Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Bản Khòng, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ có 257 hộ, 1.451 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Thái trắng. Những năm qua, nhân dân trong bản luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo ở địa phương.

Phụ nữ bản Khòng, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ dệt vải.

Phụ nữ bản Khòng, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ dệt vải.

Chuyện xưa kể lại, vùng đất Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ được hai người con gái Thái là Khăm Khe và Khăm Kiêu khai mở, truyền dạy bà con dân bản cách làm ruộng, dệt vải, múa xòe, hát điệu pí,... Người dân cảm phục tài đức của hai nàng nên tôn thành tiên và gọi là Nàng Bẳng, Nàng Mương và dựng đền thờ tại bản Khòng. Năm 2003, tỉnh Sơn La đã cho nghiên cứu, phục dựng lễ hội “Xên bản”, “Xên mường” hay còn có tên gọi Lễ hội hoa ban tại xã Chiềng Khoa. Đền Nàng Bẳng Mương cũng được xây dựng, tu sửa lại bằng nguồn kinh phí của nhà nước và do nhân dân đóng góp. Đền đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân tại địa phương và du khách đến dâng hương, cầu sức khỏe mưa thuận gió hòa, cầu làm ăn gặp nhiều may mắn. Năm 2021, Đền Nàng Bẳng Mương được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Hằng năm, lễ hội xã Chiềng Khoa được bắt đầu bằng lễ cúng Đền Nàng Bẳng Mương ở bản Khòng. Ông Lò Văn Cung, người đảm nhiệm nghi thức lễ cúng ở đền nhiều năm nay, cho biết: Không chỉ thực hiện lễ cúng trong lễ hội hoa ban hằng năm, mà các lễ cúng chính được chia thành ba thời điểm: Thời điểm đầu năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, chăn nuôi nảy nở; thời điểm khi lúa lên đòng thì cầu cho mùa màng bội thu không bị chim chóc, sâu bọ phá hoại; thời điểm cuối năm, người dân bản làm lễ cúng với mong muốn để tạ ơn trời đất với một năm bội thu. Ngoài ra, nhân dân và du khách có thể đến cúng cầu bình an các ngày trong năm.

Giới thiệu về nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái ở địa phương, anh Ngần Văn Quynh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Khòng, cho biết: Từ xa xưa, những già làng, người có uy tín và nhân dân trong bản từ thế hệ trước luôn nhắc nhở, trao truyền cho thế hệ sau các nét đẹp văn hóa, như: Truyền dạy các điệu múa, tiếng nói, câu hát, cách làm thổ cẩm, dệt vải, ẩm thực,... Do vậy đến nay, trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con trong bản vẫn mang đậm nét văn hóa đồng bào dân tộc Thái.

Ở nhà văn hóa bản và nhiều gia đình trong bản Khòng còn lưu giữ được các nhạc cụ dân tộc như trống, chiêng, kèn... Chị Ngần Thị Kéo, Chi hội trưởng hội phụ nữ, chia sẻ: Các tổ chức đoàn thể đều có đội văn nghệ. Chi hội phụ nữ bản thành lập 1 đội văn nghệ gồm 8 người, chúng tôi thường xuyên luyện tập và tham gia biểu diễn tại các chương trình, hội nghị, lễ hội ở địa phương, tích cực giao lưu với các đội văn nghệ trong xã, trong huyện.

Trước tác động của xã hội hiện đại với các sản phẩm may mặc công nghiệp, nhưng nghề dệt vải và làm thổ cẩm vẫn được bà con dân bản lưu giữ. Chị Lò Thị Ngần, bản Khòng, chia sẻ: Trước đây, nhà nào cũng dệt vải, làm thổ cẩm để phục vụ sinh hoạt trong gia đình và đem bán. Ngày nay, bà con chủ yếu làm vào mùa đông để tận dụng thời gian nông nhàn dệt vải, làm khăn piêu, túi đeo chéo và đệm ngồi của người Thái.

Ẩm thực cũng là một phần không thể thiếu trong nét văn hóa của người dân bản Khòng, như: Cá nướng, thịt khô, măng đắng, nộm hoa ban,... Các món ăn được kết hợp với đủ các loại gia vị chua, cay, mặn, ngọt và đặc biệt là hạt dổi và mắc khén đã tạo nên hương vị riêng và đặc trưng.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, các hộ dân ở bản Khòng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng bản ngày càng phát triển, giàu bản sắc, thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.

Phạm Hoa (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/giu-gin-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-dan-toc-Ib2gQhBIg.html