Gỡ vướng khâu công tác giải phóng mặt bằng: chìa khóa đẩy nhanh tiến độ các dự án
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang để lại những dấu ấn, trở thành chìa khóa cho nhiều dự án quan trọng trong xây dựng các công trình, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật của đô thị của Hà Nội.
Những công trình trọng điểm
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng là công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2021-2025 nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giữa Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, từng bước hoàn chỉnh tuyến Vành đai 2,5 theo quy hoạch được duyệt. Khó khăn nhất của dự án này là việc GPMB. Việc thi công nằm trong khu vực có nhiều công trình ngầm nổi, nhiều đường dây điện, cáp quang là trục chính và địa chất phức tạp.
Tuy nhiên với sự vào cuộc của quận Hoàng Mai và các đơn vị liên quan, 20 tổ chức có công trình ngầm nổi sau khi có phương án phê duyệt đã tiến hành di chuyển. 5 tổ chức khác và 4 hộ dân có công trình trong phạm vi GPMB cũng đã bàn giao mặt bằng. Trở ngại lớn nhất của dự án là việc xin giấy phép thi công đoạn liên quan đến đường sắt, nhưng đến nay thì thủ tục này cũng đã hoàn thành.
Dự án hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng có tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 900m, quy mô bốn làn xe, mức đầu tư 778 tỷ đồng. Dự án đã giải ngân 100% vốn năm 2023 với 116 tỷ đồng, đang được đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình vào quý II năm sau.
Sau hơn một năm thi công, dự án hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng đang dần hình thành. Dự án đã hoàn thành 9 đốt hầm hở, một đốt hầm kín. Hiện tại thì các công nhân đang làm việc ngày đêm tiến hành thi công hạng mục tường chắn của dự án.
Đáng chú ý, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai Dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, phấn đấu để hoàn thành đoạn trên cao vào Quý II/2024, vận hành toàn tuyến vào năm 2027.
Xác định nguồn gốc làm then chốt
Các chuyên gia về đô thị nhận định, hiện nay, tại các dự án, các vướng mắc về đất đai, quy hoạch là phổ biến. Trong đó, công tác GPMB thường chịu chung cảnh chậm và khó. Chậm vì vướng các thủ tục và quy trình đầu tư nhiều bước, chậm vì phải xác định nguồn gốc đất và đặc biệt là chậm vì cơ chế phối hợp và thẩm quyền xử lý phân tán…
Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Đỗ Đình Phan cho biết, việc phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
“Việc tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay khi chủ trương được duyệt sẽ tranh thủ được thời gian chuẩn bị dự án, giúp GPMB đi trước một bước. Trong việc triển khai thực hiện công tác GPMB của từng địa phương cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân, trong đó TP Hà Nội chọn những khu tái định cư có điều kiện mặt bằng, giao thông thuận lợi, tốt nhất cho người dân”, ông Đỗ Đình Phan nói.
Theo đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, từ kinh nghiệm của Hà Nội cho thấy, hoàn toàn có thể triển khai song song công tác bồi thường GPMB đối với công tác lập dự án thành phần GPMB; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần GPMB thường sẽ triển khai nhanh hơn so với việc lập, thẩm định,… việc ứng vốn từ quỹ đầu tư phát triển TP chi trả cho các phương án GPMB không phụ thuộc vào dự án được duyệt (Điều 53 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định dự án chỉ được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
“Trong năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai dự án trọng điểm Quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng như các dự án trong chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025” - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết.