Gỡ 'nút thắt' hạ tầng giao thông cho Tây Nam bộ

Châu thổ Cửu Long chiếm khoảng 20% dân số, 12% diện tích, 15,4% GDP của cả nước. Nơi đây hình thành nhiều khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch tập trung với quy mô ngày càng lớn, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của vùng đang thiếu và yếu.

Để gỡ “nút thắt” hạ tầng giao thông cho vùng, giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang triển khai và chuẩn bị đầu tư hàng loạt dự án đường bộ. Dự kiến trong 5 năm tới, hệ thống đường bộ đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) sẽ được bổ sung những tuyến quan trọng, tạo động lực phát triển của vùng…

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 vùng ĐSCCL dự kiến được bố trí khoảng 50.690 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư cả ngành GTVT)... Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, khu vực châu thổ Cửu Long có gần 20 triệu dân sinh sống, được thiên nhiên ưu đãi, rất phù hợp để phát triển nông nghiệp. Giai đoạn 2021-2030, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư các dự án trong vùng ĐBSCL nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và nâng tỷ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước. Bộ GTVT ưu tiên đặc biệt cho một số nhóm dự án như: cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cà Mau; cao tốc An Hữu – TP Cao Lãnh - cầu Vàm Cống - Rạch Giá; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề (Sóc Trăng)...

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã thông xe kỹ thuật chuẩn bị đưa vào khai thác.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã thông xe kỹ thuật chuẩn bị đưa vào khai thác.

Tại Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 diễn ra cuối năm 2021, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ: “Nếu làm tốt, đến năm 2025 ĐBSCL sẽ có 300km đường cao tốc. Trung ương, Chính phủ xác định rất quan tâm, tập trung cho đầu tư xây dựng đường cao tốc cho khu vực này”.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành (Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025), hiện nay 4 quy hoạch quốc gia của ngành GTVT (gồm quy hoạch đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy) đã được ban hành, còn quy hoạch hàng không đang trong quá trình phê duyệt. Do đó, đề nghị tiếp tục cập nhật các quy hoạch ngành quốc gia này vào quy hoạch vùng ĐBSCL.

“Muốn phát triển vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên mà các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Muốn huy động doanh nghiệp vào thì phải trên cơ sở đã có quy hoạch. Chúng ta mời họ vào khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư các hình thức như PPP”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, với sự quan tâm của Trung ương trong việc đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL, hy vọng thời gian tới, giao thông khu vực cải thiện tích cực hơn. Riêng tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành để sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm đi qua địa bàn, trước mắt là dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tỉnh đã kiến nghị phân bổ nguồn vốn từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để ưu tiên đầu tư đoạn Sóc Trăng - Cần Thơ. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng đang tích cực triển khai lập quy hoạch đối với cảng biển Trần Đề nhằm sớm hoàn thành thủ tục để kêu gọi đầu tư. Việc hình thành cảng biển này sẽ góp phần giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu cho toàn vùng ĐBSCL.

“Mới đây, Bộ GTVT có buổi khảo sát thực tế cảng biển Trần Đề và nhiều ý kiến khẳng định, cảng biển cần được đầu tư làm đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả vùng ĐBSCL, chứ không riêng Sóc Trăng. Quá trình xây dựng quy hoạch cần tính đến yếu tố liên kết vùng, bao gồm cả kết nối đường bộ, hàng không và đường thủy, với quy mô tầm cỡ quốc tế, tạo đột phá cho cả khu vực ĐBSCL”, ông Trần Văn Lâu nói.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT triển khai 15 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ khu vực ĐBSCL; trong đó, có 6 dự án đang triển khai và 9 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Về 6 dự án đang triển khai, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, có 3 dự án cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng và 3 dự án còn vướng một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Quang Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), trong giai đoạn 2021-2025, vùng ÐBSCL đang chuẩn bị đầu tư 9 dự án với tổng mức đầu tư trên 72.000 tỷ đồng. Trong đó có 1 dự án mang tầm quốc gia, 3 dự án nhóm A và 5 dự án nhóm B. Ðơn cử, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng có tổng chiều dài là 188,2km, vốn đầu tư 45.024 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội xem xét vào ngày 15/3/2022. Ðường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đi qua tỉnh Ðồng Tháp và Tiền Giang có chiều dài là 27,4km, tổng mức đầu tư là 6.171 tỷ đồng, dự kiến trình Thủ tướng xem xét phê duyệt trước ngày 25/4/2022.

Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26,16km trước đây đã được Thủ tướng phê duyệt theo hình thức ODA, thời gian thực hiện 5 năm kể từ ngày ký Hiệp định; dự kiến ký Hiệp định vào quý II-2023. Dự án cầu Ðại Ngãi với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng đi qua tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, tổng chiều dài 15,2km…

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/go-nut-that-ha-tang-giao-thong-cho-tay-nam-bo-i645122/