Giới thiệu những hình ảnh quý về đồng bào Raglai

Từ ngày 7 đến 15-6, đến với không gian Hội quán vịnh Nha Trang ở khu danh thắng Hòn Chồng (TP. Nha Trang), người dân và du khách có dịp xem những bức ảnh về đời sống, sinh hoạt, văn hóa của đồng bào Raglai huyện Khánh Sơn. Điều đặc biệt, đây là những bức ảnh do Giáo sư Charles Macdonald - nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Aix-en-Provence (tiền thân của Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Aix-Marseille, Cộng hòa Pháp) thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 1999.

Giáo sư Charles Macdonald trong buổi giới thiệu những bức ảnh về người Raglai.

Giáo sư Charles Macdonald trong buổi giới thiệu những bức ảnh về người Raglai.

Đến với khu vực trưng bày, giới thiệu, người dân và du khách sẽ được xem 52 hình ảnh về thiên nhiên, con người vùng đất Khánh Sơn trong khoảng thời gian từ 25 đến 30 năm trước. Ở đó, có cảnh cấy lúa, đạp thóc, sàng thóc, giã gạo, đi nương, làm rẫy, đan gùi, làm nhà của người dân Raglai trước đây. Ngoài ra, còn có hình ảnh về những ngôi nhà dài, nhà sàn được làm bằng tre lá; cảnh sinh hoạt ăn uống, mua bán nông sản của người dân; các vật dụng săn bắn, dụng cụ lao động; hình ảnh về những đoạn sông, hang đá, khung cảnh núi rừng... Đặc biệt ấn tượng là những bức ảnh chụp lại cảnh đồng bào Raglai tổ chức các nghi lễ trong gia đình, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng, biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc. “Tôi rất vui khi được nhìn lại những hình ảnh này. Cuộc sống của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn bây giờ đã có nhiều đổi thay, phát triển. Vì thế, những hình ảnh vốn thân thuộc một thời với chúng tôi đến bây giờ đã trở thành ký ức”, Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến chia sẻ.

Một số bức ảnh về đời sống, sinh hoạt của người Raglai do Giáo sư Charles Macdonald chụp.

Một số bức ảnh về đời sống, sinh hoạt của người Raglai do Giáo sư Charles Macdonald chụp.

Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Charles Macdonald cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 1999, ông đã có 3 lần đến tìm hiểu, nghiên cứu về đời sống, văn hóa, sinh hoạt của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, với tổng số thời gian lưu lại 14 tuần. Trong những lần đến đây, được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, ông đã có dịp tới các làng, vào nhiều gia đình người Raglai để ghi chép, chụp hình, thu âm nhằm phục vụ cho công việc của mình. Mỗi lần đến, ông đều nhận được tình cảm thân thiết của người dân dành cho mình. Chính vì thế, ông đã thoải mái chia sẻ với người dân những vấn đề liên quan đến thiên nhiên, cuộc sống; tham gia vào nhiều hoạt động lễ hội, tín ngưỡng diễn ra ở các làng Raglai. “Tôi thực sự rất ấn tượng với khoảng thời gian được đến tìm hiểu, nghiên cứu về cộng đồng Raglai ở huyện Khánh Sơn. Mỗi người dân mà tôi tiếp xúc đều rất gần gũi, chân thật. Đặc biệt, văn hóa, tín ngưỡng, tập quán của người Raglai rất độc đáo và giàu bản sắc. Điều tôi tiếc nhất đó là do khoảng thời gian lưu lại chưa dài, cũng như gặp khó khăn về ngôn ngữ nên tôi đã không thể viết được một quyển sách về người Raglai ở Khánh Sơn”, Giáo sư Charles Macdonald chia sẻ.

Giáo sư Charles Macdonald (thứ 2 từ phải qua) cùng các đại biểu xem những bức ảnh về người Raglai.

Giáo sư Charles Macdonald (thứ 2 từ phải qua) cùng các đại biểu xem những bức ảnh về người Raglai.

Khi xem những bức ảnh của Giáo sư Charles Macdonald chụp về đồng bào Raglai, chúng ta đều thấy được sự tự nhiên, chân thực trong từng khuôn hình. Bởi về cơ bản đây là những bức ảnh mang tính chất tư liệu, phục vụ cho công việc nghiên cứu của tác giả. Nhưng với khả năng của bản thân, ông đã ghi lại được những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng trong sinh hoạt, đời sống, cảnh vật liên quan đến người Raglai trước đây. Theo một số nhà khoa học, từ những bức ảnh này có thể tham khảo, đối chiếu để tìm hiểu sâu hơn các khía cạnh liên quan đến văn hóa Raglai đang cần được làm sáng tỏ và khôi phục như: Trang phục, các nghi thức trong lễ hội của đồng bào Raglai... Dù bản thân Giáo sư Charles Macdonald vẫn lấy làm băn khoăn khi chưa thể thực hiện một bộ sách về người Raglai song những hình ảnh ông chụp lại và được công bố thông qua các bài báo khoa học đã góp phần đưa văn hóa Raglai ra thế giới. Mỗi bức ảnh đã cho chúng ta thấy được phần nào về hình ảnh người Raglai ở huyện Khánh Sơn cách đây mấy chục năm. “Tôi chụp rất nhiều ảnh về người Raglai để có thể tìm hiểu kỹ hơn từ trang phục đến sinh hoạt, đời sống. Người dân rất thoải mái khi tôi chụp hình. Họ cứ làm công việc của mình, còn tôi chụp hình về họ”, Giáo sư Charles Macdonald cho biết.

Một số bức ảnh về người Raglai do Giáo sư Charles Macdonald chụp.

Một số bức ảnh về người Raglai do Giáo sư Charles Macdonald chụp.

Trở lại huyện Khánh Sơn sau 25 năm, Giáo sư Charles Macdonald cảm nhận rõ những thay đổi của vùng đất này khi có nhiều ngôi nhà lớn đã được xây dựng, đời sống của người dân đã được nâng lên. Ở độ tuổi 80, một trong những điều tâm đắc của Giáo sư Charles Macdonald trong lần trở lại này là ông đã thực hiện được mong muốn gửi tặng những bức ảnh đã chụp cho một số cá nhân, cũng như các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa để góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa Raglai. Tình cảm của Giáo sư Charles Macdonald đối với vùng đất Khánh Sơn nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung thật đáng trân trọng. Có những người bạn như thế đã góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Khánh Hòa đến gần hơn với bạn bè thế giới.

Giáo sư Charles Macdonald là một nhà dân tộc học, nhân học. Ông từng là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, Viện Viễn Đông bác cổ Pháp. Ông cũng là sáng lập viên và Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Aix-en-Provence (giai đoạn 1993 - 1999) - tiền thân của Viện Nghiên cứu châu Á (Đại học Aix-Marseille, Cộng hòa Pháp). Vào những năm 1994 - 1999, ông đã đến vùng đất Khánh Sơn để nghiên cứu thực địa vùng đồng bào Raglai ở Khánh Hòa trong mối liên hệ với người Chăm và các cộng đồng tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Qua đó, ông đã thu thập được nhiều tài liệu từ thực địa và đã công bố một số kết quả nghiên cứu quan trọng.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202406/gioi-thieu-nhung-hinh-anh-quy-ve-dong-bao-raglai-c781321/