Giáo sư Nguyễn Ngọc Thành tái đắc cử thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước Ba Lan

Theo kết quả cuộc bầu cử vào Rada Doskonałości Naukowej (Hội đồng Giáo sư Nhà nước Ba Lan) nhiệm kỳ 2 (2024-2027), được công bố ngày 6/10 vừa qua, Giáo sư, TSKH Nguyễn Ngọc Thành (Đại học Công nghệ Wroclaw) đã tái đắc cử thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước Ba Lan.

Để tái đắc cử, Giáo sư, TSKH Nguyễn Ngọc Thành, cùng các ứng viên khác đã phải trải qua các vòng xét duyệt vô cùng nghiêm ngặt.

Cụ thể, gần 45.000 nhà khoa học có học vị dr hab. (TSKH) đã bỏ phiếu để bầu chọn (online) 169 nhà khoa học, đại diện cho 55 ngành trong 10 lĩnh vực khoa học làm thành viên của Hội đồng (ở mỗi ngành có 3 người được chọn). Các ứng viên được các trường, viện giới thiệu phải được xếp hạng khoa học ít nhất B+.

Giáo sư, TSKH Nguyễn Ngọc Thành (Đại học Công nghệ Wroclaw) là 1 trong 9 ứng viên của ngành CNTT và TT và đã nhận được số phiếu bầu cao nhất ở nhiệm kỳ 2 (301), hơn người đứng thứ nhì 75 phiếu.

Trong nhiệm kỳ 1, Giáo sư Nguyễn Ngọc Thành được 167 phiếu bầu (đứng thứ 2). Kết quả này là một minh chứng cho sự tin tưởng và đánh giá cao của Hội đồng với Giáo sư, TSKH Nguyễn Ngọc Thành.

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành.

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành.

GS. Nguyễn Ngọc Thành sinh năm 1963 tại Quảng Bình, hiện là Trưởng Bộ môn Tin học ứng dụng và là giáo sư chính thức của Đại học Khoa học và Công nghệ Wroclaw, Ba Lan. Ông du học Ba Lan vào năm 1980, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1989, được phong giáo sư năm 2006. Năm 2009, ông vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được Tổng thống Ba Lan trao danh hiệu Giáo sư cấp Nhà nước.

Năm 2011, ông được đặc cách phong hàm Giáo sư Việt Nam. Ông là thành viên của Hội đồng Thẩm định chất lượng khoa học (thành lập năm 2019), là cơ quan thay thế Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, trực thuộc Tổng thống Cộng hòa Ba Lan. Hội đồng có 47 ngành khoa học và nghệ thuật, mỗi ngành có 3 thành viên. GS. Nguyễn Ngọc Thành có số phiếu bầu cao thứ 2 trong số 9 ứng viên của ngành công nghệ thông tin và là thành viên nước ngoài đầu tiên của Hội đồng.

Trên bình diện quốc tế, GS. Nguyễn Ngọc Thành là Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật IEEE SMC về trí tuệ tập thể tính toán; từng được Hiệp hội ACM (Hoa Kỳ) phong tặng danh hiệu "Nhà khoa học xuất sắc"; phụ trách một số dự án nghiên cứu được các chương trình của EU tài trợ như COST, DAAD, Polonor và National Foundation of Research and Development; là chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quốc gia và của Ủy ban châu Âu trong việc đánh giá các dự án nghiên cứu thuộc các chương trình MSCA-IF, REA-FET, EUREKA và COST.

GS. Nguyễn Ngọc Thành cũng là Tổng Biên tập của 3 tạp chí quốc tế: Transactions on Computational Collective Intelligence (Springer), Journal of Information and Telecommunication (Taylor&Francis) và Vietnam Journal of Computer Science (World Scientific).

GS. Nguyễn Ngọc Thành là nhà khoa học hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) và trí tuệ nhóm (Collective Intellgence); là tác giả của hơn 450 bài báo công bố trên các tạp chí nổi tiếng, 46 cuốn sách, 2 bằng sáng chế.

Ông có 25 bài phát biểu toàn thể tại các hội nghị quốc tế, hơn 45 bài diễn thuyết tại nhiều quốc gia; có tên trong Top 2% danh sách các nhà khoa học có ấn phẩm được trích dẫn nhiều nhất (do Đại học Stanford và Elsevier biên soạn năm 2019).

GS. Nguyễn Ngọc Thành cũng có nhiều đóng góp giá trị cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học nước nhà. Ông là người khởi xướng và tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về tin học ở Việt Nam, thu hút được sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu; hướng dẫn các nghiên cứu sinh Việt Nam bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Ở trong nước, hợp tác với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành từ năm 2012, GS. Nguyễn Ngọc Thành là đồng sáng lập và là Tổng Biên tập Vietnam Journal of Computer Science (VJCS) - Tạp chí quốc tế của Việt Nam về khoa học máy tính. Đây là Tạp chí của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hợp tác xuất bản với NXB World Scietific. VJCS xuất bản 4 số/năm, số đầu tiên ra mắt từ quý I/2014.

Năm 2021, VCJS chính thức được vào danh sách tạp chí quốc tế có uy tín SCOPUS và được vào danh mục E-SCI. Hiện VJCS được đánh giá lả tạp chí khoa học thuộc top 5 của Việt Nam.

Phương thức hoạt động của Hội đồng GSNN Ba Lan:

1. Duyệt và kiểm tra thẩm quyền các cơ sở khoa học (viện, khoa, trường) trong việc phong học vị TS và TSKH.

2. Tham gia việc thành lập các hội đồng xét phong học vị TSKH cho từng trường hợp: HĐGSNN cử ra 1 chủ tịch và 3 phản biện, hội đồng KH các viện cơ sở cử thêm 1 phản biện và 2 thành viên. Như vậy hội đồng xét phong TSKH có 7 người (đa số do HĐGSNN cử ra).

3. Trong việc xét phong chức danh GS: HĐGSNN hoàn toàn độc lập trong việc cử phản biện và ra quyết định phong hay không. Quyết định phong chức danh GS được gửi thẳng sang Phủ Tổng thống, không qua Bộ trưởng hay Thủ tướng.

4. Hội đồng GSNN hoạt động hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào Chính phủ. Các quyết định về TS hay TSKH có tính chất cuối cùng, các quyết định về chức danh GS chỉ có Tổng thống mới có quyền bác hay không.

MH

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ban-doc/giao-su-nguyen-ngoc-thanh-tai-dac-cu-thanh-vien-hoi-dong-giao-su-nha-nuoc-ba-lan-20231014190838076.htm