Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường bị đề nghị đến 16 năm tù
Ngày 22-4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử Nguyễn Ngọc Phương (Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường và 12 bị cáo về tội 'Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới' và 'Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng'.
Luận tội các bị cáo, Viện kiểm sát (VKS) khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Theo VKS, hành vi lập khống hồ sơ vay vốn ngân hàng gây thiệt hại đặc biệt lớn. Các hành vi làm giả tài liệu, lập khống hợp đồng chuyển tiền đã xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước…
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng và một số tự nguyện khắc phục nên được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa
VKS cũng đánh giá, trong vụ án, các bị cáo là nhân viên dưới quyền, cả nể, làm công ăn lương, không nghĩ đến hậu quả phải chịu và làm theo chỉ đạo của bị cáo Phương. Do đó, VKS đã xem xét, đánh gá vai trò, thái độ khai báo, nhận thức của các bị cáo.
Sau khi phân tích tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo,VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Phương từ 6 - 7 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và từ 8 - 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Tổng hợp hình phạt là từ 14 - 16 năm tù.
Liên quan, Đinh Thị Diệu Thúy (Giám đốc nhân sự Công ty Lotte P&D Việt Nam) bị đề nghị mức án 36 - 42 tháng tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và 2 - 3 năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt là từ 4 năm đến 5 năm 6 tháng tù.

Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường - bị cáo Nguyễn Ngọc Phương
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án thấp nhất 30 tháng tù và cao nhất đến 8 năm tù về một trong hai tội danh nêu trên.
Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Ngọc Phương thành lập 7 doanh nghiệp trong nước gồm: Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường (Vàng Phú Cường), Công ty quốc tế DPC, Công ty Lăng Nguyên, Công ty DPC Hà Nội, Công ty Giá Diệp, Công ty Aqua-com, Công ty Đông Đa.
Hệ thống doanh nghiệp của Phương ở nước ngoài là 3 công ty tại Hồng Kông (Trung Quốc) gồm: Công ty Louis, Công ty International và Công ty Global.
Từ năm 2014 đến 2018, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo cấp dưới là Phạm Thị Thu Thủy, Đinh Thị Diệu Thúy phối hợp tính toán số tiền cần vay trong mỗi hợp đồng tín dụng, số tiền cần chuyển ra nước ngoài để cân đối lập khống hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân, hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Sau khi trao đổi và thống nhất chủ trương vay vốn tại các ngân hàng, Phương giao Thủy làm việc trực tiếp với cán bộ ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn, giải ngân. Trên cơ sở làm việc với ngân hàng, Phạm Thị Thu Thủy trao đổi với Đinh Thị Diệu Thúy về số tiền được giải ngân để lên phương án lập khống hồ sơ rồi chuyển tiền ra nước ngoài.
Để hợp thức hồ sơ nhập khẩu, Đinh Thị Diệu Thúy làm giả hồ sơ hải quan nộp cho ngân hàng nhằm giải ngân và thanh toán quốc tế với số tiền còn lại theo mỗi hợp đồng nhập khẩu, tạm nhập tái xuất.
Tổng cộng, các bị cáo đã chuyển trái phép 148 lượt tiền ra nước ngoài thông qua nhiều tổ chức tín dụng. Tổng số tiền tệ chuyển trái phép là hơn 214 triệu USD, tương đương hơn 4.719 tỷ đồng.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa
Ngoài hành vi chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài, Giám đốc Công ty Vàng Phú Cường còn chuyển trái phép tiền từ nước ngoài về Việt Nam bằng cách sử dụng 3 công ty ở Hồng Kông chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân của bản thân và vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Nga, cũng như một số tài khoản của cá nhân, doanh nghiệp...
Sau đó, Phương cho rút ngoại tệ, quy đổi sang VNĐ để trả nợ các khoản vay đến hạn của ngân hàng và sử dụng vào việc kinh doanh, việc cá nhân khác.
Số tiền bị cáo Phương và đồng phạm chuyển từ ngoài về Việt Nam là hơn 212 triệu USD, tương đương hơn 4.773 tỷ đồng.
Viện kiểm sát xác định, Nguyễn Ngọc Phương có vai trò chủ mưu, cầm đầu, vận chuyển tiền trái phép qua biên giới (chuyển từ Việt Nam sang Hồng Kông và ngược lại) với tổng số tiền hơn 426 triệu USD, tương đương hơn 9.492 tỷ đồng.