Giám sát đầu tư công ở Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông
Chiều 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận do ông Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh về việc giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Tham dự có đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Giao thông – Vận tải và các ban ngành liên quan.
Giai đoạn 2021 - 2024, BQLDA được bố trí nguồn vốn là 5.543,497 tỷ đồng. Kết quả giải ngân giai đoạn 2021 - 2024 đến ngày 30/6/2024 là 4.214,132 tỷ đồng, đạt 76,02% kế hoạch, trong đó: Năm 2021 kế hoạch giao 1.130,645 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 100%. Năm 2022 kế hoạch giao 1.750,455 tỷ đồng, đã giải ngân 1.748,352 tỷ đồng, đạt 99,9%. Năm 2023 kế hoạch giao 1.477,111 tỷ đồng, đã giải ngân 1.187,351 tỷ đồng, đạt 80% (bao gồm vốn kéo dài năm 2023 sang giải ngân năm 2024). Năm 2024 kế hoạch giao 1.185,286 tỷ đồng, đã giải ngân đến tháng 6/2024 là 157,421 tỷ đồng, đạt 18%...
Ông Nguyễn Thanh Hiền – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Qua thực hiện nhiệm vụ, những hạn chế, khó khăn là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, một số phần diện tích đất được bàn giao còn tồn tại các thửa “da beo”, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, giải ngân kế hoạch vốn. “Công tác quyết toán còn nhiều khó khăn do công tác đền bù giải tỏa thực hiện còn kéo dài vì còn có hộ dân chưa nhận tiền đền bù, còn khiếu kiện kéo dài nên ảnh hưởng đến việc quyết toán hạng mục đền bù giải tỏa (ĐBGT) để tổng hợp quyết toán dự án hoàn thành.
Trong thực hiện thi công hạng mục di dời hạ tầng, có gói thầu nhà thầu không thực hiện quyết toán hạng mục dẫn đến không thể quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, Ban QLDA đã nhiều lần có công văn đề nghị nhà thầu thực hiện nhưng có nhà thầu không còn hoạt động, làm ảnh hưởng đến tiến độ quyết toán cả dự án...”
Nguyên nhân công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm là do cấp thẩm quyền giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp thực hiện theo quy định của pháp luật. Công tác đền bù liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực quản lý sử dụng đất, hiện trạng rất nhiều vấn đề phức tạp, hạn chế, vướng mắc. Công tác xác định giá đất theo quy định mới chưa cụ thể, quá trình thực hiện gặp nhiều lúng túng kéo dài trong suốt thời gian vừa qua; nhiều trường hợp sang nhượng chỉ qua “giấy tay”, không thực hiện các thủ tục theo quy định, gây ra nhiều khó khăn, nhất là vấn đề pháp lý. Có lúc, có nơi, công tác phối hợp chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ giữa các đơn vị tham gia thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công tác này. Ban QLDA kiến nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan quan tâm đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng để thi công các công trình đảm bảo theo kế hoạch đề ra, đồng thời để đẩy nhanh giải ngân vốn của dự án được giao.
Qua nghiên cứu báo cáo và qua làm việc trực tiếp tại Ban quản lý đầu tư các dự án công trình giao thông, đồng chí Nguyễn Hữu Thông -Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của tập thể lãnh đạo Ban cũng như lãnh đạo các phòng đơn vị trong thực hiện việc phân bổ, giải ngân và quyết toán vốn đầu tư công (từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2024), mặc dù còn gặp nhiều khó khăn từ nhiều nguyên nhân khác nhau cả về chủ quan và khách quan như: công tác phối hợp với các địa phương để giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp nhiều khó kkăn; các quy định của pháp luật hiện nay chưa đồng bộ, nhất là việc ban hành các văn bản triển khai Luật Đất đai còn chậm…
Nhưng trong 2 năm (năm 2021 và năm 2022) Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông tỉnh đã thực hiện giải ngân vốn đạt 100% theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Thời gian tới đề nghị Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông cần tiếp tục rà soát, xác định rõ nguyên nhân để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Sở Kế hoạch đầu tư thì vốn địa phương và vốn Trung ương giao cho Ban Quản lý là rất lớn chiếm hơn 1/3 của cả tỉnh (gần 1.300tỷ đồng), do đó việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công của Ban Quản lý là rất quan trọng góp phần kéo tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh lên.
Để có cơ sở nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị với các cơ quan Trung ương và địa phương, đồng chí Thông đề nghị Ban quản lý hoàn chỉnh lại báo cáo theo góp ý của thành viên Đoàn giám sát và gửi lại cho Đoàn giám sát, trong đó tập trung phân tích tồn tại, khó khăn, vướng mắc, xác địnhnguyên nhân và kiến nghị cụ thể, nhất là vướng mắc liên quan quy định của pháp luật hiện hành.