GÓC NHÌN: SỬA ĐỔI LUẬT ĐỂ ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TÒA ÁN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận lần đầu về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với nhiều nội dung mới nhằm thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW của Đảng. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của Đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu phân tích một số nội dung của dự thảo Luật.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, ngày 24/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015. Luật đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng về công tác Tòa án, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Tòa án nhân dân. Sau 08 năm thi hành, Luật tạo ra những dấu ấn tích cực cho sự phát triển của nền tư pháp nước nhà.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật cho thấy đang bộc lộ những hạn chế, bất cập không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt đó là tình hình, số vụ việc mà tòa án phải thụ lý, giải quyết ngày càng tăng khi mà điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cũng làm phát sinh nhiều tranh chấp và người dân có xu thế lựa chọn con đường giải quyết các tranh chấp bằng con đường tòa án nhiều hơn.
Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống tòa án. Do vậy, phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, pháp luật liên quan và bố trí các điều kiện bảo đảm để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tòa án nhân dân tối cao đã trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nghị quyết số 27-NQ/TW đã nhiều lần nhắc đến trọng tâm “đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra nhiệm vụ giải pháp về xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá. Áp dụng hiệu quả thủ tục tư pháp rút gọn. Hoàn thiện cơ chế khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, đảm bảo độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp; mở rộng thẩm quyền của tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến con người và quyền công dân.
Có thể thấy có rất nhiều nội dung được đề ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW cần phải thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao cũng là một trong những cơ quan tích cực, chủ động để thực hiện các nhiệm vụ được đề ra trong nghị quyết, thực hiện ngay chủ trương của Đảng.
Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 57 điều.
Dự thảo Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, tập trung vào các nội dung như về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.
Thứ nhất, về việc phân định, làm rõ, xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chúng ta chưa rạch ròi cơ quan nào là cơ quan tư pháp, cơ quan nào là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và một số cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Vì vậy, việc dự thảo xác định rõ là cần thiết. Nếu như có nội dung nào chưa phù hợp thì trong quá trình trao đổi, thảo luận của các đại biểu Quốc hội sẽ góp phần cùng Ban soạn thảo hoàn thiện câu chữ, hoàn thiện nội dung để bảo đảm yêu cầu đề ra.
Thứ hai, về việc đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4). Dự thảo Luật quy định: Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:… c) Tòa án nhân dân phúc thẩm; d) Tòa án nhân dân sơ thẩm...
Trên cơ sở Nghị quyết 27-NQ/TW, dự thảo Luật làm rõ thẩm quyền và khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính. Thực tiễn cho thấy có những nơi, những cán bộ trong bộ máy nhà nước vẫn đang hiểu tòa án là một cấp hành chính. Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Vì vậy, quy định của dự thảo Luật không chỉ đơn thuần là việc đổi tên mà khi phân cấp thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm thì cần phải gọi đúng tên. Như hiện nay Tòa án cấp cao tại Hà Nội, Tòa án cấp cao Đà Nẵng, Tòa án cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh hay gọi là cấp giám đốc thẩm hoặc xét xử phúc thẩm những vụ mà tỉnh đã xử, thì sau này có thể là Tòa án sơ thẩm Hà Tĩnh hoặc Tòa án sơ thẩm Nghệ An…nhưng không lệ thuộc vào địa giới hành chính, Tòa sơ thẩm Nghệ An vẫn có thể xử án của Hà Tĩnh. Việc này cũng không làm ảnh hưởng đến các thẩm quyền của các cơ quan tố tụng liên quan. Mặt khác, theo quy định hiện hành, nếu vụ án do Công an tỉnh điều tra, Viện kiểm sát tỉnh truy tố thì vẫn do Tòa án cấp huyện xử, nếu như vụ án này có hình phạt đến 15 năm. Vừa rồi có một số vụ án của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống tham nhũng đã đưa về các tỉnh xử mặc dù là Viện kiểm sát tối cao truy tố, Bộ Công an điều tra. Như vậy phân cấp về thẩm quyền xét xử tòa án sơ thẩm, phúc thẩm không chỉ đơn thuần là đổi về tên gọi mà là đổi mới theo thẩm quyền xét xử để bảo đảm tính độc lập.
Việc thay đổi tên từ tòa án cấp tỉnh thành tòa án phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm thì đây là đối với những vụ việc liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, hay có những vụ án có liên quan đến yếu tố nước ngoài hoặc có những vụ án liên quan đến dư luận rất quan tâm. Khi đó, việc Tòa án phúc thẩm xét xử các vụ án này không làm không ảnh hưởng đến các quan hệ tố tụng hoặc điều tra, truy tố của cơ quan liên quan.
Dự thảo Luật không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Nếu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Nếu như trong hình sự, Tòa án vừa xét xử lại vừa là người khởi tố thì vi phạm nguyên tắc tranh tụng. Theo nguyên tắc này, trong xét xử có cơ quan buộc tội và cơ quan gỡ tội tranh tụng, tòa phải xử là có tội hay không? Ở đây Hội đồng xét xử lại đi khởi tố trước, tức là nguyên tắc suy đoán vô tội cũng vi phạm. Điều này trong hình sự hoàn toàn không được phép.
Dự thảo Luật điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án. Điều 15 dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Trong vụ án hình sự, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng để Tòa án ra bản án. Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.
Tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan, không đánh giá đầy đủ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập. Quy định tòa án thu thập chứng cứ là không phù hợp và cũng không phù hợp với nguyên tắc đương sự có quyền định đoạt. Trong một vụ án có thể có rất nhiều đương sự gồm nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu như quy định tòa án phải thu thập chứng cứ, đồng nghĩa với việc tòa là người đi kiện và tòa án cũng là người bị kiện. Một khi tòa án thu thập chứng cứ thì phải thu thập tất cả các bên, chứ không phải thu thập cho nguyên đơn mà không thu thập cho bị đơn. Rõ ràng, trong dân sự, khi anh đi kiện, anh có tài liệu gì thì phải nộp cho chứng cứ cho tòa, trừ trường hợp không thể thu thập được thì tòa án có thể làm văn bản yêu cầu các cơ quan phải giao nộp chứng cứ cho cho đương sự.
Quy định về việc thu thập chứng cứ của tòa án đã không còn phù hợp với thực tiễn. Với quan điểm là tòa án phục vụ người dân nhưng không làm thay, do đó, việc quy định cần bảo đảm quyền lợi cho tất cả các bên đương sự.
Để tạo thuận lợi cho đương sự, người tham gia tố tụng khác trong quá trình giải quyết, xét xử vụ việc dân sự, vụ án hành chính, tòa án sẽ hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc. Tòa án hỗ trợ các đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.Việc dự thảo Luật quy định tòa án chỉ hỗ trợ thu thập chứng cứ, tài liệu đối với những đối tượng là người yếu thế thể hiện tính nhân văn rất cao.
Về không tiến hành điều tra, thanh tra đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc đang trong quá trình tố tụng (khoản 3 Điều 11). Dự thảo Luật quy định: “3. Không tiến hành điều tra, thanh tra đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc đang trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định Thẩm phán, Hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong giải quyết vụ việc đó”.
Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết 27-NQ/TW đều quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Việc Cơ quan thanh tra, điều tra tiến hành hoạt động thanh tra, điều tra, yêu cầu Tòa án, Thẩm phán báo cáo khi vụ án đang trong quá trình tố tụng có thể làm ảnh hưởng đến nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Thực tế, vụ việc do tòa án giải quyết có thời hạn nhất định. Khi có hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ làm ảnh hưởng đến thời hạn này và sẽ làm ảnh hưởng đến đảm bảo độc lập xét xử của thẩm phán và Hội đồng xét xử. Vì đây là một hoạt động cụ thể và của những người tiến hành tố tụng đang làm. Nếu như vụ việc này có những vi phạm rõ ràng thì cũng không cần phải thanh tra, kiểm tra. Nhưng nếu thanh tra, kiểm tra đối với một hồ sơ đang làm thì sẽ không có giá trị để kết luận. Do đó, tôi đồng tình với quy định tại khoản 3, Điều 11 dự thảo Luật về không tiến hành điều tra, thanh tra đối với hoạt động xét xử đang trong quá trình tố tụng.
Hiện nay thẩm phán có 4 ngạch là sơ cấp, trung cấp, cao cấp và tối cao. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng quy định 2 ngạch, 2 ngạch này có 9 bậc và ở tối cao vẫn có thẩm phán các cấp.
Theo quy định hiện nay dẫn đến một tình trạng là có những người làm suốt đời đến khi về hưu cũng chỉ là thẩm phán sơ cấp, mặc dù trình độ chuyên môn rất giỏi, có kiến thức, rất nhiều kinh nghiệm chuyên sâu nhưng vì ở tòa án cấp huyện nên chỉ là thẩm phán sơ cấp. Việc chuyển lên tòa án cấp tỉnh cũng khó khăn bởi thủ tục lâu, phức tạp và khống chế về số lượng thẩm phán mỗi cấp. Mặt khác tâm lý người dân cho rằng thẩm phán sơ cấp xử sẽ không thể bằng thẩm phán trung cấp và cao cấp được.
Về nhiệm kỳ bổ nhiệm theo quy định hiện hành cũng có sự khập khiễng giữa quản lý nhà nước về hành chính và tư pháp. Nếu như ở cơ quan hành chính là chuyên viên cao cấp thì không có thời hạn nhưng là thẩm phán cao cấp thì có thời hạn 5 năm. Do đó, cần có sự sửa đổi về ngạch bậc thẩm phán và thời hạn bổ nhiệm thẩm phán.
Một nội dung cần được quan tâm hơn là xây dựng cơ chế bảo vệ thẩm phán. Bởi thực tế ở tòa án là một môi trường làm việc rất phức tạp và tính nguy hiểm cao. Có những vụ việc có 5-7 người, nhưng cũng có những tranh chấp có đến cả nghìn người gồm các bị cáo, người bị hại, những người có liên quan. Trong những vụ việc phức tạp như vậy mà không có sự hỗ trợ và bảo vệ phiên tòa, cũng như bảo vệ thường xuyên ở trụ sở tòa án thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Những người đến tòa là những người có tâm lý dễ bị kích động, các bên xung đột, tranh chấp…Do đó, cần bổ sung những quy định để bảo đảm thẩm phán yên tâm công tác và người dân được bảo vệ khi đến Tòa án giải quyết vụ việc; có cơ chế chính sách đối với thẩm phán bị tổn hại sức khỏe, tính mạng vì lý do thực hiện công vụ./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82831