Giữ nghề truyền thống ở làng ươm tơ Cổ Chất

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm bên bờ sông Ninh, bãi bồi phù sa tươi tốt, vùng đất Cổ Chất thuộc xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định đã nổi tiếng với nghề chăm tằm, ươm tơ từ hàng trăm năm nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay buôn bán tơ Cổ Chất tuy không còn được sôi động như thời hoàng kim nhưng vẫn là ngôi làng nổi tiếng khắp vùng miền. Tơ lụa nơi đây là sản vật vô cùng quý giá của biết bao thế hệ làng Cổ Chất.

Đứng trước nguy cơ bị mai một của làng nghề ươm tơ truyền thống, những người con của làng Cổ Chất luôn đau đáu khát khao gìn giữ lửa nghề, tìm vị trí xứng đáng cho lụa thủ công truyền thống trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thăng trầm nghề ươm tơ

Đặt chân đến làng tơ Cổ Chất, du khách sẽ bắt gặp những bó tơ vàng óng hay trắng muốt được phơi trên những thanh sào tre. Trong các xưởng kéo tơ, những người thợ ươm miệt mài làm việc trong màn khói nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Những sợi tơ len lỏi chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng tơ quay tít. Tơ tằm ở làng Cổ Chất được làm bằng phương pháp thủ công nên rất đẹp và có chất lượng tốt, sợi tơ thanh mảnh, mềm mại.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đích ở thôn Cổ Chất, từ lúc tằm ăn lá dâu cho đến lúc trưởng thành, sinh ra kén để kéo thành sợi khoảng hơn 30 ngày. Tơ kéo xong, cuốn vào ống rồi mang phơi khô và được bán theo cân. Vụ ươm tơ sẽ kéo dài từ tháng Hai, tháng Ba đến hết tháng Chín âm lịch. Tơ tằm Cổ Chất nổi tiếng vì người làng Cổ Chất có những kỹ thuật riêng, độc đáo. Nghề ươm tơ thủ công yêu cầu người thợ chăm chút tỉ mỉ trong từng công đoạn: phân loại kén tằm, chọn kén tằm, đảo kén tằm, lấy mối tơ để tạo nên những nén tơ chất lượng.

Phân loại kén tằm để ươm tơ kéo sợi.

Phân loại kén tằm để ươm tơ kéo sợi.

Trước đây, nguồn cung cấp kén tằm chính cho làng Cổ Chất là làng Hợp Hòa nằm bên bờ sông Ninh Cơ, xã Phương Định. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng dâu của làng bị thu hẹp đáng kể, nên làng Cổ Chất phải thu mua kén ở những vùng lân cận như: Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa về để ươm tơ, kéo sợi. Kén tằm kéo tơ có hai loại, kén tằm ăn lá sắn cho kén trắng còn tằm ăn lá dâu sẽ cho kén vàng, kén màu nào sẽ dệt ra sợi tơ màu đấy. Tơ thành phẩm được xuất đi các vùng dệt lụa như Vạn Phúc (Hà Nội), Hà Nam… và sang các nước Lào và Thái Lan. Những loại tơ thô có giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg. Tơ thành phẩm đạt chất lượng cao có giá lên đến hàng triệu đồng.

Tuy nhiên, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ thủ công của làng Cổ Chất nói riêng và các làng nghề truyền thống nói chung cũng đang gặp phải tình trạng bị mai một. Khi lụa ngoại du nhập tràn lan, dẫn đến sự cạnh tranh về giá cả và mẫu mã, sợi tơ truyền thống dần mất đi thị trường và không còn được ưa thích. Mặt khác, công việc thủ công truyền thống vất vả nhưng mang lại ít thu nhập khiến thế hệ trẻ tại làng hiện nay không còn mặn mà với việc kế nghiệp của cha mẹ. Trước đây, làng nghề Cổ Chất có tới gần 200 hộ gia đình làm nghề ươm tơ nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 30 hộ gia đình theo nghề.

Lớn lên bên những bếp ươm, khung cửi, chị Phạm Thị Minh Hải (SN 1986, ở thôn Cổ Chất) mang tình yêu đặc biệt với làng nghề của mình. Đối với chị, làng nghề không chỉ là tình yêu mà còn là những kí ức tuổi thơ. Chứng kiến nghề truyền thống đang dần bị mai một, chị Hải đau đáu một nỗi niềm làm thế nào để người dân giữ lấy nghề, giữ lấy giá trị truyền thống. Tháng 11/2021, Hợp tác xã (HTX) lụa Cổ Chất được thành lập với 11 hộ gia đình còn duy trì nghề ươm tơ dệt lụa tại làng Cổ Chất do chị Phạm Thị Minh Hải phụ trách. Theo đó, thương hiệu Lụa Cổ Chất (Cổ Chất Silk) được đề xướng và quảng bá rộng rãi với mục tiêu bảo tồn phương thức sản xuất xưa và đề cao kỹ thuật ươm tơ được truyền dạy qua 16 đời của các nghệ nhân làng Cổ Chất. Trước đây, thành phẩm buôn bán của làng Cổ Chất chủ yếu là tơ. Nhận thấy được xu hướng tiêu dùng xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường tại Việt Nam hiện nay, chị Hải mong muốn làm ra được nhiều sản phẩm từ tơ tằm chứ không chỉ dừng lại buôn bán sợi tơ.

Giữ nghề và gây dựng thương hiệu tơ lụa Cổ Chất

Mục tiêu mà hợp tác xã hướng tới là đưa tơ lụa ứng dụng trong tất cả các khía cạnh của đời sống. Từ tổ kén có thể tận dụng hầu hết các phần để làm nhiều sản phẩm, như: những sợi thô ở ngoài để làm bông tắm, khăn kỳ lưng; sợi nhỏ ở giữa làm lụa may quần áo, chăn ga gối; sợi bên trong tổ kén làm khăn mặt. Ưu điểm của vải tơ tằm tự nhiên là nhẹ nhàng, mát mẻ và an toàn. Hoạt động của HTX phát triển, tạo ra công ăn việc làm, vực dậy được tinh thần của người dân trong làng. Chị Hải chia sẻ: "Nếu chỉ nghĩ đến kinh tế thì sẽ không thể tiếp tục duy trì công việc. Nhưng việc chị làm xuất phát từ tình cảm, khát khao nên thành quả quan trọng nhất đối với chị là tinh thần và sự tin tưởng của người dân, để mọi người cùng đồng hành gìn giữ nghề truyền thống".

Thành lập HTX vào thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ, HTX đã chủ động tiếp cận, đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử giúp mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh từ đó khẳng định chất lượng sản phẩm. Sản phẩm đầu tiên bán ra thành công thời điểm đó là khẩu trang và khăn mặt. Sau giai đoạn đó, chị Hải tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, hội nghị triển lãm làng nghề ở các nơi nhằm học hỏi, cải thiện và quảng bá rộng rãi thương hiệu Lụa Cổ Chất. Đáng chú ý, sản phẩm tơ tằm thủ công truyền thống Cổ Chất Silk của HTX Lụa Cổ Chất được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, khẳng định chất lượng và tạo tiềm năng phát triển xa hơn của thương hiệu. Gần đây, làng Cổ Chất không chỉ được biết tới với sản phẩm tơ lụa mà còn là địa điểm tham quan, trải nghiệm thu hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những công đoạn làm nên sợi tơ, dệt nên tấm lụa thủ công truyền thống.

Chia sẻ về định hướng sắp tới, chị Hải cho biết HTX sẽ nghiên cứu sâu hơn để đưa chất liệu tơ tằm tự nhiên ứng dụng vào mọi khía cạnh, nhằm mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất. Bên cạnh đó, HTX phát triển các sản phẩm quà tặng tơ tằm truyền thống cho khách hàng nước ngoài khi tới Việt Nam, của người Việt Nam khi ra nước ngoài. Trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu cho các thương hiệu thời trang lớn và nhỏ tại Việt Nam và trên thế giới.

Nghề ươm tơ Cổ Chất hiện vẫn được gìn giữ, nhưng nếu muốn bảo tồn, phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của làng nghề ươm tơ truyền thống (như hình thành điểm tham quan, phát triển du lịch, quảng bá thương hiệu...), cần có sự vào cuộc của chính quyền, từ xây dựng chiến lược lâu dài, đến các giải pháp hỗ trợ thiết thực, cụ thể như tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, đầu tư cải tiến công nghệ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm làng nghề; qua đó giúp người dân Cổ Chất có thêm động lực để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đáng tự hào này.

Phương Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/giu-nghe-truyen-thong-o-lang-uom-to-co-chat-i733118/