Giữ quyền chất vấn với Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh là cần thiết, bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình

Sáng 14/5, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), một số ĐBQH nêu rõ, việc duy trì quyền chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân là cần thiết để bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của đất nước

Đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 của Trung ương, Kết luận số 126-KL/TW, Kết luận số 127-KL/TW, Kết luận số 37-KL/TW năm 2025 của Bộ Chính trị về bỏ cấp trung gian, xây dựng chính quyền 2 cấp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã không chỉ để mở rộng, tạo không gian phát triển mà còn là tầm nhìn chiến lược cho quá trình phát triển; sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Do đó, đại biểu Tô Văn Tám tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chỉ tập trung vào tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Góp ý về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, một số ĐBQH đề nghị cân nhắc việc bỏ thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu dự phiên họp. Ảnh Hồ Long

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu dự phiên họp. Ảnh Hồ Long

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, theo khoản 2, Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định này được giữ nguyên trong lần sửa đổi này thì thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm.

Hiến pháp chỉ giới hạn tính độc lập của Tòa án trong phạm vi xét xử chứ không phải trong tất cả các hoạt động của Tòa án. Quy định này khác với quy định tại Điều 118 của Hiến pháp năm 2013 về Kiểm toán nhà nước, đó là Kiểm toán nhà nước hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Cùng với đó, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước và Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện quyền lực nhà nước phải đặt dưới sự giám sát của Nhân dân. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp cần tạo điều kiện tốt hơn để người dân tham gia tích cực hơn vào giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Chất vấn là một công cụ giám sát quan trọng nhằm bảo đảm các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giải trình trước đại biểu dân cử và nhân dân. Nếu cho rằng việc chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân làm ảnh hưởng đến tính độc lập của tư pháp sẽ rất khó lý giải việc chất vấn của ĐBQH đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chất vấn của đại biểu HĐND không có nghĩa là can thiệp vào nội dung xét xử hay truy cứu một vụ án cụ thể mà tập trung vào trách nhiệm quản lý việc tổ chức thi hành và tuân thủ pháp luật của Chánh án và Viện trưởng. Do đó, việc duy trì quyền chất vấn với hai chức danh tư pháp này là cần thiết để bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này, thì mô hình tổ chức của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân có 3 cấp là, cấp tối cao, cấp tỉnh và cấp khu vực. Như vậy, việc trao quyền giám sát, nhất là quyền chất vấn cho đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là phù hợp, khả thi, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa khẳng định.

Nghiên cứu mở rộng đối tượng được chất vấn của đại biểu HĐND

Cùng quan điểm về việc giữ quyền chất vấn với hai chức danh tư pháp cấp tỉnh, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị vẫn giữ nguyên chủ thể Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được chất vấn như trong Hiến pháp 2013 hiện hành và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại khoản 5 Điều 33.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng thời, bổ sung đối tượng được chất vấn là: “Các cơ quan nhà nước khác trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương” và đối tượng được đại biểu HĐND chất vấn tại khoản 2 Điều 115.

Lý lẽ cho đề xuất nêu trên, theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, là bởi đại biểu HĐND được chất vấn đối với các cơ quan nhà nước khác trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương, sẽ giúp cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong thực hiện chính sách, pháp luật và thực thi công vụ trên địa bàn được tốt hơn.

Cùng với đó, cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng phân cấp, phân quyền ngày càng mạnh cho các địa phương và bộ, ngành Trung ương, trong đó có các cơ quan ngành dọc của Trung ương tại địa phương, việc mở rộng đối tượng được chất vấn của đại biểu dân cử sẽ giúp HĐND nói riêng và cơ quan Nhà nước cấp trên tăng cường giám sát, kiểm soát tốt việc thực hiện quyền lực Nhà nước tại địa phương.

Việc bổ sung đối tượng được chất vấn cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp hiện hành vì tại khoản 2 điều 8 Hiến pháp năm 2013, quy định “ Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.

Những nội dung nêu trên nhằm nhấn mạnh rằng, các cơ quan nhà nước phải chịu sự giám sát của Nhân dân (không có giới hạn phạm vi là cơ quan nào); đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân địa phương. Vì vậy các cơ quan nhà nước tại địa phương chịu sự giám sát của Nhân dân thông qua chất vấn của đại biểu là phù hợp với các quy định khác của Hiến pháp.

Tại Điều 113 của Hiến pháp 2013 cũng quy định: “HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND”.

Thời gian qua, việc chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND là một trong những hình thức giám sát hữu hiệu trong hoạt động của HĐND, nhất là ở cấp tỉnh, qua đó, nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Nêu bật kết quả này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân khẳng định, có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cần thiết để kiến nghị Quốc hội xem xét, nghiên cứu mở rộng đối tượng được chất vấn của đại biểu HĐND tại địa phương trong Hiến pháp.

Để bảo đảm rõ ràng, khả thi trong thực hiện, đại biểu kiến nghị giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết tại khoản 5 Điều 33 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về phạm vi, nội dung, trình tự chất vấn của HĐND.

Trung Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giu-quyen-chat-van-voi-chanh-an-vien-truong-vien-kiem-sat-cap-tinh-la-can-thiet-bao-dam-tinh-cong-khai-minh-bach-trach-nhiem-giai-trinh-10372366.html