Giải pháp nào phát triển du lịch quà tặng?

Thông qua việc tổ chức Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô giới thiệu ẩm thực, quà tặng tới du khách qua đó thu hút khách thời điểm cuối năm. Đồng thời hỗ trợ các làng nghề sản xuất tiêu thụ sản phẩm phục một cách hiệu quả, chuyên nghiệp.

Khám phá văn hóa Hà Nội sau mỗi thức quà

Với chủ đề “Thức quà Hà Nội”, lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2024 phát triển loại hình du lịch trải nghiệm ẩm thực quà tặng, một hình thức du lịch mới tại nhiều quốc gia. Du khách sẽ được trải nghiệm các món ẩm thực đặc trưng của Hà Nội, nhất là những thức quà mùa thu, khám phá câu chuyện văn hóa của Hà Nội sau mỗi thức quà.

Du khách tiếp cận sản phẩm làng nghề tại Lễ hội quà tặng du lịch 2023. Ảnh: Hoài Nam

Du khách tiếp cận sản phẩm làng nghề tại Lễ hội quà tặng du lịch 2023. Ảnh: Hoài Nam

Chính vì vậy lễ hội thu hút 100 đơn vị tham gia lễ hội, trong đó có hơn 20 gian hàng ẩm thực và nhiều không gian check-in cho du khách. Nhiều sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Hà Nội sẽ được giới thiệu tại lễ hội như: Cốm, bánh cuốn Thanh Trì, bánh mì Phố, phở cuốn Hương Mai, kẹo lạc Đường Lâm, chè kho, bia hơi Hà Nội, nem, mứt sen, bánh chả... Chị Vũ Thị Phúc, cơ sở cốm Mộc Lam của làng Mễ Trì, cho biết, tham gia lễ hội, cơ sở giới thiệu các sản phẩm cốm gia truyền Hà Nội như: Cốm tươi, xôi cốm, cốm xào…

Lễ hội Quà tặng du lịch năm nay còn quảng bá các sản phẩm quà tặng du lịch của các làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch thương hiệu Việt tới du khách. Là một trong những nghệ nhân tham gia lễ hội quà tặng lần này, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát (làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) cho biết, trong thời gian diễn ra lễ hội, tôi đã mang những tác phẩm độc bản để giới thiệu tới du khách tinh hoa làng nghề cũng như nét văn hóa đặc trưng của vùng Bắc Bộ.

Giới thiệu quà tặng tới du khách tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Hoài Nam

Giới thiệu quà tặng tới du khách tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Hoài Nam

Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Sử thuộc Chi hội Làng nghề - làng cổ - làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội) cho biết: sẽ giới thiệu hàng trăm mẫu sản phẩm làm từ sừng của làng nghề Thụy Ứng (Thường Tín). Trong đó có nhiều mẫu quà tặng mới như dụng cụ làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, trang sức được làm bằng sừng… đang rất được du khách ưa chuộng.

”Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội tạo cơ hội lớn để những cơ sở sản xuất quà tặng được tiếp cận với đông đảo du khách, góp phần giới thiệu, quảng bá những sản phẩm quà tặng phong phú, đa dạng của Thủ đô”- ông Sử chia sẻ.

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, Lễ hội quà tặng Du lịch 2024 không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các làng nghề, nghề truyền thống mà còn là điều kiện và cơ hội để tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ. Qua đó trở thành cầu nối giúp các nghệ nhân, các làng nghề, các doanh nghiệp du lịch trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó hướng đến mục tiêu trở thành ngành công nghiệp quà tặng du lịch.

Phương án nào phát triển du lịch quà tặng?

Theo các chuyên gia du lịch mặc dù Hà Nội có 1.350 làng nghề với nhiều sản phẩm quà tặng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tính biểu trưng chưa cao nên khó thu hút du khách mua khi đến Hà Nội.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng chia sẻ, Hà Nội được biết đến là vùng đất trăm nghề nhưng hiện các sản phẩm quà lưu niệm vẫn na ná nhau, không có điểm nhấn. “Ở đâu người ta cũng thấy những áo phông, cốc chén, nón lá, móc khóa... với hình ảnh cô gái mặc áo dài, xích lô, gánh hàng rong hay các hoa văn, họa tiết thổ cẩm nên nhiều du khách “bỏ cuộc”- ông Thắng nêu ví dụ.

Du khách tiếp cận sản phẩm lưu niệm tại Lễ hội quà tặng du lịch 2023. Ảnh: Hoài Nam

Du khách tiếp cận sản phẩm lưu niệm tại Lễ hội quà tặng du lịch 2023. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, mặc dù nhu cầu mua đồ lưu niệm khi đến Hà Nội của du khách rất lớn, nhưng các làng nghề chủ yếu sản xuất phục vụ xuất khẩu chưa chú trọng khai thác thị trường ngách trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Theo Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Ngọc Châu Á Tiến Thành Định, nhiều năm qua, các công ty du lịch không có nhiều lựa chọn khi tìm mua quà tặng cho khách nước ngoài. Nguyên nhân là bởi các làng nghề, điểm đến vẫn loay hoay trong phát triển sản phẩm quà tặng do chưa có định hướng về nhận diện thương hiệu nên khó tạo được chú ý cho du khách.

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm quà tặng, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị sự kiện (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) TS Trịnh Lê Anh cho rằng, để các món quà tặng Hà Nội lưu giữ trong tâm trí du khách thì nhà sản xuất phải có những câu chuyện văn hóa gắn với sản phẩm. Từ đó, chạm vào cảm xúc của du khách, kích thích nhu cầu mua sắm của khách.

Chia sẻ từ thực tế của làng cổ Đường Lâm về xây dựng và phát triển quà tặng cho du khách, Trưởng Ban quản lý làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đường Thạo cho biết, để khắc phục yếu điểm này, trong thời gian qua, Đường Lâm đã phối hợp với một số nghệ nhân, tạo các lớp trải nghiệm mỹ thuật truyền thống như nghệ thuật sơn mài, làm gốm… Tạo điều kiện cho du khách trực tiếp tham gia trải nghiệm vẽ mỹ thuật trên ngói cổ, cánh cửa cũ... và mang những sản phẩm đó về làm kỷ niệm.

Du khách tiếp cận sản phẩm quà tặng tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Hoài Nam

Du khách tiếp cận sản phẩm quà tặng tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Hoài Nam

Hiến kế để sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch của Hà Nội phát triển, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) Lê Bá Ngọc đề xuất, Hà Nội phải xác định được sản phẩm nào bán cho đối tượng nào để có sản phẩm phù hợp mang thông điệp của Hà Nội. Bên cạnh việc xây dựng kênh tiêu thụ trực tiếp tại các tuyến phố trung tâm, làng nghề nên tận dụng thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới du khách quốc tế.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang kỳ vọng để phát triển loại hình du lịch quà tặng thời gian tới các nghệ nhân, nhà cung ứng cần sáng tạo sản phẩm đặc trưng của Hà Nội thay vì cho sản phẩm thông thường. "Một sản phẩm quà tặng cho khách du lịch nên mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, tinh thần được thiết kế nhỏ gọn, sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu thì khách du lịch sẽ nhớ mãi về sản phẩm, về điểm đến chứ không chỉ dừng lại giữa việc mua và bán”- Giang nêu rõ.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-phap-nao-phat-trien-du-lich-qua-tang.html