Giảm nghèo bền vững gắn với giải quyết việc làm

Phát huy các chính sách hỗ trợ thoát nghèo, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, các mô hình HTX của tỉnh Sơn La đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch lao động và tăng thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, TB&XH tỉnh Sơn La cho biết, từ đầu năm đến nay các ngành chức năng đã chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho khoảng 27.870 người. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,747%, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm 2021; Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội là 65,39%, giảm 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Phát huy chính sách hỗ trợ thoát nghèo

Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tập trung các giải pháp chính cho công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm.

Các mô hình HTX của tỉnh Sơn La đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch lao động và tăng thu nhập cho người dân.

Các mô hình HTX của tỉnh Sơn La đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch lao động và tăng thu nhập cho người dân.

Để giúp người lao động có cơ hội tìm kiếm được việc làm, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Trong đó, các trường đào tạo nghề đã phối hợp với doanh nghiệp đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động; tổ chức thực tập nghề nghiệp ngay tại các HTX trên địa bàn tỉnh.

“Đồng thời, triển khai các hoạt động theo Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chương trình của Ban Dân tộc tỉnh. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân liên kết thành lập mới HTX, hoặc chuyển đổi hoạt động mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX, gắn với bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, liên hiệp HTX, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay.

Bên cạnh đó, các ngành, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã hỗ trợ các HTX xây dựng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhân rộng các mô hình cây ăn quả chất lượng cao, rau sạch, dịch vụ du lịch cộng đồng và tín dụng.

Tập trung sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn, nông sản sạch, sản xuất hướng hữu cơ, quy trình VietGAP, GlobalGAP...

Các HTX còn phát huy vai trò trợ giúp kinh tế hộ gia đình phát triển, trợ giúp chính quyền cơ sở hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mở mang ngành nghề, đẩy mạnh liên kết sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển.

Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, với doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/thành viên/tháng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Ngoài ra, các HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 9.935 lao động. Trong đó, 7.600 lao động làm việc trong các HTX hoạt động lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; 1.422 lao động làm việc tại các HTX thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ; còn lại là làm việc tại các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước; vận tải.

Ông Đỗ Hồng Phương, Giám đốc HTX cựu chiến binh Mai Sơn (tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót), cho biết: Thành lập tháng 6/2022, HTX có 32 thành viên là các CCB trên địa bàn huyện. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là trồng cây ăn quả, chế biến nông sản, nuôi ong, hoạt động dịch vụ nông nghiệp, thu mua, tiêu thụ nông sản.

Mục tiêu của HTX là xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu riêng, nghiên cứu phát triển thị trường, tạo sức cạnh tranh cho hàng nông sản của các thành viên trên thị trường. Chúng tôi kỳ vọng tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho thành viên.

Từ đó, thu hút thêm các CCB gia nhập HTX, cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần cùng huyện xóa nghèo cho người dân và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Việc làm là trọng tâm để giảm nghèo

Có thể thấy, kinh tế HTX phát triển đã hỗ trợ tích cực cho thành viên có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và khẳng định vị thế kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La.

Các HTX đã từng bước giúp người dân giảm nghèo bền vững trên chính mảnh đất quê hương.

Các HTX đã từng bước giúp người dân giảm nghèo bền vững trên chính mảnh đất quê hương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 793 HTX, hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng; tín dụng; thương mại, dịch vụ du lịch; quản lý chợ; vận tải, với tổng số 38.347 thành viên.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La Xã Hua La, TP. Sơn La cho biết: Trước đây, đời sống người dân trong vùng vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cuộc sống chỉ quanh quẩn với cây ngô, củ sắn mà luôn trong tình trạng thiếu ăn. Từ khi cây cà phê bén duyên với mảnh đất này, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với những cây trồng kém hiệu quả trước đây, người dân cũng bắt đầu mơ về sự đổi đời với cuộc sống đủ đầy hơn.

Nhờ sản xuất hiệu quả, doanh thu của HTX ngày một tăng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Từ “sứ mệnh” xóa đói giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La. Nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính, góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới

Lãnh đạo UBND xã Hua La đánh giá, từ thành công trong việc trồng và phát triển cây cà phê theo chuỗi giá trị, các thành viên HTX Cà phê Bích Thao đã nhiệt tình vận động, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con trong xã phát triển mô hình kinh tế vườn, khuyến khích nhiều người trong xã chuyển đổi sang trồng cây cà phê để có thu nhập cao hơn.

Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục đồng hành cùng HTX liên kết vùng trồng với các nhà máy chế biến, nông hộ, nông dân, HTX. Bên cạnh đó làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, dự báo, đánh giá thị trường, sau đó tổ chức xuất khẩu, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê. Song song đó là kết hợp xây dựng sản phẩm thế mạnh theo Chương trình OCOP để khẳng định chất lượng và thương hiệu, từng bước giúp người dân giảm nghèo bền vững trên chính mảnh đất quê hương.

Kim Yến

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/giam-ngheo-ben-vung-gan-voi-giai-quyet-viec-lam-1089788.html