Hà Nội cần định hình văn hóa thương mại trong phát triển

Yêu cầu của quy định này là phát triển khu thương mại văn hóa là chuỗi, làm sao phát triển thương mại gắn với văn hóa và cần định hình được văn hóa thương mại trong phát triển.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên - Huế) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên - Huế) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường tại kỳ họp thứ bảy mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên - Huế) mong muốn dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Góp ý về nội dung phát triển văn hóa ở Khoản 1 Điều 21, đại biểu cho rằng việc dự thảo Luật xác định yêu cầu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh tiêu biểu cho văn hóa lương tri và phẩm giá con người Việt Nam là thể chế hóa đúng tinh thần nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Tuy nhiên, cần đưa ra những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hành nghề và truyền nghề hiệu quả, mang lại giá trị cuộc sống thiết thực.

Tán thành quy định về khu thương mại và văn hóa tại khoản 7 Điều 21, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng ở đây chỉ mới quy định việc thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý đối với thương mại. Mặc dù ở Điểm b có nêu về chi cho hoạt động văn hóa, Điểm d có nêu về việc đảm bảo các điều kiện về văn hóa, kinh doanh, phát huy giá trị văn hóa. Trong khi đó, yêu cầu của quy định này là phát triển khu thương mại văn hóa là chuỗi, làm sao phát triển thương mại gắn với văn hóa và cần định hình được văn hóa thương mại trong phát triển. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh.

Về chính quyền đô thị từ Điều 8 đến Điều 16, đại biểu Nguyễn Thị Sửu quan tâm một số nội dung liên quan đến Điều 9. Về vấn đề giao thẩm quyền quyết định biên chế cho HĐND thành phố Hà Nội ở Khoản 4 Điều 9, đại biểu cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp trước và kỳ họp lần này còn có ý kiến chưa thống nhất với quy định này.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần ủng hộ quy định này vì một số lý do. Thứ nhất, Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của đất nước, là trái tim, bộ mặt của quốc gia. Vì vậy, yêu cầu về quản lý mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của thành phố không đơn thuần tương tự với các địa phương khác.

Thứ hai, Hà Nội là địa phương có dân số rất đông với trên 8,56 triệu nhân khẩu, dân số thường xuyên khoảng 11 triệu người. Các giao dịch hành chính diễn ra nhiều, phức tạp, yêu cầu quản lý rất cao, nhiều trọng trách mà định biên hằng năm, đặc biệt từ năm 2021 so với năm 2015 giảm đến 15,65% biên hành chính và giảm 10% biên chế viên chức trong khi lượng công việc ngày càng gia tăng dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với công chức.

Nếu tính theo dân số trên biên chế công chức, hiện nay ở Hà Nội là 1.016 người/công chức, trong khi trung bình 63 tỉnh, thành phố chúng ta là 686 người/công chức. Về cơ cấu tổ chức số lượng đại biểu HĐND thành phố ở Điều 9, nếu xét về tỷ lệ hiện nay thì tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố/dân số Thủ đô đang ở mức là 90.000 người/đại biểu, trong khi bình quân chung của cả nước là 26.500 người/đại biểu.

Mặt khác, việc không tổ chức HĐND phường, số lượng đại biểu HĐND các cấp của thành phố đã giảm đi đáng kể và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện của thành phố phát triển thành quận. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách cũng cần phải bố trí, phân công nhiệm vụ làm việc trong các ban của HĐND để làm việc thường xuyên, liên tục, giúp thực hiện công việc theo dõi, giám sát và chuẩn bị các nội dung, công việc trình HĐND và Thường trực HĐND.

“Riêng đối với nội dung quy định là phó trưởng ban và các ủy viên do Thường trực HĐND thành phố phê chuẩn khoản 3 Điều 9 cần xem xét, tính toán kỹ để bảo đảm các nguyên tắc về bầu cử”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu kiến nghị.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-can-dinh-hinh-van-hoa-thuong-mai-trong-phat-trien-670061.html