Gỡ khó cấp giấy phép xe chở hàng siêu trường, siêu trọng

Những vướng mắc trong việc cấp phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đang được cơ quan chức năng tích cực tháo gỡ.

Nhiều vướng mắc

Đã nhiều tháng nay, ông Đỗ Quốc Toản, Giám đốc Công ty Vận tải Phú Sơn (Hà Nội) miệt mài gõ cửa các Sở Xây dựng, Khu Quản lý đường bộ để xin giấy phép lưu hành cho những chuyến xe chở hàng siêu trường, siêu trọng. Sau nhiều ngày đi lại và chờ đợi, ông mới hoàn thành được thủ tục cần thiết.

Những khó khăn vướng mắc trong cấp giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hiện nay sẽ được cơ quan chức năng tháo gỡ trong thời gian sớm nhất (Ảnh minh họa).

Những khó khăn vướng mắc trong cấp giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hiện nay sẽ được cơ quan chức năng tháo gỡ trong thời gian sớm nhất (Ảnh minh họa).

Ông Toản cho biết, thời gian qua, việc cấp phép chở hàng siêu trường, siêu trọng tại các địa phương bị quá tải, khiến thời gian xử lý kéo dài. Xe phải nằm chờ khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn, giảm hiệu quả khai thác phương tiện.

Theo quy định hiện hành, chỉ những trường hợp phương tiện vượt quá khổ giới hạn và tải trọng cầu đường mới cần khảo sát hạ tầng trước khi cấp phép. Tuy nhiên, một số Sở Xây dựng lại yêu cầu cả xe vượt quá khổ giới hạn (dù không quá tải cầu đường) cũng phải khảo sát, dẫn tới phát sinh chi phí, thủ tục hành chính và thời gian chờ đợi.

"Doanh nghiệp phải khảo sát nhiều tuyến, chi phí khảo sát cao vượt quá khả năng chi trả. Đi nhiều nơi thì nơi bảo không đủ thẩm quyền, nơi lại nói không dám ký vì mới sáp nhập, chưa có chuyên môn. Có nơi lại không chấp nhận kết quả khảo sát đã thực hiện trước đó cho cùng tuyến đường và hàng hóa", ông Toản bức xúc.

Chung nỗi lo, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội cho biết: "Trước đây, ngày nào cũng có đơn hàng siêu trường, siêu trọng. Giờ xe phải nằm bãi vì không xin được giấy phép. Mỗi ngày thiệt hại hàng chục triệu đồng, người lao động phải nghỉ việc, doanh nghiệp kiệt quệ".

Ông Đặng Văn Chung, Chủ tịch Chi hội Hàng siêu trường, siêu trọng cũng xác nhận, nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc trong quy trình xin cấp phép lưu hành. Đặc biệt, tại các Sở Xây dựng mới sáp nhập, nhiều cán bộ không dám ký cấp phép vì lo ngại chuyên môn không phù hợp. Bên cạnh đó, một số địa phương không cho phép xe siêu trường, siêu trọng lưu thông trên cao tốc, dù không có quy định cấm rõ ràng.

Cũng theo ông Chung, tình trạng không chấp nhận kết quả khảo sát trước đó dù điều kiện vận chuyển gần như tương đồng khiến chi phí tăng cao. "Chi phí khảo sát lớn, giá cước vận tải lại thấp. Không xin được giấy phép, nhiều doanh nghiệp buộc phải 'chạy chui', tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng cầu đường và mất an toàn giao thông", ông nói.

Đáng lo ngại hơn, hàng siêu trường, siêu trọng phần lớn là nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia. Việc vận chuyển đình trệ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thi công, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Khó khăn chỉ mang tính cục bộ

Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, trong quý I/2025, các Sở Xây dựng đã cấp hơn 2.200 giấy phép lưu hành xe siêu trường, siêu trọng.

Theo ông Điệp, việc một số sở không dám ký cấp phép chỉ xảy ra cục bộ ở vài địa phương sau khi sáp nhập giữa Sở GTVT và Sở Xây dựng. "Ở các địa phương là đầu mối giao thông lớn, nhu cầu cấp phép cao khiến quá tải, cán bộ mới còn lúng túng khi rà soát dữ liệu cầu đường, cần thêm thời gian để làm quen", ông nói.

“Những khó khăn vướng mắc trong cấp giấy phép chở hàng siêu trường, siêu trọng sẽ được Cục Đường bộ Việt Nam tiếp thu triệt để tháo gỡ các vướng mắc khi sửa đổi thay thế Thông tư 39/2024 quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ”.

Ông Lê Hồng Điệp

Liên quan đến đề xuất cho phép sử dụng kết quả khảo sát trước đó, ông Điệp cho biết: Nếu xe cùng tải trọng, cùng khổ giới hạn, đi trên tuyến đường đã được khảo sát thì doanh nghiệp xin cấp phép sau có thể tận dụng kết quả cũ, không cần khảo sát lại. Tuy nhiên, trên thực tế, rất hiếm khi hai doanh nghiệp có cùng quãng đường vận chuyển trùng khít hoàn toàn, đặc biệt ở đoạn tiếp cận như vào cảng, công trường, nên vẫn cần khảo sát thêm.

"Chúng tôi khuyến khích các cơ quan cấp phép sử dụng kết quả khảo sát trước đó khi điều kiện tương đương, nhưng cũng cần lưu ý quyền sở hữu kết quả khảo sát thuộc về doanh nghiệp đã bỏ chi phí thực hiện. Nhiều doanh nghiệp không muốn chia sẻ dữ liệu với đối thủ vì lo ngại cạnh tranh giá cước. Đây là vấn đề nằm ngoài chế tài của pháp luật đường bộ", ông Điệp nói và cho rằng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nên đóng vai trò "trọng tài", khuyến khích chia sẻ thông tin khảo sát.

Vì sao xe siêu trường, siêu trọng khó lưu thông trên cao tốc?

Về lý do nhiều tuyến cao tốc từ chối cấp phép cho xe siêu trường, siêu trọng, ông Điệp lý giải: "Hiện nay, các tuyến cao tốc được thiết kế cho tốc độ tối đa 120km/h và tối thiểu 60km/h. Xe chở hàng siêu trường, siêu trọng thường không đạt được tốc độ tối thiểu này, nên không đủ điều kiện lưu thông".

Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu phương án cho phép xe siêu trường, siêu trọng lưu thông trên cao tốc trong trường hợp không thể vận chuyển bằng đường thủy hay đường sắt. Tuy nhiên, phương tiện sẽ phải đi kèm các điều kiện an toàn nghiêm ngặt như có xe dẫn đoàn, cảnh báo trước và chịu trách nhiệm của chủ hàng, chủ xe.

Trần Duy

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/go-kho-cap-giay-phep-xe-cho-hang-sieu-truong-sieu-trong-192250513143340708.htm