Giữ mạch nguồn nghề đắp phù điêu ở làng Kim Bồng

Với lịch sử phát triển hơn 500 năm, làng Kim Bồng là vùng đất nổi tiếng với những nghề thủ công truyền thống, nơi đây còn được biết đến là nơi có những người thợ đắp phù điêu tài hoa. Trải qua thăng trầm thời gian, nghề đắp vẽ vẫn được duy trì và phát triển một cách âm thầm và bền bỉ.

NNƯT Đỗ Cường, truyền nhân đời thứ 5 của gia tộc họ Đỗ, là một trong số người giữ gìn và phát triển nghề đắp phù điêu của Kim Bồng. Gia phả tộc Đỗ ghi lại khá rõ những tên tuổi đã từng được các vua nhà Nguyễn phong hàm. Các lăng tẩm, đền đài tại kinh đô Huế đến quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An, phần lớn do thợ nề tại Kim Bồng đảm trách.

Điều đặc biệt trong nghề đắp phù điêu của người Kim Bồng là chất liệu được làm khá kỳ công và vẫn giữ nguyên cách thủ công từ đời cha ông truyền lại. Đó là lấy giấy túc, keo da trâu ngâm vào vôi hến, rồi trộn với mật mía và dùng cối giã nhuyễn ra cho dẻo quánh đảm bảo sự bền đẹp, ngay cả trong điều kiện dãi nắng dầm mưa.

Tiếng lành đồn xa, những người thợ đắp vẽ Kim Bồng đã được mời đến xây dựng nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa.

Những năm gần đây, chính quyền TP Hội An đang nỗ lực, phát triển nghề truyền thống chạm khắc và đắp nổi hoa văn có nguy cơ mai một này. Tuy nhiên, để khôi phục cái nghề này không đơn giản chỉ trong ngày một, ngày hai.

Số lượng người theo nghề còn ít nhưng những bàn tay tài hoa của những nghệ nhân đắp phù điêu làng Kim Bồng đã góp phần gìn giữ những nét đẹp truyền thống của quê hương Hội An.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Anh Tâm - Lê Quang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/giu-mach-nguon-nghe-dap-phu-dieu-o-lang-kim-bong-225012.htm