Giới hạn của lòng nhân ái
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo: Tình trạng gián đoạn dịch vụ y tế đã được báo cáo tại 70% các chi nhánh trên toàn thế giới của tổ chức này, do việc đình chỉ và cắt giảm đột ngột viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho y tế. Từ Sudan, qua Dải Gaza, tới Yemen, những thảm họa nhân đạo mỗi lúc lại thành hình rõ nét thêm, trong sự bất lực của các cơ quan nhân đạo quốc tế. Và, với không ít sự lãnh đạm của những nhà tài trợ chính.
Những gạch đầu dòng lạnh lẽo
Kết quả cuộc thống kê nhanh của WHO, vừa được tiến hành từ cuối tháng 3 tới đầu tháng 4/2025, ở 108 chi nhánh văn phòng, chủ yếu tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, làm dấy lên những quan ngại về những tác động sâu sắc và kéo dài tiềm tàng đối với các hệ thống và dịch vụ y tế trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nơi dễ bị tổn thương. Cho dù nhiều quốc gia đang nỗ lực tăng cường hoặc tái phân bổ nguồn tài trợ, nhưng vẫn có tới 24% phản hồi của Văn phòng Quốc gia WHO cho thấy: Việc cắt giảm ngân sách đã chuyển thành tăng các khoản thanh toán trực tiếp. Người nghèo và các cộng đồng yếu thế có nguy cơ phải gánh chịu thêm gánh nặng của những tác động này.

Những phận người trong bão tố.
Những điểm chính mà WHO thu được trong báo cáo mới nhất, thực sự là tiếng chuông cảnh báo gay gắt, chỉ qua 7 gạch đầu dòng khô khan:
- Việc đình chỉ và cắt giảm viện trợ nước ngoài (ODA) đang làm gián đoạn mọi chức năng của hệ thống y tế, trong đó tác động được báo cáo thường xuyên nhất là đến công tác chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế (70%), giám sát y tế công cộng (66%), cung cấp dịch vụ (58%), viện trợ nhân đạo (56%) và lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe (54%).
- Các dịch vụ y tế đang bị gián đoạn trên diện rộng tại ít nhất 1/3 các quốc gia phản hồi, với mức độ gián đoạn cao được báo cáo trong việc phát hiện và ứng phó với dịch bệnh, sốt rét, HIV, bệnh lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục, kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
- Bản chất và quy mô gián đoạn dịch vụ tương đương với những gì đã xảy ra trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 ở một số nơi.
- Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về thuốc men và sản phẩm chăm sóc sức khỏe đang khiến 1/3 số quốc gia ứng phó không có hàng hóa cho các lĩnh vực dịch vụ chính.
- Việc tạm dừng ODA đã dẫn đến tình trạng mất việc làm cho nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe tại hơn một nửa số quốc gia phản hồi, cũng như gián đoạn đáng kể việc đào tạo.
- Hệ thống thông tin bị ảnh hưởng, đặc biệt khi công tác thu thập dữ liệu y tế quan trọng bị gián đoạn. Hơn 40% quốc gia đã gặp phải tình trạng gián đoạn đối với các hệ thống thông tin quan trọng, bao gồm hệ thống giám sát và hợp tác khẩn cấp, hệ thống thông tin quản lý y tế, hệ thống báo cáo cụ thể về bệnh, hệ thống thông tin phòng xét nghiệm và khảo sát hộ gia đình/dân số.
- 81 trong số 108 văn phòng quốc gia của WHO đã bày tỏ nhu cầu hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực y tế, bao gồm tài trợ sáng tạo và huy động nguồn lực, hỗ trợ và hỗ trợ kỹ thuật có mục tiêu.
Cần lưu ý rằng, ở đây, WHO còn chưa tiến hành khảo sát chuyên biệt về hoạt động cứu trợ y tế tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do xung đột và chiến tranh - những nơi mà vấn đề cấp bách nhất là thức ăn và nước sạch hằng ngày. Trong một diễn biến không (hoặc vô cùng liên quan), ngày 20/4, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) công bố kết quả một cuộc điều tra, theo đó xác nhận rằng binh sĩ của họ đã “nhận định nhầm trong tác chiến” dẫn đến việc nổ súng khiến 15 nhân viên y tế và cứu hộ khẩn cấp thiệt mạng ngày 23/3, rồi vùi lấp trong một ngôi mộ nông. Theo Reuters, 1 tuần sau, thi thể của họ được tìm thấy bởi đoàn công tác Liên hợp quốc và Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine.
Đến cả những người cứu trợ cũng không thể được cứu thì những sinh mệnh mỏi mòn đợi cứu trợ còn biết trông cậy vào điều gì?
Thảm họa, trong vũ điệu của dòng tiền
Câu chuyện tiếp nối, với việc WHO liên tục nhấn mạnh: Họ đang đối mặt với nguy cơ phải giảm 20% ngân sách, kéo theo thu hẹp phạm vi bao phủ và số nhân viên, khi những nguồn tài trợ sụt giảm theo cách gần như không thể chống đỡ.
Đơn cử, phát biểu với báo giới ngày 20/4, Giám đốc WHO khu vưc Đông Địa Trung Hải Hanan Balkhy cho biết: WHO và các đối tác có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ thống chăm sóc sức khỏe, đào tạo và điều phối các đội y tế khẩn cấp, cung cấp thiết bị y tế điều trị chấn thương... Do tình trạng thiếu hụt ngân sách hiện nay, nhiều chương trình đã phải dừng hoạt động hoặc sẽ sớm không còn khả năng hoạt động. Khả năng nhanh chóng triển khai cứu trợ tới các cộng đồng rất cần chăm sóc cũng bị cản trở, do những khó khăn tài chính này. Cũng theo bà Balkhy, ở các khu vực xung đột như Gaza, Sudan, Yemen, hệ thống y tế vốn đã chịu sức ép rất lớn ngay cả khi nguồn ngân sách chưa bị ảnh hưởng. Bà nhấn mạnh: “Hoạt động hỗ trợ các đội y tế khẩn cấp, việc tiến hành điều trị và phục hồi các cơ sở chăm sóc y tế - tất cả đang bị tác động ngay lập tức từ việc Mỹ đóng băng nguồn tài trợ của mình”.

Được chăm sóc y tế trở thành giấc mơ xa xỉ tại các vùng khủng hoảng nhân đạo.
“Việc Mỹ đóng băng nguồn tài trợ” chính là một tác nhân quan trọng hàng đầu, trong việc định hình các thảm họa nhân đạo hiện tại trên thế giới. Washington vốn là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Tuy nhiên, từ khi lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt giảm mạnh các khoản viện trợ nước ngoài, đồng thời đề cập tới việc rút nước này khỏi WHO. Trong năm 2024, Mỹ cũng chưa đóng góp tài chính cho WHO theo quy định và hiện chưa rõ liệu Mỹ có thực hiện nghĩa vụ này trong năm 2025 hay không. Cũng phải nhắc lại, kể từ nhiệm kỳ đầu nắm quyền, đặc biệt là trong thời điểm năm 2020 - khi đại dịch COVID-19 hoành hành, đương kim Tổng thống Mỹ hiện tại đã không ít lần va chạm với WHO, nhất là về câu chuyện áp dụng các biện pháp phòng dịch.
Còn bây giờ, nếu kịch bản ông Donald Trump đưa nước Mỹ rời WHO trở thành hiện thực (điều hoàn toàn khả thi, từ phương diện tính cách cũng như phương thức tiếp cận mọi vấn đề thông qua lăng kính lợi ích của ông), sẽ còn đồng nghĩa với việc cắt các kênh liên lạc đã được thiết lập từ lâu giữa tổ chức này với các cơ sở nghiên cứu, trường đại học và cơ sở y tế công cộng hàng đầu đặt tại Mỹ. Điều này sẽ ngăn cản việc chia sẻ dễ dàng các thông tin và kết quả nghiên cứu, vốn có vai trò then chốt trong việc ngăn chặn, đón đầu những cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu như đại dịch.
Nhưng, trước mắt, ở tình cảnh hiện tại, WHO - cùng các cơ quan, tổ chức nhân đạo quốc tế khác thuộc Liên hợp quốc - cũng đã gần như “vô kế khả thi”, do thiếu nguồn lực tài chính. Ví dụ, như tờ The Guardian đưa tin, Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ (NGO) cho biết: Sudan - nơi diễn ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới trong hiện tại - đang trải qua tình trạng “tồi tệ hơn bao giờ hết”. Người dân Sudan tiếp tục phải trả giá cho việc thiếu khả năng hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, với hàng chục nghìn người được báo cáo là đã chết, gần 13 triệu người phải bỏ nhà cửa đi di tản, 24,6 trên tổng số 50 triệu dân cần được cứu ứng lương thực. Còn y tế hay giáo dục đã trở thành những giấc mơ xa xỉ.
Trước Sudan, vị trí bi kịch kia thuộc về Yemen và đất nước ấy hiện vẫn đang oằn mình dưới những đợt không kích của không quân Mỹ, nhắm vào các căn cứ của lực lượng Houthi. Trong khi đó, mọi hoạt động cứu trợ dành cho người dân Palestine trên Dải Gaza cũng vấp phải hết rào cản này đến rào cản khác.
"Mặc dù những đợt cắt giảm này là một cú sốc, nhưng chúng cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ sự phụ thuộc vào viện trợ sang sự tự lực bền vững hơn, dựa trên các nguồn lực trong nước. Nhiều quốc gia đang yêu cầu sự hỗ trợ của WHO và WHO đang hợp tác với họ để xác định cũng như điều chỉnh, nhằm tìm ra các biện pháp hiệu quả nhất" - Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus tỏ ra mạnh mẽ. Nhưng, có lẽ, rất nhiều người có chung cảm nhận: Dư âm của những lời ấy, cũng chỉ giống như những lời nguyện cầu...
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/gioi-han-cua-long-nhan-ai-i766296/