Giữ lấy nghề xưa

Với truyền thống cần cù, siêng năng, qua quá trình lao động, bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, người dân ở các làng nghề truyền thống đã gây dựng, phát triển, góp phần vinh danh đất nghề bằng những sản phẩm tinh xảo.

Nghệ nhân Lê Văn Dương và người con trai theo nghề đúc đồng.

Những ngày cuối năm, trong tiết trời giá lạnh, chúng tôi tìm đến làng Chè - Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) vốn nổi tiếng với nghề đúc đồng. Giữa khói bụi than lửa, các nghệ nhân đúc đồng vẫn hằng ngày tỷ mẩn khắc từng nét hoa văn lên khuôn đúc như những nghệ sĩ tài hoa thổi vẻ đẹp của đất và người vào những sản phẩm đồng. Trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn gặp được nghệ nhân Lê Văn Dương, là người con trong gia đình có truyền thống làm nghề đúc đồng; không ai biết rằng, người đàn ông khoảng 60 tuổi với dáng người nhỏ nhắn, làn da rám nắng này đã theo cha mẹ học nghề, thạo nghề từ tuổi 13. Bên chiếc bàn nhỏ ở góc xưởng, nhấp ngụm trà, ông Dương kể cho chúng tôi nghe về nghề với niềm say mê, tự hào khi gia đình có tới 3 nghệ nhân. Bước vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, làng nghề trở nên sa sút, nhiều người trong làng đã bỏ nghề, kể từ đó, các lò đúc đồng trong xã bắt đầu lạnh ngắt than lửa. Cá nhân tôi ngày đó cũng đã có ý định chuyển sang nghề khác nhưng vì đam mê và là nghề truyền thống của gia đình nên tôi đã quyết tâm dành thời gian tìm tòi, học hỏi, kêu gọi con em trong làng học nghề, giữ nghề. Những sản phẩm của ông Dương tuy đơn giản là lư hương, tượng đồng... nhưng lại mang nét độc đáo riêng bởi nó chứa đựng tâm huyết của người nghệ nhân yêu nghề. Cũng từ lò đúc của ông Dương, hàng trăm thanh niên trẻ đã thạo nghề và cùng ông “nhóm tiếp ngọn lửa” đúc đồng, niềm vui như được nhân lên khi người con trai của ông hiện đang nối nghiệp cha tiếp tục lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương.

Các sản phẩm đúc đồng tinh xảo của những người thợ làng nghề Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).

Vượt qua những thăng trầm, hoạt động làng nghề đúc đồng ngày càng mở rộng và phát triển, mang lại sự thay đổi bộ mặt làng quê và góp phần nâng cao đời sống người dân. Giờ đây, nhắc đến làng nghề Trà Đông, bên cạnh ông Lê Văn Dương còn có những nghệ nhân như Lê Văn Bảy, Nguyễn Bá Châu, Đặng Ích Hoàn... Đây không chỉ là những người có đóng góp quan trọng khôi phục nghề đúc đồng truyền thống mà hơn hết, chính họ đã trở thành nguồn động lực, tấm gương sáng, người thầy trao truyền và tiếp lửa cho nhiều thế hệ trẻ theo đuổi, nỗ lực phát triển nghề. Đối với họ, việc gìn giữ và phát huy những tinh hoa, giá trị của nghề đúc đồng là cả hành trình không mỏi, phải có “tâm” và một đức tính kiên trì thì mới có thể giữ vững được nghề.

Bản Na Chừa, xã Mường Chanh (Mường Lát) hiện đang khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Chiềng Khạt – một bản người Mường ở xã Đồng Lương (Lang Chánh), trải qua nhiều thế hệ, nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ nét đẹp mang bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số qua nghề dệt thổ cẩm. Ở đó, những người phụ nữ vẫn ngày đêm bên khung cửi dệt ra những chiếc khăn choàng, bộ váy... được kết tinh giữa tình yêu và tâm huyết của nghề. Bà Lê Thị Tiền, một trong số những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm đã yêu khung dệt và cần mẫn với nghề từ thuở mười tám đôi mươi, đến bây giờ bà đã gần 70 tuổi, mắt đã mờ, bước đi chậm, song đôi bàn tay hằng ngày vẫn thoăn thoắt với từng khung dệt. Theo lời của bà Tiền, từ nhỏ người con gái Mường đã được mẹ dạy dệt thổ cẩm, khi đến tuổi trưởng thành, mọi cô gái đều phải biết dệt váy, áo, khăn... với những họa tiết tỉ mỉ để tự phục vụ cho bản thân và gia đình. Không chỉ là tiêu chí đánh giá khéo léo, chăm chỉ của người con gái, nghề dệt thổ cẩm còn là phong tục đẹp, lưu giữ bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết con gái Mường không còn hứng thú với việc ngồi bên khung dệt, để tự tay dệt trang phục thổ cẩm truyền thống. Không muốn nghề dệt thổ cẩm mai một theo thời gian, trong khi thế hệ trẻ mải mưu sinh, không mấy mặn mà với dệt thổ cẩm thì bà Tiền vẫn cố gắng duy trì, truyền nghề và thành lập nhóm dệt Đồng Lương. Nhóm đã hoạt động được 9 năm, với 12 thành viên, các sản phẩm của nhóm đã được kết nối tiêu thụ tại các khu du lịch, với một số mặt hàng chủ lực như váy, khăn, áo, tấm đắp, túi... Cũng nhờ nghề dệt truyền thống được giữ gìn và phát huy mà nhiều chị em trong thôn đã có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhờ tâm huyết của bà Tiền trong việc gìn giữ, khôi phục lại nghề, nhiều bạn trẻ đã tìm đến học dệt, sản phẩm làm ra ngoài giá trị về kinh tế, thẩm mỹ còn chứa đựng bản sắc dân tộc, được ví như một kho báu vô giá để truyền lại cho muôn đời sau.

Từ bao đời nay, tên tuổi của các làng nghề, như Làng mộc Đạt Tài (Hậu Lộc), chiếu cói Nga Sơn, nước mắm Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), đúc đồng Trà Đông... đã đi khắp mọi miền của Tổ quốc. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng, không chỉ tạo ra các giá trị vật chất mà còn mang giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc đặc trưng. Trước sự đô thị hóa nhanh chóng, các làng nghề phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng những người thuộc thế hệ đi trước bằng sự đam mê, tâm huyết với nghề, đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn nét tinh hoa nghề truyền thống của quê hương. Mỗi làng nghề không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện về tinh thần lao động, vẻ đẹp tài hoa, trí óc và đôi bàn tay khéo léo của con người xứ Thanh...

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/giu-lay-nghe-xua/177603.htm