Giảm thanh, kiểm tra doanh nghiệp không làm giảm hiệu lực quản lý

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, quy định thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá một lần trong năm được thực hiện cùng với giảm thanh, kiểm tra trực tiếp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, không làm giảm hiệu lực của quản lý Nhà nước.

Giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân phiên sáng ngày 16/5, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, các quy định nêu tại dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68 Bộ Chính trị với nhiều chính sách có tính vượt trội.

Một số đại biểu băn khoăn về nguồn lực tài chính để thực hiện Nghị quyết, theo Bộ trưởng, đối với các chính sách hỗ trợ được phân cấp, phân quyền cho địa phương như đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tiền thuê lại đất, hỗ trợ thuê nhà đất, tài sản, dự thảo Nghị quyết đã giao địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn lực để quyết định các định mức, tiêu chí hỗ trợ bảo đảm minh bạch, khả thi, hiệu quả và gắn với trách nhiệm giải trình.

Đối với các chương trình được nêu tại dự thảo Nghị quyết, nguồn lực tài chính để thực hiện các chương trình này sẽ được đánh giá trong quá trình xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi triển khai.

Còn lại, các chính sách liên quan đến ưu đãi thuế, phí được thiết kế trên cơ sở nuôi dưỡng nguồn thu. Theo đó, các chính sách hỗ trợ này có thể làm giảm nguồn thu cho ngắn hạn nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội, điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Media Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Media Quốc hội.

Một số ý kiến cho rằng việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh có thể tạo gánh nặng tuân thủ khi hộ kinh doanh phải chuyển sang chế độ có kê khai nộp thuế mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh kê khai nộp thuế sau khi bỏ thuế khoán, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, phương án, phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh. Đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thuế như là sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho hộ kinh doanh.

Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, dự thảo Nghị quyết đã quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê mua các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung để cho hộ kinh doanh sử dụng miễn phí.

Để hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã họp bàn rất kĩ về các giải pháp, các chính sách cụ thể. Chính phủ xác định đây là một trong những giải pháp trọng yếu để phấn đấu đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp đến năm 2030 là 2 triệu doanh nghiệp và đến 2045 là 3 triệu doanh nghiệp, cũng như đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế cũng như là thu ngân sách.

Với tinh thần đó, nhiều chính sách sẽ được thiết kế tại Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, các chương trình hành động của Chính phủ và các luật liên quan để khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể mong muốn và sớm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, có ý kiến cho rằng quy định thanh tra, kiểm tra tối đa một lần trong năm có thể tạo ra lỗ hổng trong quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải thích dự thảo Nghị quyết quy định số lần thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá một lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Quy định này đã thể chế hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 68 để làm chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Quy định tại dự thảo Nghị quyết cũng hướng tới việc giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nên không làm giảm hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước, không cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp. Dự thảo Nghị quyết cũng không hạn chế đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, Bộ trưởng khẳng định.

"Chúng tôi sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo nghị quyết để có tính thực tiễn, khả thi và thống nhất quy định hiện hành," Bộ trưởng khẳng định.

Theo chương trình, sau khi Quốc hội thảo luận sáng nay, các cơ quan sẽ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội thông qua vào cuối phiên sáng ngày 17/5.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/giam-thanh-kiem-tra-doanh-nghiep-khong-lam-giam-hieu-luc-quan-ly-41574.html