Giảm nghèo bền vững ở Ba Vì
Ba Vì là huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số và là địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của Hà Nội. Tuy nhiên, với những chính sách hỗ trợ hợp lý cùng sự vươn lên của người dân, bảy xã vùng dân tộc thiểu số huyện Ba Vì đã thay da đổi thịt. Không những giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình còn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để làm giàu ngay trên 'vùng đất khó'.
Nằm xa trung tâm thành phố, lại có nhiều xã là vùng núi, đồi gò, Ba Vì là huyện có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn của Thủ đô. Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì có gần 29 nghìn người, chủ yếu là người Mường, Dao. Đồng bào dân tộc cư trú chủ yếu tại bảy xã vùng núi.
Thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, Ba Vì đã triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch để phát triển kinh tế - xã hội bảy xã dân tộc thiểu số, chú trọng công tác giảm nghèo bền vững. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo được triển khai gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện Ba Vì xác định chuyển hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho từng xã; chú trọng phát triển những nghề, những cây trồng, con giống chủ lực. Chẳng hạn như phát triển chè sạch ở xã Ba Trại; phát triển nghề chế biến miến dong, búp chè khô ở xã Minh Quang; mở rộng mô hình gà đồi ở xã Ba Vì... Do địa bàn kinh tế khó khăn, cho nên để các chính sách đi vào cuộc sống, các đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... tích cực vào cuộc hướng dẫn, vận động người dân mạnh dạn vay vốn, mở rộng đầu tư, phát triển những mô hình sản xuất tập trung.
Xã Ba Trại vốn có nghề trồng chè truyền thống. Tuy nhiên, năng suất của giống chè cũ không cao, một héc-ta chỉ thu được khoảng tám tấn. Để tăng năng suất, chất lượng, UBND xã Ba Trại đã cử cán bộ đến Viện Giống cây trồng xin tư vấn về giống chè mới, tổ chức tập huấn cho nông dân về cách trồng, chăm sóc cây chè. Được sự quan tâm, hướng dẫn của cán bộ, người dân xã Ba Trại mạnh dạn đưa giống chè mới về thay thế giống cũ. Giống chè mới giúp năng suất tăng khoảng gần 40%, giá cả ổn định hơn. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại Hoàng Văn Chuyển cho biết: “Tổng diện tích cây chè trên địa bàn xã là 471 ha. Chè hiện đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân trong vùng. Song song với đưa giống chè mới vào sản xuất, chúng tôi phấn đấu nâng diện tích trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP lên 40 ha”. Việc chuyển đổi cơ cấu canh tác nông nghiệp giúp xã Ba Trại đổi thay. Hạ tầng được đầu tư bài bản, 90% đường được bê-tông hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Năm 2017, xã Ba Trại đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ba Vì là vùng đồi núi, người dân ở đây có những nghề đặc trưng như: nuôi bò sữa ở các xã Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, nuôi ong lấy mật ở các xã Ba Trại, Minh Quang, Khánh Thượng, nghề thuốc nam ở xã Ba Vì... Huyện tiếp tục phát triển những nghề thế mạnh, khuyến khích người dân mở rộng đầu tư sản xuất; hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn để phát triển nghề truyền thống. Cùng với đó, vận động người dân đưa các loại cây trồng mới phù hợp với vùng đất đồi núi như: trồng cam Cao Phong, bưởi Diễn... Những giải pháp này giúp kinh tế - xã hội bảy xã miền núi có bước phát triển mới.
Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của bảy xã miền núi chỉ còn 3,96% (giảm 3,79% so với năm 2014); hộ cận nghèo chiếm 7,32% (giảm 1,03% so với năm 2014); 100% số xã có đường nhựa hoặc đường bê-tông đến trụ sở xã; 100% thôn, làng, khu dân cư sử dụng lưới điện quốc gia và có hệ thống truyền thanh phủ kín tới thôn, làng. Ba Vì đẩy mạnh chương trình sửa chữa, xóa nhà xuống cấp cho hộ nghèo và cận nghèo. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã sửa chữa, nâng cấp 300 ngôi nhà cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số với tổng số tiền 4,2 tỷ đồng. Hiện tại, ngoài xã Ba Trại, xã Minh Quang đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và chuẩn bị được công nhận. Hầu hết các xã miền núi đều đạt 12 trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt bảy xã miền núi Ba Vì có nhiều đổi thay, song thách thức vẫn còn rất lớn. Do diện tích rộng, cư dân phân tán, việc xây dựng đường giao thông liên thôn, liên xã đòi hỏi nguồn đầu tư lớn; trong khi nguồn lực của địa phương còn eo hẹp, cho nên việc dành kinh phí đầu tư hạ tầng như chợ, trường học, nhà văn hóa còn khó khăn. Việc nằm xa trung tâm khiến một số hàng hóa khó tiêu thụ. Đây là lý do Ba Vì cần có thêm sự hỗ trợ của thành phố trong việc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41226302-giam-ngheo-ben-vung-o-ba-vi.html