi ta đánh vào quận lỵ Thuần Mẫn và quận lỵ Đức Lập, khiến Buôn Ma Thuột bị “lộ sáng” địch vẫn không đoán biết được ý đồ tác chiến. Đến 4 giờ sáng 10-3, khi xe tăng của ta tiến vào Buôn Ma Thuột thì đã quá muộn.

Hoạt động nghi binh là nội dung then chốt hàng đầu của mưu kế đánh địch và là một trong những biện pháp tác chiến quan trọng của chiến dịch tiến công. Trong điều kiện chiến tranh hiện đại ngày nay, nghệ thuật nghi binh lừa địch vẫn tiếp tục được quân đội ta nghiên cứu, vận dụng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/166702/giai-ma-suc-manh-quan-doi-nhan-dan-viet-nam