Giỗ chủ chợ: dấu ấn nhân nghĩa của người Lục tỉnh

Nam kỳ là đất mới, thị thành do dân chúng quần tụ bán buôn theo điều kiện tự nhiên rồi trở thành trung tâm hành chính. Thị trước thành sau, có chợ rồi mới thành phủ, huyện, dinh, trấn.

Chợ thường do người hào sảng lập ra gọi là chủ chợ. Không chỉ tạo địa thế cho chuyện bán buôn, chủ chợ còn bảo vệ quyền lợi, bảo đảm cho dân chúng an cư lạc nghiệp. Tên tuổi chủ chợ đã thành tên đất như Bà Điểm, Bà Chiểu, Ông Lãnh… Tưởng nhớ công ơn, nhiều nơi người dân lập đình, miểu thờ chủ chợ, kính cẩn cúng giổ hàng năm như một vị thần. Cao Lãnh, Thủ Thừa là hai địa phương tiêu biểu, hai trăm năm qua vẫn duy trì giỗ chủ chợ.

“Ông già Ba Tri” - tính cách ông chủ chợ

Xứ Nam Kỳ nổi tiếng thành ngữ “ông già Ba Tri” hàm chỉ người cương nghị, cứng cỏi đấu tranh cho lẻ phải bắt đầu từ câu chuyện thật của ông chủ chợ bảo vệ quyền lợi tiểu thương. Tên thật của ông là Thái Hữu Kiểm, cháu nội ông Thái Hữu Xưa từ Quảng Ngãi vào Bến Tre khai phá và là một trong ba người làng An Bình Đông (Bến Tre). Ông Thái Hữu Kiểm làm Hương Cả nên gọi là Hương Cả Kiểm. Cùng thời có ông Trần Văn Hạc làm chức Thôn trưởng, nên dân gian gọi là Xã Hạc đã lập cái chợ ở đầu ngọn sông cái.

Khoảng năm Gia Long thứ 5 (1806), Thái Hữu Kiểm thấy dân làng An Bình Đông thường ngồi nghỉ chân và xúm xít bán hàng dưới gốc cây da lớn nên lập một ngôi chợ. Sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (1909) của Nguyễn Liên Phong dã ghi nhận:

“An Bình Đông xã một nơi

Có cây da lớn nghỉ ngơi bộ hành

Bán buôn hàng vặt rập rình

Kẻ ngồi người đứng thích tình không đi

Ông Cả Kiểm thấy chuyện kỳ

Tới nơi cây ấy lập vi thị truyền”.

Chợ Ba Tri. Ảnh tư liệu: Wikimedia

Chợ Ba Tri. Ảnh tư liệu: Wikimedia

Không chỉ tạo lập nơi mua bán, Cả Kiểm còn cho đắp hai con đường từ Ba Tri đi Vĩnh Đức Trung và từ Ba Tri sang Phú Lễ. Chợ thành nơi tụ điểm giao thông thủy bộ theo đúng thế “trên bến dưới thuyền”. Dân các làng đến chợ càng đông, ghe thương hồ từ sông cái ra vào tấp nập, chợ trở nên phồn thịnh. Chợ Ngoài do Xã Hạc lập trở nên thưa thớt. Xã Hạc đốn cây đắp đập ngăn rạch, để ghe thuyền không vào chợ Ba Tri được. Cả Kiểm dắt dân lên huyện, lên phủ kiện. Nhưng đến đâu các quan cũng xử “Người ta đắp đập trong địa phận làng người ta mà kiện cáo cái gì”. Cả Kiểm không chịu thua đi bộ từ Bến Tre ra Huế kiện với vua. Nguyễn Liên Phong viết:

“Kiện cho thấy mặt cửu trùng.

Trong trào ngoài quận người đồng ngợi danh”

Vua Minh Mạng nghe tâu đã tuyên xử “làng thì riêng, rạch thì chung, quan cai trị phải xuống coi phá đập”

Từ đó, làng quê An Bình Đông phát triển thành huyện lỵ Ba Tri.

Cao Lãnh - tên người thành tên đất

Dưới triều vua Gia Long, ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh theo gia đình từ miền Trung vào Nam khẩn hoang. Thời đó vùng đất này thuộc thuộc thôn Mỹ Trà, tổng Kiến Phong, huyện Kiến Đăng, trấn Định Tường. Ông phá hoang trồng quít cạnh bờ sông Cao Lãnh và kinh Thầy Khâm. Hai vợ chồng không có con cái, tính khí của ông ngay thẳng, rộng lượng nên được giao chức Câu Đương chuyên hòa giải tranh chấp bất đồng ở địa phương. Vườn quít tươi tốt, nằm ở ngã ba sông, đi lại thuận tiện nên người dân hội họp mua bán. Ông, bà dọn cây che mái lá, dần hình thành cái chợ, dân gọi tên là chợ Vườn Quít, hoặc chợ Ông Câu.

Các chức sắc Ban Quý tế miễu thờ tế lễ Đỗ Công Tường.

Các chức sắc Ban Quý tế miễu thờ tế lễ Đỗ Công Tường.

Năm Canh thìn (1820) bệnh dịch tả bùng phát lan tràn làm cho nhân dân trong vùng này chết rất nhiều, dân chúng hoảng loạn, đám tang nối tiếp. Chợ Vườn Quít thưa thớt. Xóm làng phủ trùm màu thê lương tang tóc. Động lòng trắc ẩn và sẵn tình bác ái bao la, ông, bà đặt bàn hương án giữa trời trước sân chợ rồi đồng tâm khẩn nguyện, xin chết thay cho nhân dân và cầu cho dịch trên mau chấm dứt. Ông bà nhịn ăn ba ngày, từ ngày 6 tháng 6 cho đến ngày mùng 9 bà lâm bệnh, tắt hơi lúc 10 giờ đêm. Đang tẩn liệm cho bà, ông lại bệnh, đến ngày sau cũng qua đời. Chôn cất ông, bà xong bệnh dịch từ từ chấm dứt.

Để tưởng nhớ đến sự hy sinh cao quý của ông bà, hương chức, dân chúng đồng lập miếu phụng thờ. Lấy ngày mùng 9 và 10 tháng 6 làm ngày vía của ông bà dâng lễ thường niên. Ngôi chợ Vườn Quít được dân chúng ghép tục danh ọng là Lãnh với chức Câu Đươnh thành chợ Câu Lãnh.

Tiểu thương chợ Cao Lãnh trân trọng đội mâm lễ vật đi cúng giỗ chủ chợ.

Tiểu thương chợ Cao Lãnh trân trọng đội mâm lễ vật đi cúng giỗ chủ chợ.

Người dân xúm xít làm thứxc ăn chay cho khách thập phương về dự đám giỗ chủ chợ Đỗ Công Tường.

Người dân xúm xít làm thứxc ăn chay cho khách thập phương về dự đám giỗ chủ chợ Đỗ Công Tường.

Phần mộ song táng của ha ông bà Đỗ Công Tường.

Phần mộ song táng của ha ông bà Đỗ Công Tường.

Tượng hai ông bà chủ chợ Đỗ Công Tường.

Tượng hai ông bà chủ chợ Đỗ Công Tường.

Đoàn rước sắc Miễu thờ chủ chợ Đỗ Công Tường đi diễu hành trên đường phố Cao Lãnh trong ngày giỗ.

Đoàn rước sắc Miễu thờ chủ chợ Đỗ Công Tường đi diễu hành trên đường phố Cao Lãnh trong ngày giỗ.

Với tấm lòng ngưỡng mộ và lòng tôn kinh, ông Huỳnh Kim Sanh, Đại Hương cả làng Mỹ Trà thỉnh cầu triều đình Huế phong thần. Đến năm 1936, Vua Bảo Đại ban sắc phong ông như sau:

Bảo Đại năm thứ mười, tháng tư ngày mười chín

Sắc rằng: vị thần Câu Lãnh Đỗ Công Tường ở xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc có mở chợ lập ấp, từ trước đã tỏ ra linh ứng, nay có sắc mệnh nhà Vua nhớ đến công đức của thần, sắc phong cho vệ hiệu là: "Dực Bào Trung Hưng Lĩnh Phò Chi Thần' để dân phụng thờ ngõ hầu thần giúp đỡ, bảo hộ cho. Kính cẩn vậy thay!

Miếu nhiều lần đươc trùng tu nay rất khang trang, tráng lệ và giỗ ông bà trở thành lễ hội không chỉ của địa phương mà quy tụ hàng ngàn người dân Miền Tây về cúng tế. Ngoài phần lễ với những nghi thức trang trọng theo nghi thức cúng thần đình như rước sắc, dâng hương dâng rượu, đọc văn tế còn có phần hội vui chơi văn nghệ. Ban Quý tế của Miễu tổ chức cơm chay cho khách hành hương, nhiều hộ dân quanh chợ cũng theo tấm gương hào sảng của ông bà tổ chức những quầy cơm chay miễn phí cho khách thập phương. Thôn Mỹ Trà ngày xưa giờ đã thành thành thành phố Cao Lãnh, nói trại ra từ tên và chức ông Cầu Đương Lãnh.

Thủ Ngự Mai Tự Thừa - người mất nhưng danh mãi còn lưu

Thủ Thừa là tên một huyện của tỉnh Long An, trong đó có thị trấn Thủ Thừa, chợ Thủ Thừa, lại có ấp Thủ Khoa Thừa, đường Thủ Khoa Thừa. Hàng trăm năm qua, ngày 10.10 âm lịch người dân địa phương cung kính quần tụ cúng giỗ chủ chợ Thủ Thừa là ông Mai Tự Thừa ở đình Vĩnh Phong, nằm gần chợ dọc theo bờ bờ kinh Thủ Thừa (xưa là rạch Trà Cú) nối hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Khi đường bộ chưa phát triển, đây là thủy lộ quan trọng từ cửa ngõ sông Chợ Đệm nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Tây.

Gian chính đình Vĩnh Phong.

Gian chính đình Vĩnh Phong.

Ban thờ tiền hiền Mai Tự Thừa trong đình Vĩnh Phong.

Ban thờ tiền hiền Mai Tự Thừa trong đình Vĩnh Phong.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Tổng trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt huy động 16.000 nhân công nạo vét rạch Trà Cú. Nhờ thế, ghe thuyền đi lại rất thuận tiện. Vua Minh Mạng cho đổi tên rạch Trà Cú thành sông Lợi Tế. Đầu thế kỷ 20, kinh tế hàng hóa phát triển chính quyền Pháp lại tiếp tục nạo vét kênh cho ghe thuyền lớn qua lại. Chợ Thủ Thừa nằm ngay giáp nước của hai sông Vàm Cỏ thuận lợi cho ghe tàu qua lại neo đậu chờ con nước thuận nên càng thêm sầm uất.

Bẵng đi hơn 10 năm trước, chính quyền địa phương xóa chợ cũ, xây chợ mới ở cách đó hơn 2km, nằm cạnh trục lộ nhưng giữa đồng trống không có đường thủy, chợ vắng như chùa bà đanh và bị chết non.

Chợ cũ mất, chợ mới chết, nhưng ngày giỗ chủ chợ mồng 10.10 hàng năm vẫn cứ đông người cúng viếng. Chính quyền buộc lòng phải mở lại khu chợ khác nằm cạnh chợ cũ trên nền trường Vĩnh Phong bên cạnh đình, nơi thờ chủ chợ Mai Tự Thừa và như một phép màu chợ lại đông đúc như xưa.

Mai Tự Thừa là ai mà linh thiêng vậy? Mai Tự Thừa, Thủ Thừa và Thủ Khoa Thừa có liên quan gì với nhau?

Sắc phong đình thần Vĩnh Phong của vua Tự Đức 1832.

Sắc phong đình thần Vĩnh Phong của vua Tự Đức 1832.

Trống, chiêng và mõ - ba cổ vật trên 100 tuổi trong đình Vĩnh Phong thờ chủ chợ Mai Tự Thừa.

Trống, chiêng và mõ - ba cổ vật trên 100 tuổi trong đình Vĩnh Phong thờ chủ chợ Mai Tự Thừa.

Theo Ban Quý tế đình Vĩnh Phong kể từ truyền ngôn đời trước, ngày xưa Mai Tự Thừa từ tổng Bình Cách, Định Tường đến đây khẩn hoang khởi dầu có bốn mẫu đất dọc bờ rạch Trà Cú (nay là kinh Thủ Thừa). Khi đã có tài lực ông cho nạo vét rạch, đắp ụ làm bến giao thông thuận lợi, vì vậy có nhiều tàu ghe neo đậu dân chúng quy tụ đông, làm ăn sung túc. Ông lập chợ bên bờ rạch, mở thêm đường bộ và xin tách làng Bình Lương ra thêm làng mới tên làng Bình Thạnh, lập đình ở vị trí đình Vĩnh Phong bây giờ. Sau đó, ông mất tích, gia đình vợ con cũng mất tăm. Người dân nhớ ơn nên thờ ông là tiền hiền của đình làng.

Năm 1990, nhân có một phái đoàn của Bộ Văn hóa Thông tin đến thăm, Ban Hội Hương của đình Vĩnh Phong mở hộp sắc thần, phát hiện dưới đáy hộp một tờ phúc bẩm của Hương chức làng Vĩnh Phong trả lời nguồn gốc công thổ chợ Thủ Thừa như sau:

Tan an le 25 Novembre 1915

Cantonde An Ninh Thuong (Tổng An Ninh Thượng)

Village de Vĩnh Phong (Làng Vĩnh Phong)

Bẩm:

Thầy đặng rõ, nay thầy đòi làng chúng tôi mà hỏi vụ công thổ chợ Thủ Thừa, tại làng Vĩnh Phong. Hương chức chúng tôi khai ra dưới đây cho thầy rõ.

Bẩm việc công thổ ấy cũng trăm năm rồi chúng tôi còn nhỏ không biết việc ấy đến sau nghe người tuổi tác nói lại thuở trước ngụy Khôi làm phản, lấy thành Gia Định đặng rồi khi đó ông Thủ Thừa lên tùng ngụy Khôi sau ở trong thành. Sau trào binh tấn chí lấy lại đặng rồi ông chết trong thành mất thây. Rồi đó chỉ Vua bắt tội ông tùng nghịch, vợ và con gái bị án khổ sai. Ở đặng mấy tháng gặp ân xá tha vợ con về còn gia sản nhập kho. Cái chợ biến mãi cho Nhiêu Hòa làm chủ đặng ít năm rồi Nhiêu Hòa phạm cấm nha phiến quan trên tịch biên gia sản nhập kho còn điền thổ tọa lạc làng nào giao cho làng ấy đem vào bộ đặng làm công điền thổ cho làng vĩnh viễn. Còn công thổ và cái chợ giao lại cho làng chúng tôi từ ấy nhẩn nay mà giữ gìn làm huê lợi đặng bồi bổ trong làng. Nay bẩm.

Đây là văn bản hành chính đầu tiên nhắc đến chữ Thủ Thừa và xác định đó là ông Mai Tự Thừa. Ông tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi và chết mất xác trong thành Gia Định. Triều Nguyễn khép tội “tùng nghịch”. Cái chợ cùng điền sản của ông được phát mãi và phân tán vào các làng. Vợ con của ông bị lưu đày. Làng và đình Bình Thạnh do ông lập ra bị đổi tên thành làng, đình Vĩnh Phong. Nhớ công lao khai hoang lập chợ, người dân vẫn tôn ông làm Tiền Hiền và đưa vào thờ ở gian bên phải chánh điện đình Vĩnh Phong với bài vị: “Tiền hiền Mai Tự Thừa ”.

Vì sao ông Mai Tự Thừa được Hương Chức đời trước gọi là Thủ Thừa? Theo tài liệu, thời ấy, nhà Nguyễn đã “đặt Sở Tuần ty coi việc thu thuế cước đồn, mười phần thu lấy một phần, ở thượng lưu sông Hưng Hòa đặt chức Thủ Ngự lo việc thu thuế ở rạch Trà Cú”. Lúc bấy giờ, ngôi chợ của ông Mai Tự Thừa nằm ngay giáp nước rất thuận lợi cho việc đặt Sở Tuần ty để thu thuế. Chắc hẳn, trước khi theo phò Lê Văn Khôi ông Mai Tự Thừa đã từng giữ chức Thủ Ngự nên mọi người gọi ông là Thủ Thừa.

Cái tên Thủ Khoa Thừa chỉ là sự nhầm lẫn vì tại địa phương không có ai tên Thủ Khoa Thừa.

Trong Quốc triều hương khoa lục ở vùng này không có người nào tên Thừa đỗ Thủ Khoa.

Chữ “Thủ” trong địa danh Thủ Thừa được viết trên văn bản bằng chữ Hán có nghĩa là giữ chứ không phải là đứng đầu như nghĩa của chữ “Thủ” trong từ Thủ khoa.

Người Việt kính trọng những người đỗ đạt cao. Những người đỗ Thủ khoa như: Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Huân… đều được gọi là đầy đủ là Thủ khoa Nghĩa, thủ khoa Huân… chứ không ai gọi là Thủ Nghĩa, Thủ Huân.

Thân xác không còn, chợ cũ cũng bị di dời nhưng qua bao thế hệ cái tên Thủ Thừa vẫn sống mãi trong lòng dân, ngày cúng giỗ mồng 10.10 âm lịch cũng mang tính ước lệ, có ai biết ông mất ngày nào. Người ta mặc định đó là ngày ông gia nhập quân khởi nghĩa.

Lê Đại Anh Kiệt

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gio-chu-cho-dau-an-nhan-nghia-cua-nguoi-luc-tinh-42267.html