Giảm mạnh do thuế đối ứng, PMI tháng 4 của Việt Nam thấp gần nhất ASEAN
Trong tháng 4, PMI ngành sản xuất của Việt Nam thấp hơn mức trung bình ASEAN là 48,7 điểm và thấp hơn hầu hết các quốc gia trong ASEAN-6, gồm: Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Theo báo cáo từ S&P Global, trong tháng 4, PMI ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận chỉ đạt 45,6 điểm, giảm tới 4,9 điểm so với mốc 50,5 điểm của tháng 3.
So với khu vực, PMI ngành sản xuất của Việt Nam thấp hơn mức trung bình ASEAN là 48,7 điểm và thấp hơn hầu hết các quốc gia trong ASEAN-6, gồm: Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

PMI ngành sản xuất một số quốc gia ASEAN tháng 4. (Nguồn: S&P Global).
Cụ thể, Singapore là quốc gia có chỉ số PMI ngành sản xuất cao nhất ASEAN khi đạt tới trên 53 điểm và là một trong hai quốc gia có chỉ số PMI tăng trong tháng 4.
Trong tháng 4, Philippines là quốc gia đứng thứ hai ASEAN khi đạt tới 53 điểm, tăng vọt từ mức 49,4 điểm trong tháng 3 - mức thấp nhất trong 43 tháng cho thấy sức khỏe ngành sản xuất nước đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Đứng thứ ba là Thái Lan với mức PMI ngành sản xuất đạt 49,5 điểm, giảm nhẹ từ mức 49,9 điểm trong tháng 3. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp Thái Lan nằm ở mức ngưỡng 50 điểm song khoảng cách mới mốc này không quá xa như Việt Nam.
Malaysia là quốc gia đứng thứ 4 trong ASEAN với chỉ số PMI tháng 4 đạt 48,6 điểm, giảm nhẹ so với mức 48,8 điểm hồi tháng 3. Mặc dù không tụt xuống mốc thấp như Việt Nam, song chỉ số PMI ngành sản xuất của Malaysia cũng không hoàn toàn tích cực khi nhiều tháng nằm dưới ngưỡng 50 điểm.
Đứng thứ 5 trong số các quốc gia mà S&P Global công bố chỉ số PMI là Indonesia với mức điểm PMI tháng 4 đạt 46,7 điểm giảm mạnh so với mốc 52,4 điểm của tháng trước.
Tiếp đến là Việt Nam, với 45,6 điểm Việt Nam chỉ xếp thứ 6 trong số các 7 quốc gia ASEAN và thấp hơn đáng kể mức PMI trung bình toàn khu vực là 48,7 điểm.
Sau khi đạt gần chạm ngưỡng 50 điểm vào tháng 3 khi đạt 49,8 điểm PMI, sang tháng 4 Myanmar là quốc gia có "cú rơi" tương tự Việt Nam khi tụt xuống chỉ còn 45,3 điểm, thấp nhất trong 7 quốc gia ASEAN được S&P Global công số chỉ số PMI.
Có thể thấy, Indonesia, Việt Nam và Myanmar là ba quốc gia có chỉ số PMI tháng 4 đột ngột giảm mạnh do tác động của thuế đối ứng, PMI tháng 4. ba quốc gia này lần lược giảm 5,7 điểm, 4,9 điểm và 4,5 điểm so với tháng 3.
Niềm tin kinh doanh thấp nhất từ tháng 7/2020

Ngành sản xuất Việt Nam. (Ảnh: MOIT).
Đánh giá chung về ngành sản xuất khu vực ASEAN, S&P Global cho rằng, sức khỏe của ngành sản xuất ASEAN tiếp tục xấu đi vào đầu quý II. Đợt suy giảm mới được ghi nhận cho cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, từ đó kết thúc chuỗi tăng trưởng kéo dài lần lượt là 13 và 6 tháng.
Ngoài ra, trong bối cảnh yêu cầu sản xuất giảm, các công ty cũng giảm hoạt động mua nguyên liệu đầu vào và tuyển lao động.Tương tự như đối với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng, tốc độ giảm mua nguyên liệu đầu vào đang tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/2021.
Việc làm cũng ghi nhận giảm tháng thứ hai liên tiếp, và mức giảm trong tháng 4 là đáng kể hơn một chút so với tháng 3. Số lượng nhân công bị cắt giảm nhẹ, nhưng tốc độ giảm là mạnh nhất kể từ tháng 4/2024.
Báo cáo từ S&P Global cũng chỉ ra, hoạt động mua nguyên vật liệu giảm khiến tồn kho hàng hóa đầu vào giảm lần đầu trong ba tháng. Áp lực chi phí của các công ty cũng đã nhẹ bớt trong tháng 4. Chi phí tăng nhẹ và tốc độ tăng yếu nhất trong 4,5 năm. Trong khi đó, mức độ tăng giá đầu ra không thay đổi so với tháng trước.
Những doanh nghiệp khảo sát vẫn lạc quan về triển vọng cho năm tới. Tuy nhiên, họ cho biết mức độ lạc quan đã giảm đáng kể.Tình trạng xấu đi này càng trở nên trầm trọng hơn khi niềm tin kinh doanh giảm đáng kể. Mức độ lạc quan của các công ty về triển vọng sản lượng là thấp nhất kể từ tháng 7/2020.
Bình luận về dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN, ông Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, ngành sản xuất ASEAN đang rơi vào tình trạng suy giảm lần đầu tiên sau 16 tháng. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều được ghi nhận giảm trở lại, kéo theo đó là hoạt động mua hàng giảm và việc làm cũng giảm mạnh hơn.
"Điều đáng lo ngại hơn nữa là sự sụt giảm niềm tin kinh doanh được ghi nhận vào tháng 4 khi đạt mức thấp nhất trong 57 tháng, báo hiệu tâm lý của các nhà sản xuất giảm đáng kể. Sự sụt giảm niềm tin làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi của ngành sản xuất trong ngắn hạn và cho thấy các công ty có thể phải đối phó thêm những thách thức mới ở phía trước”, ôngMaryam Baluch nói.