Hà Nội: Kéo dài thời gian giữ chức Hiệu trưởng để hoàn thiện hồ sơ cho 104 học sinh thi cao đẳng, đại học
Sự việc 104 học sinh trường THPT Đặng Thai Mai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chưa được nhà trường hoàn thiện hồ sơ, dẫn tới nguy cơ các học sinh này sẽ không được đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng bằng học bạ khiến dư luận bức xúc. Sau khi biết thông tin, Sở GD-ĐT Hà Nội đã họp khẩn với các thành viên Hội đồng góp vốn của trường để tìm phương hướng khắc phục.
Những ngày qua, 104 học sinh lớp 12 trường THPT Đặng Thai Mai đã hốt hoảng khi biết thông tin học bạ của mình chưa được ký duyệt để hoàn thành thủ tục thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Điều này đồng nghĩa với việc các học sinh này sẽ không được đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng bằng học bạ.
Em NGUYỄN THỊ TRANG, Học sinh lớp 12B, Trường THPT Đặng Thai Mai, Sóc Sơn, Hà Nội: “ … Khi nghe tin em không được xét đại học, cao đẳng lúc đấy em buồn và rất hoảng hốt. Khi nghe như thế thì em rất lo, em về khóc, khóc rất nhiều …”
Em NGUYỄN PHƯƠNG HUYỀN, Học sinh lớp 12A, Trường THPT Đặng Thai Mai, Sóc Sơn, Hà Nội: “Không chỉ em mà những bạn học sinh khác cũng có ước muốn học cao đẳng và đại học. Nhưng mà khi nghe tin đấy thì không khác gì việc chặt đứt ước muốn của chúng em".
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc và được biết: Hiệu trưởng cũ hết nhiệm kỳ và hết tuổi làm việc theo quy định nên đã nghỉ việc từ 1/5/2022. Kể từ đó, do vướng mắc với các thành viên góp vốn nên trường không bổ nhiệm được hiệu trưởng, hiệu phó. Do vậy, hồ sơ, học bạ của 104 học sinh lớp 12 đang bị “treo”.
Ông LÊ ĐẮC HẢI, Thành viên Hội đồng góp vốn Trường THPT Đặng Thai Mai, Sóc Sơn, Hà Nội: “ … 20/1/2022, đồng chí Trường đã hết nhiệm kỳ, nghỉ hưu. Nhưng mà từ đó cho đến nay, Sở cũng chưa có quyết định (bổ nhiệm -PV) của Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho nên hồ sơ thi, dự tuyển vào các trường đại học chưa có Ban giám hiệu ký…”
Nhận được thông tin vụ việc, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn với các thành viên hội đồng góp vốn của trường để tìm phương án giải quyết.
Ông KIỀU VĂN MINH, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.Hà Nội: “ … Các nhà đầu tư đã thống nhất cao cái việc đề xuất với Sở GD&ĐT kéo dài thời gian làm hiệu trưởng đối với ông Hiệu trưởng đã hết thời hạn nhiệm kỳ trước đến ngày 30/8/2022. Theo đó, từ ngày mai ông Hiệu trưởng của nhà trường sẽ tiếp tục điều hành những công việc của nhà trường để giải quyết các công việc để phục vụ cho các em học sinh …”
Ông LÊ QUỐC TRƯỜNG, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thai Mai, Sóc Sơn, Hà Nội: “ … 4 thầy ở trong HĐQT trình với Sở, đề nghị Sở kéo dài cái thời gian nhiệm kỳ của tôi để giúp cho học trò, nhất là khối 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp. Sau đó Sở có gọi điện cho tôi, nói là vì học trò, động viên tôi làm tiếp cho đến tháng 8…"
Rõ ràng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Còn sau thời gian này, nhà trường có kiện toàn được bộ máy ban giám hiệu hay không thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Có thể nói, đây là một trong những ví dụ điển hình cho thấy, việc xã hội hóa giáo dục là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi chỉ cần có những bất đồng, sai sót xảy ra trong nội bộ các nhà đầu tư thì hậu quả gánh chịu cuối cùng lại là các em học sinh.
Thực hiện : Trần Tiến Minh Quốc