GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT CÔNG ĐOÀN (SỬA ĐỔI): Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ
Trong giai đoạn mới, Công đoàn phải nâng cao năng lực đội ngũ để khẳng định vị thế và bảo vệ tốt nhất cho người lao động
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM vừa có buổi tiếp xúc cử tri để lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (CĐ). Tại buổi làm việc, nhiều nội dung thiết thân với tổ chức CĐ và người lao động (NLĐ) đã được thảo luận, góp ý nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và bảo đảm các điều kiện để CĐ hoạt động có hiệu quả nhất trong giai đoạn mới. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là việc sử dụng hiệu quả kinh phí CĐ, tổ chức đại diện cho NLĐ, việc kết nạp đoàn viên là người nước ngoài…
Mở rộng đối tượng tập hợp
Kết nạp lao động phi chính thức và đoàn viên người nước ngoài là vấn đề hoàn toàn mới nên được nhiều đại biểu quan tâm khi góp ý sửa đổi Luật CĐ.
Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch CĐ Giáo dục TP, cho biết khi đất nước hội nhập sâu rộng, việc dịch chuyển lao động giữa các nước trong khu vực sẽ diễn ra thường xuyên. Bộ Luật Lao động 2019 cũng đã bổ sung NLĐ là người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam được quyền gia nhập tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp, do đó việc đưa nhóm lao động này vào đối tượng tập hợp của tổ chức CĐ là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên theo bà Gái, việc kết nạp nhóm đối tượng này cần tính toán đến vấn đề thời gian lao động tại Việt Nam. "Rất nhiều giáo viên người nước ngoài chỉ làm việc trong thời gian ngắn. Họ thường xuyên du lịch qua các nước và làm việc tại nơi đó một thời gian, sau đó tiếp tục dịch chuyển. Do đó, khi vận động họ cần xem xét đến nguyện vọng và thời hạn hợp đồng lao động để thuận tiện trong công tác quản lý" - bà Gái đề xuất.
Khi Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực, sẽ có những tổ chức đại diện NLĐ ra đời, hoạt động song song với CĐ tại cơ sở. Do đó, hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ CĐ cần được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Khoản 2, điều 24 trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ có thay đổi so với luật hiện hành. Cụ thể, Luật CĐ 2012 quy định cán bộ CĐ không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc/tháng đối với chủ tịch, phó chủ tịch và 12 giờ/tháng với ủy viên, tổ trưởng, tổ phó CĐ để thực hiện nhiệm vụ CĐ mà vẫn được trả lương.
Tuy nhiên, dự thảo chỉ nêu cán bộ CĐ được bảo đảm thời gian thực hiện nhiệm vụ CĐ. Theo các đại biểu, việc nêu chung chung như thế sẽ gây khó cho hoạt động CĐ. Ông Nguyễn Đình Cường - Chủ tịch LĐLĐ quận Thủ Đức, TP HCM - đề nghị khi sửa đổi luật cần bổ sung biện pháp chế tài đối với doanh nghiệp (DN) cản trở, trì hoãn việc thành lập CĐ.
Ông Cường nêu thực tế: "Sau một thời gian đeo bám, chúng tôi đã vận động thành công 200 lao động tại một DN đồng ý viết đơn gia nhập CĐ. Tuy nhiên ngay sau đó, phía DN cho biết sau khi suy nghĩ, NLĐ đã thay đổi quyết định. Thực tế này cho thấy DN đã có tác động để NLĐ không thể thực hiện quyền của mình và trì hoãn việc thành lập CĐ. Hành vi này cần phải có biện pháp chế tài nghiêm".
Sử dụng hiệu quả kinh phí Công đoàn
Tài chính CĐ là nội dung được quan tâm thảo luận tại buổi tiếp xúc. Theo đó, giữa các phương án được nêu trong dự thảo, hầu hết đại biểu chọn phương án 1 là kinh phí CĐ được phân chia theo tỉ lệ 75% về cơ sở và 25% do CĐ cấp trên quản lý, sử dụng. Đối với đơn vị có tổ chức của NLĐ thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí CĐ.
Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP HCM) bày tỏ: "Kinh phí CĐ nhằm bảo đảm hoạt động của CĐ và chăm lo cho NLĐ nên tôi chọn phương án 1 là vẫn giữ quy định mức đóng kinh phí 2% và có phân chia tỉ lệ rõ ràng giữa các cấp CĐ. Tuy nhiên, kinh phí là vấn đề lớn của tổ chức nên cần công khai, rõ ràng". Đồng thời, luật sư Hòa đặt ra câu hỏi với nơi không có CĐ cơ sở thì CĐ cấp trên trực tiếp sẽ bảo vệ quyền lợi NLĐ như thế nào, đóng góp 2% kinh phí sẽ ra sao, ai giữ?
Đồng tình với nhận định này, nhiều đại biểu cho rằng cơ chế tài chính cần phải được bổ sung và hướng dẫn thêm cho sát với thực tế để việc sử dụng kinh phí phù hợp và hiệu quả, nhất là trong các trường hợp một số đơn vị có đóng kinh phí nhưng chưa có CĐ, sau đó đơn vị khó khăn phải giải thể. Các quy định về sử dụng kinh phí cần linh động hơn theo hướng để CĐ cơ sở được tự quyết định sử dụng trong phạm vi nguồn lực của mình, chỉ cần báo cáo về cấp trên. Bà Nguyễn Kim Dung, Chủ tịch CĐ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP, nhận xét quy định về sử dụng tài chính CĐ hiện nay còn nhiều ràng buộc.
Ví dụ việc quy định mức chăm lo cho công nhân khó khăn hiện nay là 500.000 đồng/người, mức hỗ trợ này thực tế cần phải tăng lên thì mới giúp đoàn viên giải quyết khó khăn. "Theo tôi, nếu CĐ chăm lo tốt và có uy tín thì dù có nhiều tổ chức đại diện khác, NLĐ vẫn sẽ chọn CĐ" - bà Dung nói. Các đại biểu thống nhất cần phải tiếp tục quy định DN dù có hay không có CĐ cơ sở cũng phải đóng góp khoản kinh phí này, vì bản chất nguồn kinh phí này để chăm lo, hỗ trợ cho đời sống đoàn viên, NLĐ những lúc khó khăn.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, khẳng định: "Về thực chất, kinh phí CĐ là cơ sở vật chất nhằm bảo đảm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Nếu không có nó thì những câu chuyện về chăm lo đời sống NLĐ, việc giải quyết vấn đề lao động tại TP cho tới nay đã không diễn ra suôn sẻ".
"Vai trò, sứ mệnh của tổ chức CĐ Việt Nam trong thời gian tới là tiếp tục phát triển, là chỗ dựa tin cậy cho NLĐ. Tuy nhiên, có những vấn đề tổ chức CĐ cần nghiên cứu để nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ tốt nhất, chăm lo kịp thời cho đoàn viên" .
Bà VĂN THỊ BẠCH TUYẾT,
Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM