Góp ý sửa đổi Luật Giáo dục đại học: 'Cần giữ và phát huy vai trò hội đồng trường ở các trường ĐH thành viên'
Chiều 10-7, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm 'Góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học: Giữ hay bỏ hội đồng trường 2 cấp?'.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo lần 2 của Luật Giáo dục đại học (ĐH) (sửa đổi), trong đó có một nội dung đang thu hút sự quan tâm đặc biệt: Đề xuất bãi bỏ hội đồng trường của các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Quốc gia và ĐH vùng. Điều này nhằm tinh gọn bộ máy và thống nhất mô hình quản trị trong hệ thống ĐH.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia và lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng việc duy trì hội đồng trường ở cấp trường thành viên là thiết yếu để bảo đảm tính linh hoạt, khả năng tự chủ chiến lược và phù hợp với thực tiễn quản trị ĐH.
Nhằm tạo diễn đàn trao đổi khách quan, khoa học và đa chiều về vấn đề này, chiều nay, 10-7, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm: “Góp ý dự thảo Luật Giáo dục ĐH: Giữ hay bỏ hội đồng trường hai cấp?”. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các ĐH và trường thành viên cùng trao đổi, phân tích đa chiều về mô hình hội đồng trường hai cấp, đưa ra những kiến nghị phù hợp, giúp hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi).

Quang cảnh buổi tọa đàm Ảnh: NGUYỆT NHI
Cần những góc nhìn đa chiều
Báo Pháp Luật TP.HCM kỳ vọng tọa đàm sẽ là diễn đàn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, những giải pháp khả thi, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Đặc biệt, các nội dung liên quan đến mô hình hội đồng trường hai cấp được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị thực tiễn cao.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng biên tập, Báo Pháp Luật TP.HCM cho hay tại Việt Nam, các ĐH Quốc gia và ĐH Vùng đang áp dụng mô hình quản trị hai cấp, gồm Hội đồng ĐH ở cấp toàn hệ thống và Hội đồng trường ở từng trường thành viên.

Ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo ông Thọ, về lý thuyết, mô hình này nhằm kết nối định hướng chung của ĐH với quyền tự chủ của từng trường. Tuy nhiên, trong thực tiễn, sự tồn tại song song hai cấp hội đồng làm phát sinh một số băn khoăn nhất định.
"Việc Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) lần này đề xuất bãi bỏ Hội đồng trường ở cấp trường thành viên chính là một vấn đề lớn cần được nhìn nhận thấu đáo. Bởi đây không chỉ là điều chỉnh về mặt tổ chức, mà là quyết định mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự chủ thực chất, cơ chế ra quyết định và sự phát triển riêng biệt của từng trường đại học, đồng thời tác động sâu rộng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia" - ông Thọ nói.
Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm lớn từ giới chuyên gia, nhà quản lý và các cơ sở giáo dục ĐH. Vì lẽ đó, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm hôm nay với tinh thần cầu thị, khách quan và trách nhiệm.
“Chúng tôi kỳ vọng thông qua các tham luận, phản biện và ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các trường đại học, diễn đàn này sẽ góp phần làm sáng tỏ những vướng mắc về lý luận và thực tiễn xoay quanh mô hình hội đồng trường hai cấp, sẽ góp phần trả lời được câu hỏi: Nên giữ hay bỏ hội đồng trường hai cấp?
Đồng thời, chúng tôi mong muốn những góc nhìn đa chiều, những kiến nghị xuất phát từ thực tiễn sẽ được tổng hợp, kết nối và chuyển tải đến các cơ quan hoạch định chính sách. Qua đó, cùng chung tay xây dựng một hệ thống giáo dục đại học hiện đại, tự chủ thực chất, quản trị hiệu quả và hội nhập sâu rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong giai đoạn mới” - ông Đinh Đức Thọ nhấn mạnh.
Hội đồng trường đã phát huy hiệu quả tự chủ tài chính
GS.TS Lê Minh Phương, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: Từ năm 2020, Trường ĐH Bách Khoa là trường đầu tiên trong hệ thống ĐH quốc gia tổ chức được Hội đồng trường đúng quy định của Luật Giáo dục đại học 2018.

GS.TS Lê Minh Phương, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Hội đồng có 25 thành viên đại diện cho nhà trường, doanh nghiệp, cựu sinh viên, chuyên gia độc lập. Cơ chế hoạt động định kỳ, công khai, bỏ phiếu các quyết sách chiến lược. Trong thời gian qua, trường đại học đã bùng nổ nghiên cứu và công bố quốc tế, có nhiều đề tài được cấp bằng sáng chế quốc tế...
Bên cạnh đó, Trường ĐH Bách Khoa tiếp tục giữ vững vị thế là đơn vị dẫn đầu cả nước với 70 chương trình đào tạo...Trường đã tự chủ hoàn toàn về học phí, công khai biểu phí và chính sách hỗ trợ học bổng minh bạch, tổng ngân sách trường hằng năm lên đến 900 tỷ đồng.
Từ khi tự chủ trường đã và đang tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm, không gian sáng tạo và các tiện ích phục vụ sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và trải nghiệm học tập.
Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM đã triển khai thành công mô hình tự chủ đại học theo chiều sâu và chiều rộng, không chỉ ở tổ chức và tài chính mà còn về học thuật, nghiên cứu, trách nhiệm xã hội. ĐH Bách khoa TP.HCM là mô hình mẫu điển hình của tự chủ ĐH toàn diện và hiệu quả.
Việc triển khai mô hình tự chủ ĐH tại Trường ĐH Bách Khoa đã giúp trường khẳng định năng lực tự chủ tài chính - học thuật - tổ chức, đạt các bước tiến vững chắc về chất lượng và vị thế quốc tế, đạt các bước tiến vững chắc về chất lượng và vị thế quốc tế...
Cũng theo GS.TS Lê Minh Phương, trong bối cảnh tình hình quốc tế và thực tiễn triển khai tại cơ sở giáo dục ĐH như vừa nêu trên, dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2025 với nhiều điểm mới, có tác động mạnh mẽ tới các cơ sở giáo dục, người dạy và người học.
Đặc biệt, dự thảo đề xuất các cơ sở giáo dục ĐH thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các trường ĐH thành viên của ĐH quốc gia, ĐH vùng không tổ chức Hội đồng trường (tại Điều 13) là một vấn đề gây băn khoăn.
Theo GS.TS Lê Minh Phương, Điều 13 của dự thảo mâu thuẫn với nguyên tắc tự chủ đại học, đi ngược lại với Luật Giáo dục đại học 2018 (sửa đổi) và các Nghị quyết 19, 29 của Trung ương.
"Điều này đi ngược với xu hướng quốc tế và cải cách trong nước - xa rời mô hình quản trị đại học quốc tế. Nước nào họ cũng có hội đồng trường, trong khi nước ta dự kiến thu gọn. Điều này sẽ làm suy yếu vai trò của trường thành viên, làm gián đoạn tiến trình tự chủ đã triển khai từ năm 2020, tạo bất bình đẳng giữa các loại trường, nguy cơ mất nguồn nhân lực chất lượng cao"- GS.TS Lê Minh Phương nói.
Theo vị này, hiện nay chưa có báo cáo đánh giá toàn diện, khách quan, có cơ sở khoa học về kết quả hoạt động tự chủ của các trường thành viên giai đoạn 2020-2024.
Trên cơ sở phân tích nêu trên, Trường ĐH Bách Khoa kiến nghị Bộ GD&ĐT sửa quy định tại Điều 13 liên quan đến việc “Không tổ chức Hội đồng trường” ở các trường ĐH thành viên ĐH quốc gia, ĐH vùng theo quan điểm “mọi cơ sở giáo dục đại học đều có quyền tự chủ như nhau”; giữ nguyên mô hình hội đồng trường theo Luật Giáo dục đại học 2018 cho tất cả các trường đại học dân sự. Bên cạnh đó, cần có đánh giá tác động độc lập, khảo sát rộng rãi các trường thành viên; đảm bảo rằng mọi điều chỉnh luật đều dựa trên bằng chứng thực tiễn, số liệu khoa học và đánh giá độc lập, không mang tính suy đoán.
Do vậy, GS.TS Lê Minh Phương đề xuất Bộ GD&ĐT cần thành lập một hội đồng đánh giá hiệu quả hoạt động tự chủ của các trường ĐH thành viên (tổng kết 5 năm thực hiện tự chủ)...


Các đại biểu trao đổi bên lề tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tọa đàm thu hút sự quan tâm của các các đại biểu là nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các đại học quốc gia cùng các trường đại học thành viên, các cơ quan thông tấn báo chí. Ảnh: NGUYỆT NHI
PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật – Đại học Huế nhận định việc duy trì Hội đồng trường ở các trường đại học thành viên là một thiết chế không thể thiếu. Ông cho rằng, vì các trường đại học thành viên là một cơ sở giáo dục đại học đúng nghĩa, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ như các trường đại học khác, nên Hội đồng trường là yếu tố tất yếu trong quản trị đại học.

PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật – Đại học Huế
Hội đồng trường giúp quyết định định hướng phát triển, nâng cao năng lực phản biện, kiểm soát quyền lực và kết nối nhà trường với xã hội, doanh nghiệp.
Thực tiễn 5 năm qua cho thấy Hội đồng trường của các trường đại học thành viên đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều trường khẳng định thương hiệu và đạt tự chủ tài chính nhóm 1, nhóm 2. Việc không tổ chức Hội đồng trường sẽ tạo ra nguy cơ làm mờ ranh giới giữa điều phối chiến lược của đại học quốc gia/vùng và điều hành tác nghiệp của trường thành viên. Điều này có thể khiến các đại học lớn "dấn sâu vào các công việc vốn rất đa dạng và đặc thù" của các trường thành viên, làm mất đi vai trò chiến lược của mình.
Theo PGS.TS Đoàn Đức Lương, hiện nay, Đại học Quốc gia và Đại học vùng là mô hình đại học hai cấp, trong đó có các trường đại học thành viên là những cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân.
Trong khi đó, mô hình "Đại học" (xuất hiện từ năm 2020) lại là mô hình một cấp, các "trường" bên trong chỉ là đơn vị chuyên môn và không có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, dự thảo lại có xu hướng gộp chung các loại hình này, ví dụ tại điểm a, khoản 1, Điều 11 ghi: “Đại học (bao gồm cả đại học quốc gia và đại học vùng)” là thực sự chưa hợp lý.

Trường ĐH Luật (Đại học Huế) có sự tham dự của TS Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng trường, PGS.TS Nguyễn Duy Phương - Phó Hiệu trưởng trường. Ảnh: NGUYỄN DO
Cách gọi mô hình hội đồng trường ‘hai cấp’ chưa chính xác
Phát biểu tại tọa đàm, PGS. TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng Phòng Thanh tra pháp chế Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM bày tỏ quan điểm về “Giữ hay bỏ mô hình hội đồng trường hai cấp - các vấn đề pháp lý và thực tiễn đặt ra cần giải quyết”.

PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp. Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, mô hình hội đồng trường “hai cấp” (Hội đồng ĐH và Hội đồng trường thành viên) bắt nguồn từ Luật Giáo dục đại học năm 2012 và được làm rõ hơn qua lần sửa đổi năm 2018, cũng như Nghị định 186. Tuy nhiên, cách gọi “hai cấp” là chưa chính xác, bởi mối quan hệ giữa hai loại hội đồng này không phải quan hệ cấp trên – cấp dưới. Đây là hai thiết chế độc lập về mặt quản trị trong một thể chế đại học.
PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp cho rằng Hội đồng trường là cơ quan quản trị cao nhất tại mỗi trường thành viên, có quyền quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển, tổ chức bộ máy, quy chế tài chính, tuyển sinh, mở ngành, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…
Hội đồng Trường cũng giám sát hoạt động của ban giám hiệu và các quyết định quản lý lớn. Tất cả vấn đề lớn liên quan đến thu nhập của một trường, các hoạt động vận hành, chi tiêu tài chính cho trường đại học đều được quyết định bởi hội đồng trường. Trong khi đó, hội đồng ĐH chủ yếu tập trung ở tầm chiến lược cấp hệ thống, không trực tiếp giám sát hay quản trị từng trường thành viên. Hội đồng trường đi vào thực tế tất cả các công việc liên quan đến sự vận hành của trường đại học, còn hội đồng ĐH quan tâm đến quyết định chiến lược, phát triển của ĐH.
Nếu Điều 13 được thông qua và bỏ hội đồng trường thì việc “đẩy” toàn bộ chức năng đó lên hội đồng ĐH là bất khả thi – vừa trái thực tiễn, vừa không phù hợp quy định pháp luật hiện hành. Theo PGS. TS Đoàn Thị Phương Diệp, trên thế giới, các mô hình tương tự đều tồn tại, dù khác nhau về tên gọi và cấu trúc. Cụ thể, tại Mỹ là hội đồng quản trị (Board of Trustees), gồm các thành viên chủ yếu là doanh nhân, nhà quản trị. Tại Anh, Úc và nhiều nước châu Âu là University Council – đóng vai trò định hướng chiến lược, giám sát và kết nối với xã hội. Luật Giáo dục đại học của Việt Nam hiện hành là sự kết hợp hài hòa giữa hai mô hình: vừa có yếu tố quản trị, vừa có vai trò giám sát – phản biện – kết nối cộng đồng. Đây là một cấu trúc tiến bộ, cần được phát huy thay vì xóa bỏ. Luật năm 2018 đã xác định rõ hội đồng Trường là tổ chức quản trị cao nhất tại mỗi trường đại học. Thiết chế này không gây tốn kém, vì không hoạt động thường trực. Tuy nhiên, nó tạo ra một “lực đối trọng” cần thiết để giám sát hiệu quả ban giám hiệu, đảm bảo sự minh bạch và nâng cao chất lượng quản trị.
Việc bãi bỏ hội đồng Trường không những làm suy giảm quyền tự chủ đại học, mà còn đi ngược lại xu thế hiện đại hóa giáo dục đại học, cả về lý thuyết và thực tiễn quốc tế.
“Từ thực tiễn hoạt động tại các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia, tôi khẳng định: sức mạnh hệ thống của một ĐH quốc gia đến từ sự vững mạnh và tự chủ của từng đơn vị thành viên. Việc duy trì hội đồng Trường chính là duy trì sự lớn mạnh đó”-PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp đề xuất.

PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định việc chuyển sang cơ chế tự chủ cùng với sự hiện diện của Hội đồng trường đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính trường nơi bà công tác, cũng như cho các trường thành viên khác trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM.
“Lợi ích rõ nét nhất mà tôi nhận thấy là cơ chế tự chủ đã giúp chặn đứng tình trạng "chảy máu chất xám", giữ chân được các nhà khoa học giỏi, từ đó tạo điều kiện cho nhà trường phát triển nhanh, bền vững. Quan sát các trường khác trong ĐH Quốc gia TP.HCM, tôi cũng thấy xu hướng tương tự khi chuyển sang tự chủ, các trường đều có bước phát triển nhanh và mạnh mẽ. Đó là tín hiệu rất đáng mừng” - PGS.TS Ngân chia sẻ.
Cũng theo bà Ngân, ĐH Quốc gia và các ĐH vùng hiện nay đang thực hiện những nhiệm vụ chiến lược quan trọng, không chỉ trong giáo dục, mà còn trong phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ của đất nước. Vì vậy, trong giai đoạn mà chúng ta cần bứt phá và phát triển nhanh, các trường đại học cần phải phát huy quyền tự chủ của mình.
Việc duy trì Hội đồng trường với sự tham gia của nhiều thành phần, đặc biệt là từ doanh nghiệp và các lĩnh vực liên quan, sẽ giúp các hiệu trưởng có thêm góc nhìn đa chiều, từ đó đưa ra những quyết sách toàn diện và thực tiễn hơn. “Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ việc tiếp tục giữ mô hình Hội đồng trường cho các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia và các ĐH vùng trong thời gian tới” - bà Ngân nói.
Cần phân định rõ vai trò hội đồng trường
PGS.TS Lê Tuấn Lộc cho rằng tương tự nhiều hệ thống đại học trên thế giới như ở Mỹ, hệ thống ĐHQG Việt Nam gồm các trường độc lập, quy mô lớn. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở Việt Nam, các trường thành viên còn có thêm hội đồng trường – một thiết chế quan trọng trong đảm bảo cơ chế tự chủ.

PGS.TS Lê Tuấn Lộc, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM)
Ông Lộc cho rằng trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi chưa có sự phân biệt rõ giữa đại học quốc gia, đại học vùng và các đại học khác mà dường như đang được gom chung thành một loại hình. Theo ông, dự thảo luật cần phân định giữa các khái niệm “đại học”, “trường đại học” và “hệ thống đại học”, bởi điều này liên quan trực tiếp đến tổ chức và vai trò của Hội đồng đại học và Hội đồng trường – trong đó, quyền tự chủ thực chất bắt nguồn từ các trường thành viên.
Về thực tiễn quản trị, PGS.TS Lộc cho rằng hội đồng trường hiện nay, với sự tham gia của nhiều thành phần là thiết chế đảm bảo tính giám sát, khách quan và đưa ra các quyết sách chính xác.
“Việc thay đổi mô hình cần được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng. Nếu thiếu cơ sở thực tiễn và khoa học, việc đưa vào luật có thể dẫn đến nhiều bất cập trong triển khai” - ông Lộc nhấn mạnh.
PGS.TS Lộc cũng chỉ ra rằng dù thực tế có nơi quản trị chưa tốt do vướng mắc trong điều hành, nhưng tại ĐHQG TP.HCM, việc triển khai hội đồng trường đang vận hành hiệu quả. Các trường thành viên xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ với định hướng chung, không phát sinh bất nhất.
“Tổ chức Hội đồng trường tại các trường thành viên đang hoạt động tốt thì không lý do gì phải thay đổi. Nếu chỉ còn Hội đồng ĐHQG mà bỏ Hội đồng trường, hệ thống sẽ rơi vào tình trạng quá tải, cồng kềnh và kém linh hoạt trong xử lý các vấn đề cụ thể. Tôi cho rằng cần tiếp tục duy trì hội đồng trường tại các trường thành viên, đồng thời có thể bổ sung quy định để nâng cao hiệu quả hoạt động” - PGS.TS Lộc kiến nghị.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH An Giang, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trước khi sửa đổi Điều 13 của dự thảo Luật Giáo dục đại học, chúng ta cần có quá trình tổng kết, đánh giá toàn diện.

PGS.TS Trần Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH An Giang, ĐH Quốc gia TP.HCM
Đặc biệt, cần xem xét kinh nghiệm thực tiễn của các trường ĐH thành viên trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng như các ĐH vùng đã thực hiện tự chủ tài chính trong thời gian qua.
Từ đó, chúng ta sẽ có được những thông tin, cơ sở thực tiễn và khoa học cần thiết để đưa ra quyết định phù hợp: Liệu có nên giữ lại hay bỏ hội đồng trường đối với các trường đại học thành viên?.
“Tôi cho rằng nên giữ lại Hội đồng trường. Tuy nhiên, trong luật sửa đổi sắp tới, cần làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và cách thức vận hành của hội đồng trường, nhằm phát huy thực chất vai trò quản trị của cơ quan này, đảm bảo công tác quản trị đại học theo mô hình hiện đại” - ông Đạt nói.
Theo triết lý của quản trị đại học hiện đại, để một trường ĐH phát triển, cần phân tách rõ ràng giữa quản trị chiến lược và quản lý điều hành.
Luật Giáo dục đại học năm 2018 đã quy định rõ rằng: Hội đồng trường là cơ quan đảm nhiệm vai trò định hình sứ mệnh, tầm nhìn, chính sách và nhân sự cấp cao của nhà trường. Trong khi đó, công tác điều hành hằng ngày do Ban Giám hiệu đảm trách.
“Tôi cho rằng việc giữ lại hội đồng trường là cách duy nhất để đảm bảo các trường đại học có một cấu trúc minh bạch, phân quyền hợp lý, từ đó thúc đẩy tiến trình tự chủ thực chất. Nếu bỏ hội đồng trường, tôi không rõ khối lượng công việc sẽ được chuyển về đâu và liệu hội đồng Đại học có đủ khả năng đảm nhận tất cả những nhiệm vụ vốn dĩ nên được thực hiện ở cấp trường hay không” - PGS.TS Trần Văn Đạt nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP. Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP cho rằng các trường ĐH thành viên trong ĐH Quốc gia đều có một đặc thù, định hướng và vai trò riêng biệt. Điều này được xác lập ngay từ khi thành lập ĐH Quốc gia cũng như trường thành viên. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách Khoa định hướng phát triển theo khối ngành kỹ thuật; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đi theo hướng nghiên cứu xã hội, nhân văn; Trường ĐH Kinh tế - Luật thì tập trung vào khối ngành kinh tế, quản lý; Trường ĐH Quốc tế thì hướng tới phát triển theo chuẩn mực và mô hình quốc tế.
Vì vậy, hội đồng trường của từng trường thành viên nên được thiết kế sao cho gắn liền với đặc điểm và định hướng chiến lược riêng của từng trường, từ đó có thể hỗ trợ tốt hơn trong công tác quản trị và vận hành. Hội đồng của ĐH Quốc gia hoạt động ở tầm vĩ mô, khó có thể bao quát hết tất cả những đặc thù chuyên biệt của từng trường thành viên. Hơn nữa, cơ chế hoạt động của Hội đồng ĐH Quốc gia cũng theo kỳ họp định kỳ và có giới hạn nhất định, nên không thể giải quyết được hết các yêu cầu chiến lược riêng biệt của từng trường.
“Thay vì đặt câu hỏi rằng "nên giữ hay bỏ hội đồng trường" đối với các trường ĐH thành viên trong ĐH Quốc gia hay các ĐH vùng, thì Ban soạn thảo Luật Giáo dục đại học nên tập trung theo hướng phân định rõ ràng trách nhiệm và mối quan hệ giữa Hội đồng ĐH quốc gia và hội đồng trường của từng trường thành viên. Việc này sẽ góp phần thể hiện rõ ràng hơn tính phân cấp, đồng thời đảm bảo hiệu quả quản trị đại học và giữ được tính tự chủ thực chất của từng trường trong hệ thống” - PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ nói.

PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, đế xuất cần bổ sung vào dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) ba vấn đề.
Thứ nhất, cần xác định rõ và luật hóa vai trò của Đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu vì vấn đề này khi thực hiện ở giai đoạn đầu của Luật giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 có lúng túng, dù sau đó có được xử lý nhưng về mặt luật vẫn chưa được luật hóa.
Thứ hai, hội đồng trường cần được trao quyền chất vấn và yêu cầu giải trình với ban giám hiệu, thay vì chỉ thụ động thông qua các đề xuất.
Thứ ba, quy định rõ nguồn kinh phí hoạt động của hội đồng trường từ cơ sở đào tạo để bảo đảm minh bạch và độc lập trong giám sát.
Theo PGS.TS Lê Vũ Nam, việc duy trì hội đồng trường tại các trường thành viên của ĐH quốc gia là cần thiết để bảo đảm tính nhất quán với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt khi giáo dục, khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu.
PGS.TS Nam trích dẫn Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị để khẳng định vai trò nòng cốt, dẫn dắt của ĐH Quốc gia, đòi hỏi cần có cơ chế quản trị đặc thù, thay vì bị loại trừ như trong dự thảo hiện tại.
Theo ông, việc loại bỏ hội đồng trường ở các trường thành viên ĐH quốc gia là “một ngoại lệ không hợp lý”, vừa đi ngược nguyên tắc công bằng, minh bạch, vừa tạo ra sự thiếu đồng bộ và nguy cơ can thiệp hành chính.
Do đó, PGS.TS Nam đề xuất cần thẩm định kỹ nội dung của Điều 13 trong dự thảo, đồng thời tổ chức khảo sát, lấy ý kiến từ chính các trường ĐH thành viên, những đơn vị trực tiếp thực hiện tự chủ gắn với mô hình hội đồng trường để bảo đảm luật ban hành sát thực tiễn, tránh hình thức, giáo điều.
Tự chủ đại học không thể thiếu hội đồng trường
Tham gia thảo luận tại tọa đàm, PGS.TS Vũ Đức Lung, Chủ tịch Hội đồng Trường Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhấn mạnh tự chủ ĐH không thể thiếu hội đồng trường.
Theo PGS.TS Vũ Đức Lung, bất kỳ trường đại học nào dù là thành viên của ĐH Quốc gia, ĐH vùng hay là trường ĐH độc lập nếu thực hiện tự chủ thì đều phải có Hội đồng trường. “Không nên có chuyện trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia thì không có Hội đồng trường, trong khi các trường khác lại có. Như thế là không nhất quán” - PGS.TS Lung bày tỏ.

PGS.TS Vũ Đức Lung, Chủ tịch Hội đồng Trường Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM
Lấy ví dụ thực tế, ông cho biết hiện nay, các trường thành viên trong ĐHQG họp Hội đồng trường định kỳ ba tháng một lần. Mỗi kỳ họp kéo dài cả buổi, thậm chí trọn ngày do khối lượng công việc rất lớn. Với các trường có quy mô và phạm vi hoạt động rộng, công việc của hội đồng trường càng nhiều hơn.
Theo Luật Giáo dục đại học hiện hành, những chính sách quan trọng của nhà trường đều phải được Hội đồng trường xem xét và thông qua. Với cơ cấu như vậy, nếu mỗi trường thành viên họp định kỳ ba tháng/lần thì Đại học Quốc gia – trong vai trò đơn vị chủ quản – cũng sẽ phải tổ chức các phiên họp của hội đồng ĐHQG với khối lượng công việc gấp nhiều lần.
Giả sử có ba trường thành viên, mỗi trường họp một buổi, thì hội đồng ĐHQG sẽ phải họp ít nhất bốn ngày mỗi quý để xử lý nội dung từ các đơn vị trực thuộc. Khối lượng công việc là rất lớn, chưa kể đến sự cần thiết của việc thấu hiểu thực tiễn từng trường trước khi ra quyết sách.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng ĐHQG thường cũng là những người tham gia hội đồng trường của các trường thành viên. Việc họ nắm rõ tình hình từng trường là yếu tố then chốt để đưa ra quyết định phù hợp, sát với thực tế.
“Vì thế, việc xem xét loại bỏ hội đồng trường tại các trường thành viên cần được cân nhắc hết sức thận trọng” - PGS.TS Lung nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, đề xuất xem xét giữ nguyên tổ chức hội đồng trường như hiện nay đối với tất cả các trường đại học, bao gồm cả trường đại học thành viên thuộc đại học quốc gia, đại học vùng.
Đề xuất xem xét giữ nguyên tổ chức hội đồng trường như hiện nay đối với tất cả các trường đại học, bao gồm cả trường đại học thành viên thuộc đại học quốc gia, đại học vùng.
Vai trò quản trị của hội đồng trường – là cơ quan quyết định các chủ trương, chính sách trong hoạt động của nhà trường. Nếu bỏ qua vai trò quản trị quan trọng này, có lẽ sẽ triệt tiêu năng lực tự chủ nội bộ, đồng thời đi ngược với xu hướng phát triển hệ thống đại học tiên tiến trên thế giới mà Việt Nam đang hướng tới.
Việc duy trì Hội đồng trường tại mỗi trường thành viên giúp các trường chủ động, linh hoạt, nhanh chóng trong việc đưa ra các quyết định, chiến lược quan trọng, mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào Hội đồng đại học quốc gia. Đồng thời, cũng không đặt trách nhiệm, áp lực lớn lên các thành viên của hội đồng ĐHQG khi đưa ra quyết định cho các trường thành viên, mà mỗi trường có đặc thù riêng.
Theo quy định hiện nay, hội đồng trường ngoài sự tham gia các thành phần cốt cáng như Bí thư, Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn thì còn có đại diện giảng viên, sinh viên và đặc biệt là cựu sinh viên, doanh nghiệp. Việc giữ nguyên mô hình hội đồng trường đảm bảo được ý kiến, tiếng nói của đa dạng các thành phần, phản ánh được những vấn đề thực tiễn trong quá trình tổ chức và hoạt động, tăng cường tính gắn kết và quản trị.
“Nếu chúng ta chưa có sự tổng kết đánh giá nào về vận hành của mô hình này mà đã thay đổi sẽ dẫn đến những bất ổn khi triển khai vào thực tế” - PGS.TS Điệp băn khoăn.
Nếu bỏ Hội đồng trường, chúng ta sẽ có nguy cơ bị tụt hạng
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học sức khỏe, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận Trường ĐH Khoa học sức khỏe hiện nay đang tồn tại sự chồng lấn giữa ba cấp hội đồng: Hội đồng trường ĐH thành viên, Hội đồng ĐH vùng và Hội đồng ĐH Quốc gia. Mối quan hệ giữa ba cấp này cần được làm rõ.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học sức khỏe, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
“Do đó, tôi đề xuất cần có văn bản pháp lý chi tiết hóa mối quan hệ giữa ba cấp hội: Hội đồng trường ĐH thành viên, Hội đồng ĐH vùng và Hội đồng ĐH Quốc gia. Trong đó, cơ chế quản trị phải rõ ràng, đảm bảo nguyên tắc tự chủ, trách nhiệm, giải trình và giám sát. Ngoài ra, cần xác định rõ vai trò giữa các cấp hội đồng. Cụ thể, Hội đồng trường ĐH thành viên chịu trách nhiệm chính về quản trị nội bộ. Hội đồng ĐH quốc gia, ĐH vùng, đảm nhận vai trò hoạch định chiến lược quốc gia, gắn với định hướng phát triển vùng và quản lý tổng thể hệ thống”- Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh.

PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM
Tại tọa đàm, PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định nếu bỏ hội đồng trường, chúng ta có thể bị tụt hậu so với thế giới. “Chính xác là chúng ta sẽ bị tụt hạng. Khi các trường thành viên tụt hạng, cả hệ thống sẽ bị kéo theo. Điều này là rất đáng lo ngại” - ông Hạ nói.
Một vấn đề khác được PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ đề cập đến nữa là việc tinh gọn thiết chế hội đồng. Ông lý giải, trước khi Trường ĐH Bách Khoa tự chủ đại học, trường có hơn 1.400 cán bộ, viên chức, quy mô sinh viên nhỏ hơn bây giờ. Từ năm 2021 đến nay, sau khi có cơ chế tự chủ và Hội đồng trường quyết tất cả cơ cấu về nhân sự, hiện trường chỉ còn khoảng 1.100 người, giảm gần 300 vị trí. Đây là những vị trí được xác định là chưa phù hợp hoặc không còn cần thiết. Hiệu quả hoạt động của nhà trường từ đó tăng lên rõ rệt, không chỉ về mặt vận hành mà còn về chất lượng, quy mô, và cả quốc tế hóa giáo dục.
Về Hội đồng trường, hiện trường có 25 thành viên, trong đó 30% là thành viên ngoài trường. Đây là những người có tiếng nói và tầm nhìn chiến lược rất lớn. Họ là các doanh nhân, nhà khoa học có uy tín, đóng góp rất nhiều cho định hướng phát triển của trường. “Vì vậy, việc tinh gọn Hội đồng trường cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta đặt mục tiêu hiệu quả lên hàng đầu, chứ không phải chỉ đơn thuần là tinh gọn về mặt số lượng” - ông Hạ nhấn mạnh.
Ở đâu có tự chủ ĐH thì ở đó cần có hội đồng trường
Buổi tọa đàm còn có sự tham gia qua hình thức trực tuyến của các chuyên gia đến từ trường ĐH Luật (ĐH Huế) và TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (góc phải màn hình).
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết Luật Giáo dục ĐH năm 2018 là một bước ngoặt quan trọng đối với hội đồng trường, tạo ra sự thay đổi về bản chất hoạt động, đặc biệt là thúc đẩy tự chủ ĐH, trong đó phát huy vai trò của hội đồng trường để hội đồng này có thực quyền.
“Từ năm 2013 đến 2017, vai trò của hội đồng trường và tự chủ ĐH được nhấn mạnh rất nhiều. Vì vậy, quyết định xây dựng mô hình hội đồng trường có thực quyền hơn vào năm 2018 là rất cần thiết” - TS Phụng nói.
Riêng với Luật Giáo ĐH, TS Phụng vẫn tâm huyết với các trụ cột quan trọng giúp hội đồng trường có quyền lực thực chất gồm quyết định chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn, kế hoạch hàng năm và kế hoạch tài chính. Những quyền hạn này là nền tảng để hội đồng trường có thực quyền.
Tuy nhiên, theo dự thảo luật, các quy định về hội đồng trường hầu như không còn nhiệm vụ và quyền hạn nào, thậm chí nhiều trường thành viên cũng không còn hội đồng trường theo dự thảo.
“Nếu bỏ hội đồng trường ở các trường thành viên, chỉ còn các trường chuyên ngành nhỏ lẻ, sẽ không phát huy được thế mạnh và đi ngược lại với tinh thần tự chủ ĐH. Nếu dự thảo luật muốn quay lại thời kỳ trước 2003, giảm vai trò hội đồng trường, tôi nghĩ nên bỏ hẳn thiết chế hội đồng trường thay vì giữ một thiết chế không có quyền hạn và vai trò rõ ràng” - TS Phụng nhấn mạnh.
Cũng theo TS Phụng, ở đâu có tự chủ ĐH thì ở đó cần có hội đồng trường. Một trường đại học không có hội đồng trường thì không thể xem là có quyền tự chủ một cách đúng nguyên tắc. Trường đại học nào đủ năng lực để lớn mạnh thì phải được trao quyền tự chủ.
Thực tế cho thấy, các trường thành viên vốn có năng lực tự chủ cao nên cần được quyền tự chủ ngang hoặc cao hơn các trường ĐH độc lập. Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 đã đi theo hướng này, khi cho phép các trường thành viên đủ điều kiện tự mở ngành, tự liên kết đào tạo, và đại học chủ quản sẽ quyết định về mở ngành liên kết đào tạo với nước ngoài. Đó là con đường đúng đắn để phát huy sự lớn mạnh và năng lực tự chủ của trường thành viên.
Dù vậy, theo TS Phụng, các trường thành viên khi nằm trong ĐH cũng phải có sự liên kết, ràng buộc để phát triển chung theo định hướng lớn. ĐH là cơ chế cộng lực để phát triển, tạo ra đường đi chung và sử dụng nguồn lực chung, thúc đẩy các ĐH lớn tại Việt Nam. Nhưng từng trường thành viên cũng cần có quyền tự chủ để phát huy thế mạnh riêng, bên cạnh sự phối hợp chung.
“Do đó, tôi đề xuất dự thảo nên quy định rõ vị trí và mối quan hệ giữa hội đồng trường ĐH và hội đồng trường các trường thành viên trong quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH. Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp giữa ba thiết chế trong trường: Đảng ủy (định hướng và công tác văn hóa), hội đồng trường (quản trị chiến lược) và ban giám hiệu (điều hành hành chính). Tôi thấy cơ chế phối hợp này rất hiệu quả. Trong đó, không nên phân biệt hội đồng trường nào có quyền lớn hơn, mà phải phối hợp hỗ trợ, giám sát lẫn nhau” - TS Phụng nói.
Tham dự tọa đàm, có các đại biểu là nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các đại học quốc gia cùng các trường đại học thành viên, gồm:
- TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (tham dự online cùng chương trình);
- TS. Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Pháp chế, ĐH Quốc gia TP.HCM;
- GS.TS Lê Minh Phương, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM;
- PGS.TS Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM;
- PGS.TS Lê Tuấn Lộc, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM;
- PGS.TS Vũ Đức Lung, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM;
- PGS.TS Trần Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH An Giang, Đại học Quốc gia TP.HCM;
- GS.TS Võ Văn Sen, Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM;
- PGS.TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng (tham dự online cùng chương trình);
- PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế (tham dự online cùng chương trình);
- PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM;
- PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM;
- PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM;
- PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM;
- Thạc sĩ Văn Chí Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM;
- Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học sức khỏe, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Buổi tọa đàm còn có sự hiện diện của các chuyên gia, giảng viên, đại biểu đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn TP.HCM, cùng các đại diện tham dự trực tuyến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước.