Gìn giữ tinh hoa văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ
Trong sinh hoạt đời thường cũng như trong lễ hội, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở Nam Bộ luôn có ý thức giữ gìn và phát triển những truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Trong đó, trang phục truyền thống của người Khmer không chỉ mang tính thẩm mỹ riêng, mà còn phù hợp với cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, trang phục truyền thống của người phụ nữ Khmer đã thể hiện rõ tính cách dịu dàng và nét đẹp của người phụ nữ, từ đó, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đội văn hóa - văn nghệ Khmer chùa Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu khoác lên mình trang phục với sự kết hợp hài hòa giữa áo tầm vông, váy xà rông với những hạt kim sa lấp lánh. Ảnh: Lê Thúy
Tinh hoa văn hóa Khmer
Dân tộc Khmer là một trong 54 dân tộc đang sinh sống ở Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long... Cuộc sống của người dân Khmer thường gắn với nghề thủ công và canh tác lúa nước. Người Khmer Nam Bộ đa số theo tín ngưỡng Phật giáo nên bản sắc văn hóa chính là nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp. Hệ thống lễ hội của đồng bào Khmer vô cùng phong phú vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay, trong đó, trang phục truyền thống của người Khmer vẫn được giữ nguyên. Chính vì vậy, trang phục truyền thống của người Khmer Nam Bộ không chỉ là một phần của di sản văn hóa độc đáo, mà còn là tinh hoa văn hóa, thể hiện sự kết hợp giữa cá tính và tín ngưỡng Phật giáo.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Khmer Nam Bộ không chỉ là lớp vải để che thân, mà là kết tinh của một đời sống văn hóa đầy sắc màu, là tấm gương phản chiếu tâm hồn trong trẻo, khéo léo và bền bỉ của những người con gái nơi đây. Trong đời thường, họ thường mặc chiếc sampot (một dạng váy quấn) đơn giản nhưng tinh tế. Còn trong những dịp lễ hội hay cưới hỏi, bộ trang phục truyền thống được nâng lên thành một nghệ thuật mang những nét trang trọng, lộng lẫy mà không kém phần duyên dáng. Để làm nên một bộ sampot hol (loại váy truyền thống cầu kỳ nhất của người Khmer) không chỉ cần những nguyên liệu tốt, mà quan trọng hơn là sự tỉ mẩn, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ.
Tôi đã có dịp về xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh - nơi nổi tiếng với những người phụ nữ Khmer vẫn giữ nghề dệt truyền thống. Trong căn nhà nhỏ lợp mái lá dừa, tiếng lách cách của khung cửi vang đều như nhịp đập của thời gian. Bà Sô Phia, năm nay đã ngoài 70 tuổi, là một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng ở xã Đại An vẫn đang miệt mài bên khung cửi, tay thoăn thoắt luồn sợi, mắt chăm chú như đang thổi hồn vào từng đường chỉ. Bà cho biết, người Khmer Nam Bộ có nhiều trang phục phù hợp với nhu cầu cuộc sống hàng ngày như: đi lễ hội, lễ chùa, các sự kiện trang trọng và trong sinh hoạt đời thường. Có thể kể đến như váy sampot, áo wên, áo srây hoặc áo tằm wong, khăn rằn kama... với màu sắc, hoa văn đặc trưng.
Với mỗi người phụ nữ Khmer, dù khó khăn, thiếu thốn đến đâu, họ vẫn cần chuẩn bị cho mình và gia đình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để diện trong những dịp quan trọng. Đó cũng là sự gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi gia đình người dân phum sóc. Trong đời sống thường ngày, trang phục người Khmer cũng thường dùng màu đen để thích nghi với điều kiện lao động nông nghiệp. Đặc biệt, người Khmer còn rất khéo léo trong việc nhuộm vải với kỹ thuật nhuộm truyền thống Tkat và Batik tạo nên những loại vải bông và vải lụa, màu đen bóng, lâu phai. Ngày nay, trang phục truyền thống của người phụ nữ Khmer được cách tân, biến tấu theo nhiều kiểu mới lạ và đẹp mắt với nhiều màu sắc khác nhau để phù hợp với thời đại, nhưng hầu hết vẫn giữ ở mức độ dung hòa giữa hiện đại và truyền thống. Tuy được cải tiến, song nhìn chung, các bộ trang phục vẫn giữ được nét đặc trưng, thậm chí trở nên đẹp hơn ngày xưa...
Hội tụ kỹ thuật thủ công đỉnh cao
Trang phục truyền thống của phụ nữ Khmer Nam Bộ không chỉ là nơi hội tụ của kỹ thuật thủ công đỉnh cao, mà còn là nơi hội tụ của tinh thần và thẩm mỹ của người Khmer. Không có bản vẽ, không cần công nghệ hiện đại, tất cả dựa vào trí nhớ, kinh nghiệm và đôi bàn tay lành nghề của người thợ dệt. Mỗi sản phẩm hoàn thiện là kết quả của hàng nghìn lượt đưa thoi, ngàn mũi luồn chỉ - là kết tinh của thời gian và tâm huyết. Nhìn từng họa tiết được xếp lớp tinh xảo, tôi không khỏi khâm phục trước sự kiên nhẫn và óc thẩm mỹ của người Khmer. Những tấm vải dùng để may trang phục truyền thống của người Khmer không phải dệt cho có, mà được chọn lọc từ màu sắc, chất liệu đến từng đường nét hoa văn. Các bà, các mẹ, các chị thường nhuộm chỉ bằng nguyên liệu tự nhiên như lá bàng, vỏ cây dên, rễ cây mật cật... Mỗi họa tiết đều có ý nghĩa, mỗi sợi chỉ là một mảnh ký ức của tổ tiên gửi lại. Mỗi màu sắc đều mang một linh hồn riêng, một chiều sâu văn hóa riêng. Màu đỏ tượng trưng cho sức sống, màu vàng là sự tôn kính thần linh, màu xanh lam là sự an yên của đồng ruộng và sông nước.

Trang phục của người Khmer trong lễ cưới. Ảnh: Lê Thúy
Một bộ trang phục truyền thống đầy đủ của phụ nữ Khmer thường gồm: áo dài tay bó sát, váy sampot hol, kèm theo dây lưng, vòng cổ, hoa tai, khăn choàng, tất cả được phối hợp hài hòa, tôn lên vẻ đẹp vừa thùy mị, vừa rực rỡ. Không quá cầu kỳ như những trang phục cung đình, cũng không quá đơn giản như đồ thường nhật, trang phục Khmer hội tụ cả tinh thần lẫn thẩm mỹ. Đặc biệt, phụ nữ Khmer rất chú trọng đến việc giữ gìn và mặc đúng truyền thống trong những dịp trọng đại như lễ Chol Chnam Thmay, lễ cưới hay các dịp vào chùa làm lễ.
Ngay từ khi còn nhỏ, người Khmer đã vận lên mình những bộ trang phục truyền thống để tham dự các dịp lễ, tết, hội hè. Những bộ trang phục truyền thống làm tôn lên vẻ yêu kiều, dịu dàng của những cô gái đến tuổi cập kê trong những điệu múa nhẹ nhàng, uyển chuyển. Còn đối với các chàng trai, khi mặc bộ trang phục truyền thống biểu diễn bên dàn nhạc ngũ âm thì tạo nên sự mạnh mẽ, tài hoa và nam tính. Với những đường kim, mũi chỉ tinh xảo, hoa văn, họa tiết độc đáo, những bộ trang phục Khmer không chỉ mang đến vẻ đẹp truyền thống, mà còn thể hiện sự tự hào và tôn vinh văn hóa dân tộc. Tôi vẫn còn nhớ như in ánh mắt tự hào của cô gái trẻ tên Thạch Thị Duyên khi khoác lên mình bộ trang phục trong ngày lễ hội Ok Om Bok. Cô kể: “Bộ này do mẹ em dệt trong gần 3 tháng. Mỗi lần mặc vào là em thấy như mang theo lời chúc phúc của mẹ, của tổ tiên”. Ở người con gái ấy, không chỉ có nét duyên dáng của tuổi thanh xuân, mà còn là sự tiếp nối văn hóa của một dân tộc đã bền bỉ giữ gìn bản sắc qua bao thế hệ.
Ngày nay, trong làn sóng hiện đại hóa và hội nhập, trang phục truyền thống Khmer cũng dần có những thay đổi để phù hợp với nhịp sống mới. Nhiều nhà thiết kế trẻ người Khmer đã sáng tạo những bộ trang phục mang hơi thở hiện đại, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần truyền thống. Tuy vậy, điều đáng quý là ở nhiều làng quê Nam Bộ, người phụ nữ Khmer vẫn tự hào khoác lên mình bộ trang phục dệt tay do chính họ hoặc người thân làm ra. Đó không chỉ là biểu tượng của bản sắc, mà còn là sự khẳng định niềm tin văn hóa không phai mờ theo năm tháng.